Nghiên cứu: Việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm gia tăng cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một báo cáo mới từ tổ chức phi lợi nhuận Jubilee Debt Campaign (JDC), việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
Nghiên cứu: Việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm gia tăng cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed (FOMC) sẽ họp trong tuần này để quyết định con đường thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao. Một số nhà phân tích đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay từ mức lãi suất thấp nhất trong thời kỳ đại dịch.

Trong một báo cáo được công bố hôm Chủ nhật (23/1), Jubilee Debt Campaign nhấn mạnh rằng, các khoản thanh toán nợ của các nước đang phát triển đã tăng 120% từ năm 2010 đến năm 2021 và hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Bên cạnh đó, nguồn thu trung bình của chính phủ chuyển cho các khoản thanh toán nợ nước ngoài tăng từ 6,8% trong 2010 lên 14,3% vào năm 2021.

Báo cáo cho biết, việc gia tăng mạnh các khoản thanh toán nợ đang cản trở sự phục hồi kinh tế của các quốc gia sau đại dịch, và việc tăng lãi suất của Mỹ, cũng như toàn cầu vào năm 2022 có thể làm trầm trọng thêm vấn đề đối với nhiều quốc gia có thu nhập thấp hơn.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, việc tăng lãi suất của Fed có thể "dội một gáo nước lạnh" vào sự phục hồi vốn đã yếu ở một số quốc gia. Lãi suất của Mỹ cao hơn và do đó đồng USD tăng, có thể khiến các quốc gia phải trả các nghĩa vụ nợ bằng đồng USD đắt hơn.

“Cuộc khủng hoảng nợ tiếp tục nhấn chìm các quốc gia có thu nhập thấp hơn, không có hồi kết trừ khi có hành động khẩn cấp để xóa nợ”, Heidi Chow, Giám đốc điều hành JDC cho biết.

“Cuộc khủng hoảng nợ đã tước đi các nguồn lực cần thiết của các quốc gia để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sự gián đoạn tiếp tục từ Covid-19, trong khi lãi suất tăng đe dọa sẽ khiến các quốc gia chìm trong nợ nần chồng chất hơn nữa”, ông cho biết.

Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 ngừng “dội một gáo nước lạnh” và lập luận rằng nền kinh tế toàn cầu cấp bách cần một “kế hoạch xóa nợ toàn diện buộc các bên cho vay tư nhân phải tham gia vào việc xóa nợ”.

Cổng dữ liệu nợ của JDC chỉ ra rằng, 54 quốc gia trên thế giới hiện đang đối mặt với khủng hoảng nợ và việc thanh toán nợ có thể cản trở khả năng của chính phủ trong việc bảo vệ các quyền kinh tế và xã hội của công dân.

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy, có thêm 14 quốc gia có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công và nợ tư nhân, trong khi 22 quốc gia có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ chỉ khu vực tư nhân và 21 quốc gia có nguy cơ khủng hoảng chỉ khu vực công.

Theo số liệu của JDC, trong số tất cả các khoản thanh toán nợ nước ngoài vào năm 2022 của các chính phủ có thu nhập thấp và trung bình thấp, 47% là cho các tổ chức cho vay tư nhân, 27% các tổ chức đa phương, 12% Trung Quốc và 14% các chính phủ khác.

Trong một tweet vào tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã kêu gọi xóa nợ khẩn cấp, nâng cao tính minh bạch của khoản nợ và tái cân bằng quyền lực chủ nợ và người đi vay. G20 cũng đã tạo ra Khuôn khổ chung vào năm 2020 nhằm hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán và các vấn đề thanh khoản kéo dài.

Diễn đàn và mạng lưới châu Phi về nợ và phát triển (AFRODAD) từ lâu đã cảnh báo rằng, nhiều nước châu Phi đang phải đối mặt với nợ nần chồng chất và Zambia vào tháng 11/2020 đã trở thành quốc gia vỡ nợ đầu tiên trong thời đại đại dịch của lục địa này.

Jason Braganza, Giám đốc điều hành của AFRODAD cho biết: “Covid-19 đã đẩy nhanh tình hình vốn đã xấu đi và sẽ đảo ngược những thành tựu kinh tế xã hội trong thập kỷ qua”.

“Chúng tôi luôn nói rằng các biện pháp xóa nợ hiện tại là không đủ tốt và đã kêu gọi một chương trình xóa nợ thực sự bao trùm với tất cả các chủ nợ; và một chương trình xóa nợ toàn diện”, ông cho biết.

Tin bài liên quan