Tại Hà Nội, tổng số nhà công nhân hiện mới đáp ứng được 1/5 tổng nhu cầu thực tế. Ảnh: Việt Dương

Tại Hà Nội, tổng số nhà công nhân hiện mới đáp ứng được 1/5 tổng nhu cầu thực tế. Ảnh: Việt Dương

Nghịch lý nhà ở công nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tạo lập được quỹ nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp là điều không chỉ người lao động, mà cả các chủ đầu tư khu công nghiệp mong mỏi, thế nhưng cơ chế, chính sách để phát triển phân khúc nhà ở này đang "bó chân tay" những người muốn làm thật.

“Méo mặt” vì thiếu nhà ở cho công nhân

Hơn 30 khu công nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai, thu hút khoảng vài trăm nghìn lao động đa số từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung xa xôi đến đây lập nghiệp, nhưng hầu hết đều chưa hình thành nhà lưu trú công nhân tập trung. Chính vì lý do này mà trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 vừa qua, chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có thể áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất - kinh doanh. Dẫu vậy, những doanh nghiệp này cũng chỉ trụ được khoảng 2 tháng do không đủ nguồn lực duy trì nơi ăn chốn ở trong thời gian dài hơn.

Cũng dễ hiểu, bởi trước đây, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra ổn định, nhiều doanh nghiệp có chính sách đưa đón công nhân từ các khu vực về nhà máy, nhưng trong mùa dịch, điều này là không thể vì doanh nghiệp không có sẵn ký túc xá, khu nhà ở cho công nhân, nếu thuê những khu nhà trọ, nhà nghỉ bên ngoài cho số lượng lớn công nhân ở thì không thể kham nổi.

Trong một câu chuyện khác, tại Khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), nơi có khoảng 100.000 công nhân đang làm việc, nhưng chỉ khoảng 10% được thu xếp ở trong các khu nhà tập trung trong khu công nghiệp, còn lại 90% phải thuê nhà trọ bên ngoài.

“Trong đợt dịch vừa rồi, chúng tôi phải cho mượn nhà để công nhân ở, chứ không cho thuê được vì không có quy định chủ đầu tư khu công nghiệp thuê nhà cho công nhân ở”, ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera - doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Yên Phong cho hay.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội thông tin, trên địa bàn Thành phố có 9 khu công nghiệp, nhưng mới có 4 khu đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân và tổng số nhà công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 tổng nhu cầu thực tế.

Chia sẻ nguyên nhân về sự thiếu hụt này, ông Tuấn cho hay, hơn 20 năm trước, trong các quyết định phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản các khu công nghiệp chỉ đề cập đến việc xây dựng khu công nghiệp phục vụ cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà chưa quan tâm tới vấn đề nhà ở công nhân. Theo thời gian, các khu công nghiệp ngày một phát triển thì nhu cầu này cũng ngày càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng nhà công nhân trong khu công nghiệp vẫn rất hạn chế.

Bày tỏ sự quan ngại, ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, dưới tác động của bệnh dịch, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, từ đó nảy sinh hàng loạt vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là nhà ở cho công nhân. Theo ông Thường, số đông lao động di cư từ quê đến thành phố đang ở trong khu nhà trọ tự phát chật hẹp, ẩm thấp, thiếu tiện nghi sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh tật rất cao.

“Câu chuyện về những công nhân mất việc phải sống tạm bợ ở các khu nhà hoang, công trường xây dựng dở dang trong mùa dịch tuy chỉ là thiểu số, nhưng cũng gióng lên hồi chuông về đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong các khu công nghiệp”, ông Thường nhấn mạnh.

Nút thắt quỹ đất và vốn

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở giá rẻ, thế nhưng các chính sách này vẫn còn yếu và thiếu.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, các cơ chế, chính sách về nhà ở công nhân hiện còn chưa thực chất, chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.

“Đơn cử, theo Luật Nhà ở và một số quy định liên quan, chính sách ưu đãi về đất đai không được tính vào giá thành đầu tư, tức là chưa hướng tới chủ đầu tư, nên họ không mặn mà tham gia thực hiện các công trình này là dễ hiểu. Chưa kể, cơ chế riêng cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cũng chưa sát thực tế, bởi các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong khu công nghiệp thường không có chức năng ngành nghề đầu tư xây dựng nhà ở, nên rất ít doanh nghiệp được hưởng chính sách này. Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế, chính sách riêng về 10 nhóm đối tượng nhận ưu đãi, bao gồm cả công nhân khu công nghiệp”, ông Hưng nêu dẫn chứng.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết, theo quy định tại Điều 9 - Nghị định 100/NĐ-CP: “Chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân trong khu công nghiệp được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng tại Việt Nam”, nhưng trên thực tế, nguồn vốn này rất hạn chế.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước cần cung cấp 9.000 tỷ đồng để tạo dựng quỹ nhà ở xã hội, nhưng tới năm 2020, ngân sách mới bố trí được 2.163 tỷ đồng. Tương tự, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định gồm 4 ngân hàng thương mại có nguồn gốc quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, nhưng các ngân hàng này đều chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội và cũng chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.

“Chính vì thiếu cả nguồn vốn lẫn quỹ đất nên có nhiều dự án nhà xã hội đã lên kế hoạch không thể triển khai xây dựng thời gian qua”, ông Điệp nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế cho biết, làm nhà ở xã hội, nhất là nhà cho công nhân, lợi nhuận thường rất thấp. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là về quỹ đất, để thu hút nhà đầu tư tham gia làm nhà giá rẻ.

“Cần hỗ trợ đất sạch chứ không phải để doanh nghiệp nhận đất rồi vật vã đi đền bù. Đồng thời, cần làm các khu nhà ở tập trung có đầy đủ các tiện ích như trường học, bệnh viện, chợ, công viên… và nằm gần các khu công nghiệp để công nhân có thể tiện đi lại thuận tiện, chứ họ không có nhu cầu phải sống ở khu vực trung tâm, cách xa nơi làm việc. Hơn nữa, không thể bắt doanh nghiệp dành 20% quỹ đất dự án ở khu vực trung tâm vốn đã đắt đỏ và khan hiếm để xây nhà giá rẻ, chưa kể việc xây dựng một khu nhà ở xã hội bên trong một dự án chung cư cao cấp cũng là bất hợp lý”, ông Nam đề xuất.

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngay từ giai đoạn 2008-2009, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây nhà ở cho người lao động. Các doanh nghiệp khi đầu tư nhà máy, khu công nghiệp ở địa phương cũng không phải nộp tiền sử dụng đất để làm ký túc xá cho công nhân và tiền xây ký túc xá sẽ được trừ vào chi phí sản xuất, khấu hao của nhà máy… Tuy nhiên, một số địa phương đã không nghiêm túc thực hiện quy định của Chính phủ, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà ở công nhân, người lao động phải thuê trọ ở những khu nhà tự phát, điều kiện sinh sống không được đảm bảo, nên khi có dịch bệnh thì nơi đây trở thành ổ dịch lớn.

“Nhìn vào cách làm của Samsung ở Bắc Ninh, Thái Nguyên có thể thấy, họ có ký túc xá cho công nhân nên việc thực hiện chính sách ‘1 cung đường, 2 điểm đến’ để phòng chống dịch khá thuận lợi, qua đó ổn định được sản xuất, hạn chế được tác động của dịch bệnh”, ông Kiên nói.

Tin bài liên quan