Vietcombank vượt VietinBank, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống sau đợt tăng vốn vào tháng 7/2023.

Vietcombank vượt VietinBank, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống sau đợt tăng vốn vào tháng 7/2023.

Nhà băng vẫn ồ ạt tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng vốn với tốc độ mạnh hơn trong năm 2023 để gia tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế nhiều biến động.

Nhiều kế hoạch “khủng”

Trong 7 tháng đầu năm 2023, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã triển khai, hoặc công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ, với mức tăng khá lớn.

Chẳng hạn, SeABank (mã chứng khoán SSB) đã hoàn thành đợt phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tổng tỷ lệ 20,3%. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng tăng từ gần 20.403 tỷ đồng lên 24.537 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 4/7/2023, SeaBank ban hành Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phát hành riêng lẻ tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành cho quỹ đầu tư đến từ Na Uy. Nếu thành công, thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng, tối đa là 3.503 tỷ đồng và vốn điều lệ sẽ tăng thêm 946 tỷ đồng.

Ngày 17/7/2023 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu của Ngân hàng MB, theo tỷ lệ 15%. Phương án phân phối lợi nhuận này sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm 6.801 tỷ đồng. Trước đó, tại đại hội cổ đông năm nay, ngoài phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu trên, MB cho biết sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành ESOP để tăng vốn thêm 1.542 tỷ đồng - đã được đại hội cổ đông năm 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Thời gian thực hiện trong năm 2023 đến quý II/2024.

ACB đã phát hành hơn 506,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới), tăng vốn điều lệ thêm tương ứng 5.066 tỷ đồng, lên gần 39.000 tỷ đồng.

LPBank sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8/2023 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 19%, nâng vốn điều lệ thêm 3.285 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng dự kiến tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phương án này đã được đại hội cổ đông thường niên 2023 thông qua và đã được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Vốn điều lệ của LPBank sau hai đợt phát hành trên dự kiến sẽ tăng từ 17.291 tỷ đồng lên 25.576 tỷ đồng.

Ngày 17/7/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế của năm 2022 của Ngân hàng OCB. Theo đó, OCB phát hành gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 50% vốn điều lệ. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

HDBank lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu vào ngày 20/7/2023, với tỷ lệ chi trả 15%. Sau khi hoàn thành việc trả cổ tức, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên 29.076 tỷ đồng.

Ngày 25/7/2023, SHB chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vietcombank thông báo, ngày 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, nâng quy mô vốn điều lệ lên 55.891 tỷ đồng, vượt VietinBank và BIDV để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống (sau VPBank).

Tăng “bộ đệm” vốn

Đánh giá về xu hướng tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng, giới phân tích cho rằng, trong thời gian qua, thị trường bất động sản khó khăn, các thông tư tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trong thời kỳ Covid-19 hết hiệu lực, tình hình kinh tế khó khăn và lãi suất tăng đã khiến cho nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên. Báo cáo tài chính quý I/2023 của các nhà băng đã phản ánh rất rõ câu chuyện nợ xấu.

Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy, bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng đã giảm xuống. Tất cả những điều này khiến cho các tổ chức tín dụng phải tăng vốn và tăng cường phòng thủ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo được rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, rủi ro thị trường và phải trên 8%.

Hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế.

Đến thời điểm này, cả 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank, VietinBank, BIDV sẽ được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Lượng vốn điều lệ các ngân hàng dự kiến tăng thêm trong năm nay là 163.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 154.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế.

Đáng nói, CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%, Philippines là 17,2%, Singapore là 17,1%, Thái Lan là 19,6%, Malaysia là 18,5%).

Vì thế, các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với bộ tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng cho vay. Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, một số ngân hàng hoàn thành Basel III như LPBank, VPBank, ACB, TPBank... và tất cả đều từ khối ngân hàng cổ phần.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 876.993 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối đạt 190.433 tỷ đồng, tăng 5,75% so với cùng kỳ; khối ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 469.409 tỷ đồng, tăng 19,26% so với cùng kỳ.

Mức vốn điều lệ của toàn hệ thống sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2023 nhờ làn sóng tăng vốn của các nhà băng thông qua chia cổ tức, cổ phiếu thưởng hoặc phát hành thêm.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023.

Trong khi đó, ở các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, việc tăng vốn luôn được các ngân hàng quan tâm và đẩy mạnh.

Việc các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc chia thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cũng đem lại cơ hội cho cổ đông, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhất là ở những thời điểm thị trường chứng khoán khởi sắc.

Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng cổ phiếu phải chịu 5% thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư chưa phải nộp thuế, thay vào đó khi cổ đông thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Và sau khi ngân hàng chia cổ tức, giá tham chiếu của cổ phiếu bị điều chỉnh tương ứng. Dù vậy, được nhận cổ tức vẫn là tin vui đối với các cổ đông, bởi nó không chỉ thể hiện hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, mà còn là chất xúc tác tích cực hỗ trợ diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.

Tin bài liên quan