Các thiết bị đã được nhập về để lắp đặt Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3

Các thiết bị đã được nhập về để lắp đặt Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3

Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 vẫn chờ PPA

0:00 / 0:00
0:00
Máy phát điện và tuabin khí của Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vừa được đưa vào bệ móng nhằm đảm bảo mục tiêu phát điện thương mại vào quý IV/2024.

Khẩn trương lắp đặt thiết bị

Ngày 12/10 và 16/10, chủ đầu tư và Liên danh tổng thầu Samsung C&T - Lilama đã tiến hành đưa máy phát điện và turbine khí Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào bệ móng.

Đây được xem là cột mốc quan trọng trong quá trình triển khai của 2 nhà máy điện khí LNG nhằm đảm bảo tiến độ phát điện thương mại (COD) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào quý IV/2024 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào quý II/2025.

Máy phát điện Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 do OEM GE cung cấp, có xuất xứ từ Ba Lan, công suất 892 MVA, trọng lượng 453,6 tấn, được sản xuất chế tạo trong 15 tháng (từ tháng 3/2022 đến tháng 6/2023).

Turbine khí do OEM GE cung cấp, có xuất xứ từ Pháp với trọng lượng 431,1 tấn, cũng được chế tạo trong thời gian tương tự như máy phát điện.

Nguồn tin từ Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) cũng cho biết, tiến độ thi công trên công trường Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 rất khẩn trương, hiện đạt 60% công việc.

Vào cuối năm nay, máy phát và tuabine của Nhà máy Nhơn Trạch 4 cũng sẽ có mặt tại công trình để tiến hành lắp máy.

Hai nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ sử dụng nguồn nhiên liệu khí LNG được vận chuyển thông qua đường ống sẵn có đang cấp khí cho hai nhà máy Nhơn Trạch 1 và 2 nhằm tối ưu hóa chi phí.

Về phía nguồn nhiên liệu, hiện kho cảng LNG Thị Vải đã nhận chuyến hàng LNG nhập khẩu đầu tiên thuận lợi.

Như vậy, các công việc để có thêm nguồn điện lớn với công suất lên tới 1.500 MW và hoạt động ổn định tại khu vực miền Nam đang rất nhịp nhàng.

Khi đi vào vận hành, hai nhà máy này sẽ góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Hợp đồng mua bán điện chờ quy định mới

Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 cũng là những dự án điện đầu tiên được triển khai sau khi Thông tư số 02/2023/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành.

Điểm thay đổi lớn nhất của Thông tư 02/2023/TT-BCT chính là việc cho phép khởi công nhà máy dù chưa ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) với đơn vị chịu trách nhiệm mua điện hiện nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, cũng chỉ duy nhất Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 “dám” triển khai công trình khi chưa có PPA.

Như Báo Đầu tư đã nhiều lần thông tin, khó khăn lớn nhất trong triển khai dự án LNG Nhơn Trạch 3&4 là việc đàm phán PPA dù đã đi qua 2 năm nhưng hiện giờ vẫn chưa hoàn thiện để ký kết.

Vướng mắc chính có thể kể tới là việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc), chưa có khung giá mua đối với các dự án điện khí LNG.

Trả lời câu hỏi “bao giờ có khung giá mua điện khí LNG” của Báo Đầu tư, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho hay, Bộ Công thương/ Cục Điều tiết điện lực đang chờ tờ trình của EVN về xây dựng khung giá này trình lên để thẩm định và xem xét ban hành.

Dẫu vậy, ở đây cũng có mâu thuẫn không nhỏ khi EVN là người mua điện trả tiền nhìn thấy trước khung giá mà mình xây dựng và trình Bộ xem xét, dù theo các công thức tính toán và biến động theo giá LNG thế giới, nhưng sẽ ngay lập tức “làm khó” cho chính mình.

Nguyên do, với những biến động thời gian qua và hiện nay tại một số khu vực trên thế giới, giá khí LNG vẫn ở mức cao và có xu hướng biến động tăng lên. Như vậy, giá mua điện khí LNG chắc chắn cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN đang bán ra theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Nghĩa là tiếp tục làm trầm trọng thêm khoản thua lỗ trong kinh doanh điện mà EVN đang è lưng ra gánh từ năm 2022 trở lại đây.

Cũng theo PV Power, trong các quy định vận hành thị trường điện hiện nay, các dự án điện LNG chưa có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư phục vụ việc vận hành ổn định lưới điện. Sản lượng điện mua hàng năm Qc cho nhà máy điện khí LNG chưa có quy định, nên không thống nhất được với bên mua điện EVN.

Trong khi đó, tại Báo cáo khả thi (FS), nhà đầu tư căn cứ quy định tạm xác định số giờ vận hành phát điện là 6.000 giờ/năm và số năm vận hành là 25 năm để tính toán hiệu quả dự án. Do vậy, kết quả vận hành sau này có thể không đạt được như dự kiến trong FS

Hiện chỉ có quy định chung sản lượng điện hợp đồng năm - Qc (hoặc từng năm trong chu kỳ nhiều năm) không cao hơn 100% và không thấp hơn 60% sản lượng điện bình quân nhiều năm của dự án, không có riêng cho nhà máy điện khí LNG.

PV Power cũng đã đề nghị Qc hàng năm của Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 là 80-90% và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi đi vào vận hành thương mại. Việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm cũng được cho là rất quan trọng, bởi là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua dài hạn để giá điện rẻ hơn.

Tuy nhiên, yêu cầu này chắc chắn khiến EVN ngại ngần, bởi rất có thể phải đối mặt với thực tế nhu cầu phụ tải thấp mà vẫn phải mua điện giá cao do đã cam kết theo PPA.

Vì vậy, các vấn đề giá điện và hợp đồng mua bán điện này rất cần sự vào cuộc rõ ràng của Cục Điều tiết Điện lực và Bộ Công thương, bởi nếu để cho doanh nghiệp thì sẽ khó có kết quả vì lợi ích có sự mâu thuẫn đối kháng.

Tin bài liên quan