Nhà băng ngoại, cầu nối cho vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà băng ngoại tại Việt Nam được xem là cầu nối hỗ trợ hiệu quả trong việc tạo mối liên kết giúp các khoản đầu tư FDI chất lượng cao chảy vào Việt Nam.
Nhà băng ngoại, cầu nối cho vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã theo đuổi chiến lược tập thu thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Đầu tư chất lượng cao bao trùm nhiều lĩnh vực như chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, hệ sinh thái xe điện và các sản phẩm/dịch vụ hỗ trợ, logistics và kho bãi, trung tâm dữ liệu, ngành hàng tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử cũng như giáo dục bậc cao. Đây là những ngành có giá trị gia tăng giúp đưa tăng trưởng của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Chia sẻ tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Joon Suk Park - Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, có một số lĩnh vực tại Việt Nam có khả năng lớn trong việc thu hút vốn FDI chất lượng cao, nhờ đặc tính đặc thù của thị trường.

HSBC cho rằng đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ vượt Anh, Đức, Thái Lan và vươn lên top 10 toàn cầu. Kết quả này là nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng và dân số trẻ, am hiểu công nghệ. Thương mại điện tử, trung tâm dữ liệu, hàng tiêu dùng nhanh và giáo dục bậc cao đều sẽ là những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao phù hợp.

Việt Nam cũng may mắn sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo hoạt động thành công.

Ông Joon Suk Park - Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

Ông Joon Suk Park - Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

“Việt Nam có kinh nghiệm và kiến thức thu góp được trong 35 năm qua để thiết lập hệ sinh thái chuỗi cung ứng sản xuất. Điều này sẽ hỗ trợ thu hút vốn FDI chất lượng cao vào sản xuất chất bán dẫn và ngành công nghiệp xe điện nói chung, bên cạnh lĩnh vực điện tử”, ông Joon Suk Park nói và cho biết thêm, mạng lưới quốc tế rộng lớn của HSBC toàn cầu cho phép Ngân hàng tập trung và kết nối với các công ty đa quốc gia đang xem xét thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

“HSBC hỗ trợ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong suốt 153 năm tại Việt Nam, điều đó đã góp phần giúp chúng tôi thấu hiểu thị trường địa phương cũng như có thể tư vấn hiệu quả cho các công ty đa quốc gia trên toàn cầu và trong khu vực trong việc định hướng hành trình gia nhập thị trường Việt Nam”, ông Joon Suk Park nói.

Cũng tại Hội thảo, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ thông tin, theo khảo sát của UOB, nhiều doanh nghiệp trong khu vực đang quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại thị trường nước ngoài trong 3 năm tới. Trong đó, Đông Nam Á là điểm đến được cân nhắc hàng đầu.

Đáng chú ý, Singapore tiếp tục dẫn đầu về thu hút FDI cũng như đầu tư FDI trong khu vực, mà Việt Nam là một trong những quốc gia nhận vốn FDI lớn từ Singapore. Singapore đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam.

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam

“Khi tiến hành đầu tư nước ngoài, các khó khăn lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt là việc khó tìm được đối tác thích hợp để đồng hành; thiếu các chuyên gia trong mở rộng hoạt động và dịch vụ đi kèm, thiếu sự hỗ trợ về các yếu tố pháp lý, quy định, thuế… Đây là lý do các doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn tìm kiếm các đối tác như ngân hàng lớn, nhà băng am hiểu địa phương để làm cầu nối với môi trường hoạt động tại Việt Nam”, ông Victor Ngo chia sẻ.

Kể từ năm 2015 cho tới cuối năm 2022, UOB đã trở thành đối tác của khoảng 250 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, với quy mô vốn đầu tư 5,8 tỷ đô Sing và tạo nên 30.000 việc làm tại Việt Nam.

Một nhà băng ngoại khác có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Việt Nam là Standard Chartered. Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết, Việt Nam có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, và được xem là một cứ điểm sản xuất mới.

“2023 là năm nhiều thách thức với thị trường Việt Nam bởi bối cảnh vĩ mô toàn cầu biến động lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ sức hấp dẫn, nhất là khi có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ và Indonesia”, bà Michele Wee cho biết.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Theo bà Michele Wee, Standard Chartered là ngân hàng hiện diện tại 10 thị trường ASEAN và có lợi thế tốt để cung cấp cho các nhà đầu tư sản phẩm - dịch vụ toàn cầu, mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường sôi động như Việt Nam.

Tin bài liên quan