Tài chính tiêu dùng: “Cứu cánh” trong giai đoạn dịch bệnh

Tài chính tiêu dùng: “Cứu cánh” trong giai đoạn dịch bệnh

(ĐTCK) Kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay… Đây là nội dung có trong cuộc Toạ đàm “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng” được Báo Đầu tư tổ chức ngày hôm qua (21/5).

Thách thức nhiều hơn cơ hội

Theo dự báo của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, dưới tác động của đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng với áp lực từ thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cùng với khó khăn cả về phía cung và cầu thị trường, dự báo thu nhập hoạt động năm 2020 có thể giảm khoảng 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.

Không nằm ngoài xu hướng chung, hoạt động tài chính tiêu dùng cũng chịu nhiều áp lực. Kết quả kinh doanh quý I/2020 cho thấy dấu hiệu giảm sút tại nhiều công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc SHBFC nhận định, đối với các CTTC mới gia nhập thị trường trong 3 năm qua, thách thức nhiều hơn cơ hội.

Nếu công ty nào chưa đủ thời gian để thiết lập bộ máy nhân sự vận hành ổn định, chưa thể gia tăng doanh thu để tạo lợi nhuận, thì trong bối cảnh hậu Covid-19, rủi ro nợ xấu khả năng sẽ gia tăng, việc huy động vốn khó khăn sẽ dễ đưa các công ty mới vào “ngõ hẹp”.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phân tích, một trong những lợi thế lớn nhất của cho vay tiêu dùng đó là quy mô khách hàng lớn, giá trị các khoản vay nhỏ, nên rủi ro của nhóm khách hàng này có thể được bù đắp bởi rủi ro của các nhóm khách hàng khác.

Tuy nhiên, rủi ro lần này là rủi ro tổng thể, tác động đồng loạt lên tất cả các nhóm khách hàng, nên lợi thế này của cho vay tiêu dùng không còn.

Cụ thể, theo ông Tú Anh, nguồn thu nhập của hầu hết người đi vay bị gián đoạn do bị thất nghiệp, hoặc việc làm không đủ thời gian. Đồng thời, nhu cầu cho vay tiêu dùng giảm mạnh do thu nhập giảm và rủi ro trong tương lai tăng, khiến người dân có xu hướng hạn chế tiêu dùng, gia tăng tiết kiệm dự phòng.

Điều này dẫn đến ứ đọng thanh khoản trong các ngân hàng và các CTTC cho vay tiêu dùng.

“Thường các CTTC tiêu dùng có chi phí huy động vốn khá cao, nên việc ứ đọng thanh khoản sẽ làm tăng mạnh chi phí hoạt động. Nếu dịch bệnh kéo dài, chi phí gia tăng sẽ bào mòn lợi nhuận tích lũy được trong những năm gần đây và đẩy các công ty cho vay tiêu dùng vào nguy cơ vỡ nợ”, ông Tú Anh nói.

Thông tin đáng chú ý được TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ, hành vi và xu hướng tiêu dùng thay đổi mạnh sau đại dịch sẽ định hình lại hoạt động và chiến lược kinh doanh của các CTTC tiêu dùng.

Kết quả khảo sát tháng 3 của McKinsey (với 2.500 người Trung Quốc) và tháng 5 của TransUnion (với trên 2.000 người Mỹ) cho thấy: thứ nhất, khoảng 20 - 30% số người sẽ thận trọng trong chi tiêu tại Trung Quốc (60% tại Mỹ); thứ hai, công nghệ số hóa, các hoạt động trực tuyến trở nên phổ biến trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân; thứ ba, người dân chú tâm hơn đến các sản phẩm thiết yếu (như chăm lo sức khỏe, y tế, môi trường và lối sống lành mạnh hơn).

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Nielsen (tháng 4/2020), người tiêu dùng cũng có xu hướng giảm chi tiêu trong quý I/2020 với gần 70% số người ưu tiên cho tiết kiệm. Xu hướng tăng mua thực phẩm và giảm tại nhiều ngành hàng khác được dự báo sẽ duy trì cả sau đại dịch.

Những điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng bán lẻ trong nhiều năm, định hình lại nhu cầu, cách lựa chọn sản phẩm của khách hàng, từ đó đặt ra yêu cầu điều chỉnh hoạt động và chiến lược kinh doanh phù hợp hơn đối với các CTTC tiêu dùng.

