Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Nguy cơ bị "siết" nhà vì cho mượn sổ đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số chủ tài sản cho rằng họ chỉ cho mượn sổ đỏ, không biết tài sản bị “cắm” vào ngân hàng nhưng không được cơ quan tố tụng chấp thuận.

Mới đây, TAND TP. Hải Phòng đã xem xét phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng VietinBank và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tân Hoàng Gia.

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm. Giám đốc Công ty Tân Hoàng Gia hiện đang chấp hành án phạt tù tại trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do có yếu tố hình sự nên vụ án tranh chấp tín dụng cũng bị ảnh hưởng và mới đây có phán quyết cuối cùng.

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2009 - 2012, Công ty Tân Hoàng Gia nhiều lần vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh nhôm kính. Để đảm bảo cho khoản vay, Công ty đã thế chấp 14 bất động sản và 2 xe ô tô con, ô tô tải.

Tính đến năm 2013, Công ty còn nợ gốc và lãi ngân hàng 28,9 tỷ đồng. Ngân hàng khởi kiện ra tòa án. Quá trình giải quyết, ngân hàng đã phát mại xe ô tô con và giải chấp 1 bất động sản.

Sau khi bản án có hiệu lực vào tháng 8/2013, ngân hàng đã phát mại tiếp 5 bất động sản, thu về hơn 7,7 tỷ đồng. Khi thi hành bản án, ngân hàng phát hiện giám đốc công ty có dấu hiệu lừa đảo nên trình báo công an. Năm 2014, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự. Năm 2016, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội có quyết định hủy toàn bộ bản án tranh chấp hợp đồng tín dụng năm 2013.

Năm 2017, vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng được đưa ra xét xử lại. Ngân hàng yêu cầu tính nợ gốc và lãi là 34,1 tỷ đồng. Công ty đề nghị ngân hàng miễn giảm các khoản lãi và đề nghị kê biên, phát mại những tài sản còn lại để thu hồi. Công ty sẽ có trách nhiệm bồi hoàn lại cho chủ tài sản.

Do các tài sản được đảm bảo chủ yếu là bên thứ ba, nên một số chủ tài sản không chấp nhận phát mại.

Vợ chồng ông A. cho biết, do ông bà có 2 người con trai cùng làm thuê tại Công ty Tân Hoàng Gia. Vào năm 2011, giám đốc công ty có đến nhà ông bà hỏi mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để kinh doanh. Khi nào cần thì họ sẽ trả lại. Vì tin tưởng nên ông bà đã đồng ý cho mượn sổ đỏ, trong khi các con không có mặt ở nhà. Ông bà A. đã ký vào tập giấy tờ nhưng không đọc lại. Họ không đồng ý ngân hàng phát mại với lý do không tự nguyện dùng tài sản để thế chấp.

Một chủ tài sản khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự nhưng họ đề nghị được trả nợ dần.

Còn chị H. (chủ tài sản khác) thì cho biết, vào tháng 6/2010, do thiếu hiểu biết nên bố mẹ chị có ký vào hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của Công ty Tân Hoàng Gia. Việc ký kết những người trong nhà không biết. Hợp đồng công chứng có nhiều sai sót nên đề nghị tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng. Khi giải quyết, chị H. thỏa thuận với ngân hàng sẽ trả nợ thay và ngân hàng sẽ trả lại sổ đỏ.

Năm 2020, tòa sơ thẩm đã chấp nhận cho ngân hàng phát mại các tài sản trên. Hai chủ tài sản tiếp tục kháng cáo, đề nghị tòa tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Tuy nhiên, mới đây, tòa phúc thẩm xác định, các hợp đồng thế chấp được ký kết trên cơ sở tự nguyện, định đoạt, tự thỏa thuận, không vi phạm điều cấm. Ngoài ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cấp cho hộ gia đình, nên không cần các con tham gia ký kết. Do đó, không chấp nhận kháng cáo trên.

Trong vụ án này, tòa cũng chấp thuận sự thỏa thuận giữa chị H. trả nợ thay cho Công ty Tân Hoàng Gia. Sau khi chị H. thanh toán trả nợ hết tiền thì ngân hàng phải trả lại sổ đỏ cho gia đình.

Quá trình giải quyết, tòa phúc thẩm cũng nhận thấy khi thẩm định thực tế, có bất động sản tăng thêm diện tích, có nhà đất diện tích bị giảm đi… Tuy nhiên, những sai sót này chưa gây thiệt hại tới quyền, lợi ích của những người khác. Đại diện ngân hàng cũng đề nghị tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm và sẽ tự thương lượng thỏa thuận với chủ tài sản, cơ quan thi hành án để đảm bảo quyền lợi của các bên.

Tin bài liên quan