Nhà phân phối cũng vướng kiện vi phạm sở hữu trí tuệ

Nhà phân phối cũng vướng kiện vi phạm sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong hoạt động thương mại, không chỉ nhà sản xuất, mà đơn vị nhập khẩu cũng có thể bị kiện vi phạm sở hữu trí tuệ.

Mới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Merck & Co - một tập đoàn nổi tiếng về dược phẩm có trụ sở tại Mỹ và bị đơn là Công ty TNHH Dược phẩm và thiết bị y tế Hoàng Ðức. Vụ án được giao về Tòa án nhân dân TP.HCM để giải quyết lại từ đầu.

Theo đơn khởi kiện, Merck & Co là chủ sở hữu bằng sáng chế đối với hoạt chất Sitagliptin được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép năm 2006.

Từ năm 2002, Merck & Co - với tư cách chủ bằng độc quyền, đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp bảo hộ độc quyền sáng chế số 5684 năm đối với hợp chất Sitagliptin ở dạng bazơ tự do và các muối dược dụng của hợp chất này, thời hạn bảo hộ 20 năm tính từ ngày nộp đơn.

Năm 2004, Merck & Co tiếp tục nộp đơn yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam và được cấp bảo hộ độc quyền sáng chế số 7037 đối với muối Sitagliptin phosphat monohydrat, thời hạn 20 năm tính từ ngày nộp đơn.

Merck & Co phát hiện Công ty Hoàng Ðức nhập khẩu, lưu trữ và phân phối thuốc Getsitalip 100mg, Getsitalip 50mg (thuốc điều trị tiểu đường) tại Việt Nam có chứa hợp chất Sitagliptin phosphat monohydrat và có cùng mục đích sử dụng dược dụng.

Do đó, Merck & Co đã có đơn yêu cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định các sản phẩm trên và kết quả cho thấy đều chứa hoạt chất Sitagliptin trùng với sáng chế được bảo hộ của Merck & Co.

Cho rằng việc Công ty Hoàng Ðức nhập khẩu và phân phối 2 sản phẩm nói trên là xâm phạm quyền đối với bằng sáng chế, Merck & Co đã đệ đơn khởi kiện, đề nghị tòa án buộc công ty này phải chấm dứt tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bằng độc quyền sáng chế, thu hồi và tiêu hủy các thuốc Getsitalip nói trên.

Ðồng thời, buộc Công ty Hoàng Ðức phải bồi thường chi phí luật sư là 300 triệu đồng, bồi thường thiệt hại là 500 triệu đồng, bên cạnh việc xin lỗi và cải chính công khai...

Công ty Hoàng Ðức thì cho biết, Công ty là đơn vị phân phối tại Việt Nam và thuốc được nhập khẩu hợp pháp, có đăng ký lưu thông. Công ty cũng đã ngừng nhập khẩu, đấu thầu thuốc Getsitalip tại Việt Nam để thể hiện thiện chí trong quá trình giải quyết vụ án.

Về sở hữu trí tuệ, Công ty Hoàng Ðức cho rằng, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Getz Pharma Ltd, đơn vị sản xuất các sản phẩm thuốc nói trên.

Hơn nữa, hợp đồng phân phối giữa 2 bên cũng nêu rõ, Getz Pharma Ltd đảm bảo vấn đề sở hữu trí tuệ, nếu có tranh chấp thì Hãng sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Do đó, Công ty đề nghị tòa án bác đơn khởi kiện.

Bản án sơ thẩm đã bác đơn kiện của Merck & Co vì cho rằng, Công ty Hoàng Ðức không có hành vi sản xuất nên không vi phạm bằng sáng chế độc quyền và bác các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn.

Merck & Co đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ðại diện của nguyên đơn cho rằng, việc nhập khẩu hợp pháp và lưu thông có giấy phép không thể loại trừ vấn đề về sở hữu trí tuệ.

Hành vi sử dụng bằng sáng chế bao gồm cả hành vi sản xuất và hành vi lưu thông, nên việc Công ty Hoàng Ðức nhập khẩu, tàng trữ 2 sản phẩm thuốc có yếu tố xâm phạm bằng sáng chế độc quyền của Merc & Co.

Theo tòa án cấp phúc thẩm, việc tòa án phiên sơ thẩm không chấp nhận đề nghị đưa Getz Pharma Ltd vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan và cung cấp hợp đồng phân phối là không đúng.

Tòa phúc thẩm nhận định, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ để chứng minh sản phẩm của Getz Pharma Ltd có vi phạm sáng chế hay không, tòa sơ thẩm bác đơn khởi kiện là chưa đủ cơ sở vững chắc.

Do đó, tòa phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm, giao vụ việc về Tòa TP.HCM giải quyết lại từ đầu.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong tên doanh nghiệp, tên thương mại; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng, bao bì sản phẩm, đăng ký sử dụng tên miền trên Internet. 

Về phương thức vi phạm, có sự chuyển dịch từ tiếp thị, phân phối theo phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử qua các trang bán hàng trực tuyến, website bán hàng, đặc biệt là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo...

Tin bài liên quan