Tài chính tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng

Nhận định thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhưng TS. Cấn Văn Lực cho biết, thời gian tới, hoạt động của thị trường này được dự báo có 4 thuận lợi/cơ hội.

Một là, tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng còn rất lớn khi mà triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của Việt Nam tương đối khả quan, trong khi quy mô thị trường tài chính tiêu dùng còn khiêm tốn.

Hai là, Chính phủ có chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ba là, nhu cầu, định hướng phát triển của nhiều tổ chức tín dụng về đẩy mạnh cho vay cá nhân. Bốn là, văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi.

TS. Lực nhấn mạnh đến vai trò góp phần phục hồi phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch, đó là trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tài chính tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng. Khi đó, tài chính tiêu dùng sẽ là "cứu cánh".

Bên cạnh đó, tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Theo chuyên gia này, quy mô “tín dụng đen” tại Việt Nam có thể đạt 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 500.000 - 650.000 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2019). Đây không phải con số lớn, nhưng hệ lụy xã hội thì rất lớn.

Đặc biệt, tài chính tiêu dùng góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua các phương diện: thứ nhất, phát triển tài chính tiêu dùng là cơ sở để tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh, từ đó thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thứ hai, góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khúc khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng; thứ ba, thị trường tài chính tiêu dùng đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Đến hết năm 2019, ước tính các CTTC tạo ra khoảng 50.000 việc làm, riêng 3 CTTC tiêu dùng hàng đầu đang có khoảng 38.000 nhân viên.

Một khảo sát của SHBFC đối với hơn 6.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động bình thường trong tháng 5 tăng 13% so với tháng 4 và chiếm hơn 85%. Nhóm doanh nghiệp bị giải thể, sắp giải thể, ngừng hoạt động không dao động nhiều giữa 2 tháng, vẫn ở mức dưới 4%.

“Đối tượng khách hàng của CTTC tiêu dùng là người lao động thu nhập trung bình - thấp. Đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương, mất/giảm thu nhập khi doanh nghiệp bất ổn.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo lại công ăn việc làm cho người lao động, bài toán dần được tháo gỡ. Chúng tôi dự báo, nhu cầu vay vốn tiêu dùng sẽ tăng trở lại từ tháng 5/2020”, bà Tường Vy nói.

Thấu hiểu người lao động là đối tượng trực tiếp đối mặt với nguy cơ bị giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp, hàng loạt chương trình và chính sách đã được FE Credit áp dụng nhằm đồng hành với người dân vượt qua khó khăn.

Theo đó, từ tháng 3/2020, FE Credit đã chủ động tiến hành tái cơ cấu nợ, miễn/giảm lãi, phí và giãn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử trả nợ tốt.

Đến nay, FE Credit đã giãn nợ cho gần 185.000 khách hàng. Theo lộ trình, số khách hàng được hỗ trợ giãn nợ sẽ tăng lên 250.000 trong thời gian tới.

“Trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, SHBFC luôn bám sát thông tin thị trường, phân tích và tìm giải pháp tốt nhất cho các kịch bản tùy theo diễn tiến của dịch, với mục tiêu đưa công ty hoạt động an toàn hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Sau khi có thể ổn định để vượt qua giai đoạn căng thẳng do dịch Covid-19, doanh nghiệp sẽ đủ sức tăng tốc vào quý III và IV/2020”, bà Tường Vy nói.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế năm 2019 (%)

Tài chính tiêu dùng: “Cứu cánh” trong giai đoạn dịch bệnh ảnh 2

Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2019 vào khoảng 1,68 triệu tỷ đồng (gấp 7 lần so với mức 230.000 tỷ đồng năm 2012). Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 20,5%, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng bình quân khoảng 20% mỗi năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (khoảng 14 - 15%).

Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng phục vụ mua nhà, sửa nhà (khoảng 40% tổng tín dụng tiêu dùng), thì dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối năm 2019 chỉ khoảng 12,3% tổng dư nợ nền kinh tế. Đây là mức tương đối thấp so với khu vực (xem biểu đồ). Trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, dư nợ của các CTTC chiếm khoảng 7,7% (tương đương 130.000 tỷ đồng), còn lại là từ các ngân hàng (chiếm 88%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 4%).

Tin bài liên quan