Ngành ngân hàng chống dịch, những kinh nghiệm từ TP.HCM

Ngành ngân hàng chống dịch, những kinh nghiệm từ TP.HCM

(ĐTCK) Mặc dù dịch bệnh chưa kết thúc, song những kết quả ấn tượng về công tác phòng chống và chữa bệnh cùng các yếu tố làm nên thành công đó cần được ngành ngân hàng Thành phố, các tổ chức tín dụng quan tâm, vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân hiện nay.

Kịp thời hỗ trợ các ngành kinh tế

Có thể nói, đại dịch lịch sử Covid-19 không chỉ đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế nước ta nói riêng như một cuộc khủng hoảng, nhưng khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường về nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng.

Chính sự khác biệt này quyết định đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm, lệnh cách ly xã hội và “đóng cửa” biên giới của các nước được tháo dỡ, sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế sẽ rất tích cực và mạnh mẽ. Đây là sự khác biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với khủng hoảng kinh tế mang tính chu kỳ và có nguyên nhân do yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị khách quan.

Ngành ngân hàng chống dịch, những kinh nghiệm từ TP.HCM ảnh 1

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TP.HCM

Ở góc độ kinh tế, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là rất lớn. Trong đó, các ngành lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp và nông thôn… chịu ảnh hưởng trực tiếp do hạn chế đi lại, ngừng hoạt động, giảm thu nhập, giảm doanh thu và tác động lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế - phản ánh định lượng bằng kết quả các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, về phát triển ngành, lĩnh vực… đều thấp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách, các giải pháp nhằm mục tiêu duy trì và ổn định sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn do tác động ảnh hưởng bởi dịch.

Về mặt chính sách, đây là hệ thống giải pháp toàn diện, kịp thời, trong đó chính sách về lãi suất, về tín dụng, về cải cách hành chính... sẽ trực tiếp và gián tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm áp lực trả nợ vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và phục hồi phát triển khi dịch bệnh kết thúc. 

Để chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả, NHNN đã chỉ thị và giao nhiệm vụ cụ thể theo 10 nhóm giải pháp cho các tổ chức tín dụng, với yêu cầu thực hiện nghiêm túc trên tinh thần thượng tôn pháp luật gắn với trách nhiệm người đứng đầu tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và của doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng không nằm ngoài quá trình đó.

Vì vậy, để thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất, hệ thống các giải pháp của NHNN hiện nay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, rất cần sự chia sẻ, sự đồng lòng và trách nhiệm của mỗi tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.  Đây cũng chính là bài học rút ra từ công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của nước ta.

Những bài học thành công

Mặc dù dịch bệnh chưa kết thúc, song với những kết quả ấn tượng về công tác phòng, chống và chữa bệnh, cùng các yếu tố làm nên thành công đó, cần được ngành ngân hàng TP.HCM, các tổ chức tín dụng quan tâm, vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân hiện nay. Đó là bài học về tinh thần đoàn kết, đồng lòng và sẻ chia, đó là bài học về ý thức trách nhiệm xã hội và lợi ích cộng đồng.

Tất cả các giá trị chung đó, vận dụng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trên nền tảng chính sách của NHNN, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ như kỳ vọng. Ý nghĩa đó phản ánh trên ba phương diện chính sau:

Thứ nhất là giá trị của bài học đoàn kết. Mỗi tổ chức tín dụng, từ hội đồng quản trị, cổ đông, đội ngũ lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên cần đồng lòng, quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật để tổ chức triển khai cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các quyết định về lãi suất, cũng như các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN và của Ủy ban Nhân dân TP.HCM.

Thực hiện tốt từ mỗi đơn vị của tổ chức tín dụng sẽ đảm bảo cho cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả, đồng bộ và đạt được kết quả nhanh trong điều kiện đại dịch, với yêu cầu cấp bách về hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn, đang bị tạm ngưng hoạt động, đóng cửa, thậm chí phá sản nếu dịch kéo dài.

Thứ hai là bài học về sự sẻ chia, là bài học nhân văn gắn với bản chất văn hóa người Việt đã có tác động tích cực và to lớn trong giai đoạn chống dịch vừa qua, củng cố và nâng tầm giá trị thương hiệu quốc gia. Bài học này được vận dụng tốt không chỉ mang lại ý nghĩa đối với mỗi tổ chức tín dụng, mà trên hết mang lại giá trị to lớn là duy trì, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đề ra.

