Ngân hàng yếu kém mức nào thì sẽ bị can thiệp sớm?

0:00 / 0:00
0:00
Các tổ chức tín dụng (TCTD) bị can thiệp sớm cũng sẽ bị hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua.
Ngân hàng yếu kém mức nào thì sẽ bị can thiệp sớm?

Bị rút tiền hàng loạt, lỗ lũy kế 15% vốn điều lệ… sẽ bị can thiệp sớm

Hôm nay (15/1), Quốc hội kỳ họp bất thường sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Dự thảo lần này có nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng.

Thứ nhất, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này.

Thứ hai, xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 30 ngày liên tục.

Thứ tư, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 138 của Luật này trong thời gian 06 tháng liên tục.

Thứ năm, bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.

Bị can thiệp sớm, ngân hàng phải hạn chế tăng trưởng tín dụng

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là bổ sung biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung giải pháp này là nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có TCTD đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện thì đã muộn (quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng) khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.

Thêm biện pháp hỗ trợ ngân hàng bị can thiệp sớm

Theo đề xuất của Chính phủ, đối với TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ thì cho phép áp dụng biện pháp hỗ trợ về cơ chế (trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính, thoái lãi dự thu theo lộ trình) và bổ sung 02 biện pháp áp dụng cho quỹ tín dụng nhân dân do nếu chỉ áp dụng biện pháp tự thân từ TCTD mà không có biện pháp hỗ trợ khác thì phương án khắc phục TCTD khó khả thi, không đem lại hiệu quả phục hồi TCTD.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ đã tiếp thu theo hướng gắn với thẩm quyền của Chính phủ.

Theo đó, dự thảo Luật quy định, trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm có lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này, được áp dụng thêm một hoặc một số biện pháp hỗ trợ.

Cụ thể, trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm chưa bao gồm số tiền dự phòng rủi ro đã tạm trích trong năm thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi theo quy định của Chính phủ, đồng thời phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa trích lập theo quy định trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan.

Trường hợp tổ chức tín dụng có lãi phải thu phải thoái, tổ chức tín dụng được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 5 năm kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này.

Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 5 năm nhưng tối đa không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết, đồng thời phải thuyết minh rõ số lãi dự thu phải thoái chưa phân bổ theo quy định trong báo cáo tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan”.

Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây: khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm; được tổ chức lại dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác; có quyết định thực hiện giải thể, phá sản hoặc bị đặt vào kiểm soát đặc biệt.

Tin bài liên quan