Chia sẻ khó khăn, không chỉ là giá trị nhân văn mà trong nền kinh tế thị trường còn mang lại cho mỗi tổ chức tín dụng giá trị lớn hơn nhiều, đó là tạo lập và củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của khách hàng.      

  

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa này, các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp, cho khách hàng, mà chưa cần phải chế tài từ cơ quan quản lý. Bởi lẽ, với điều kiện thị trường hiện nay, trong bối cảnh khó khăn và với chính sách duy trì lãi suất thấp của NHNN, các tổ chức tín dụng có thể xem xét, chủ động điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ và việc điều chỉnh giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay đối với các khoản nợ có lãi suất cao hơn mức phổ biến của thị trường là phù hợp;

Tiếp đó là chia sẻ khó khăn, ý nghĩa bản chất của hoạt động này mang lại giá trị to lớn mà việc giảm bớt một phần thu nhập (do giảm lãi suất) của tổ chức tín dụng là không thể so sánh nếu chúng ta cùng nhận thức, việc làm đó mang lại cho doanh nghiệp sự hồi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh, theo đó khôi phục nguồn thu, dòng tiền và khả năng trả nợ ngân hàng. Kết quả là “ngân hàng và doanh nghiệp đồng hành cùng tồn tại để phát triển”. Đó là giá trị to lớn mà mỗi tổ chức tín dụng cần vận dụng trong điều kiện hiện nay. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho khách hàng cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng!

Chia sẻ khó khăn, không chỉ là giá trị nhân văn mà trong nền kinh tế thị trường còn mang lại cho mỗi tổ chức tín dụng giá trị lớn hơn nhiều đó là tạo lập và củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của khách hàng. Cơ sở dữ liệu về khách hàng truyền thống của tổ chức tín dụng sẽ ngày càng mở rộng, đó là tài nguyên quý báu để hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Bởi lẽ, sự gắn bó của khách hàng với tổ chức tín dụng mang lại lợi ích to lớn, không chỉ là quan hệ tín dụng mà còn quan hệ trong sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Trong đó, dịch vụ tài khoản, mở và thanh toán qua ngân hàng tại tổ chức tín dụng mang lại nhiều lợi ích trong việc tăng trưởng và phát triển dịch vụ ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, phù hợp xu hướng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ ba là bài học về ý thức trách nhiệm và lợi ích cộng đồng. Dịch Covid-19, với khả năng lây lan và mức độ nguy hiểm cho đến nay chắc chắn mọi người dân đều nhận thức đầy đủ, nhờ vậy, hạn chế được đại dịch bùng phát diện rộng, góp phần phòng chống dịch thành công. Giá trị bài học này đó chính là trách nhiệm mỗi cá nhân, mỗi người dân đối với xã hội, đối với đất nước và lợi ích của cộng đồng, lợi ích về an toàn và bảo vệ sức khỏe. Ý nghĩa bài học sẽ tạo động lực để góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế - xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động đều phải vận hành theo quy luật kinh tế khách quan, song yêu cầu phải tôn trọng và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Có như vậy mới đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và tích cực và trách nhiệm công dân, trách nhiệm doanh nghiệp, trách nhiệm tổ chức tín dụng cũng được thực hiện theo ý nghĩa đó, chỉ có như vậy pháp luật mới được thực thi hiệu quả.

Các tổ chức tín dụng thực hiện nhiệm vụ được giao, với ý thức trách nhiệm cao chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho khách hàng và người dân, nhìn ở góc độ kết quả chính sách và hiệu ứng chính sách trên tất cả các lĩnh vực: tín dụng, thanh toán và các chương trình tín dụng chính sách.

Với ý nghĩa đó, ngành ngân hàng TP.HCM cần tiếp tục phát huy giá trị của tinh thần Đại đoàn kết, đồng lòng, sẻ chia và ý thức trách nhiệm xã hội để mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng của NHNN trong giai đoạn dịch và hậu đại dịch Covid-19 ấn tượng và tự hào.

Tin bài liên quan