Nhận diện các sàn lừa đảo, mô hình Ponzi biến tướng

Nhận diện các sàn lừa đảo, mô hình Ponzi biến tướng

0:00 / 0:00
0:00
Dù Bộ Công an liên tục đưa ra các cảnh báo về lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn mới, nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi, song vẫn rất nhiều người sập bẫy.

Lừa đảo tài chính, biến tướng Ponzi nở rộ

Thời gian gần đây, lừa đảo tài chính có dấu hiệu tăng mạnh, lan đến tận vùng quê, nơi người dân ít hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo tài chính vốn rất phức tạp, để lại hệ lụy rất lớn cho nhiều gia đình, xã hội. Nhiều nạn nhân mất tiền, thậm chí còn tìm cách trả thù bằng các hành vi vi phạm luật pháp.

Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển của công nghệ, ngoài các mô hình truyền thống, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đa cấp, Ponzi lừa đảo 4.0 như: ủy thác bao cháy tài khoản (ủy thác cho môi giới chơi, đảm bảo không cháy tài khoản) cho các sàn FX (vàng - ngoại hối) và BO (quyền chọn nhị phân) - điều mà các sàn quốc tế lớn có giấy phép và trực thuộc các định chế tài chính hay ngân hàng không bao giờ làm.

Ngoài ra, một số vụ ICO trên thị trường tiền mã hóa (tương tự IPO trên sàn chứng khoán) ngày nay bị phát hiện hay huy động vốn trên thị trường này để đầu tư vào Bitcoin hay các Altcoin khác. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng đưa ra cảnh báo rằng, số lượng lừa đảo và tội phạm trên thị trường tiền ảo đang đứng hàng đầu thế giới.

Thực tế, mô hình lừa đảo tài chính Ponzi - dùng tiền của những người đến sau kiếm lợi cho chính mình và trả cho những người đến trước - không hề mới. Kẻ đi huy động cam kết trả lợi tức rất cao cho nạn nhân và quảng cáo với họ về những tấm gương từng nhận được lợi tức cao trước đó, để thu hút người khác gửi tiền vào một dự án nào đó (có thể là bất động sản, tiền số…). Những người này bị hấp dẫn bởi lợi tức cao, thậm chí còn giới thiệu thêm những người mới khác. Dù không mới, song do lòng tham, vẫn rất nhiều nhà đầu tư sập bẫy. 

Nhận diện các mô hình lừa đảo

Có thể thấy, trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều mô hình lừa đảo.

Thứ nhất, kẻ lừa đảo hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm không phải một năm mà một tháng, thậm chí là trong… một tuần.

Thứ hai, các mô hình ủy thác cho sàn, cho dự án, cho “chuyên gia” được các dự án lừa đảo dựng lên. Họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư bách phát bách đúng, bao lỗ. Đến khi số tiền nhận đủ nhiều, dĩ nhiên sàn tuyên bố… phá sản, ôm tiền bỏ chạy.

Thứ ba, một số hình thức lừa đảo bằng cách hứa hẹn trả lãi cao, nhưng không phải bằng tiền mặt. Họ sẽ phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia, dù nhà đầu tư phải tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc chứng khoán này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên giấy.

Thứ tư, cũng có trường hợp, chủ sàn trả tiền lời bằng tiền thật theo như cam kết. Tuy nhiên, số tiền được trả lại luôn luôn dưới tổng tiền nộp vào trước khi sàn… biến mất. Ví dụ, nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng, sau đó chủ sàn sẽ trả lãi đều đặn 6-7 tháng trước khi biến mất. Trong thời gian này, nhà đầu tư sau khi nhận tiền tươi sẽ có niềm tin để quảng cáo, chiêu dụ thêm bạn bè, người thân vào hệ thống của họ một cách vô thức.

Thứ năm, một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư bằng cách giúp nhà đầu tư có lợi nhuận - có thể là tiền thật, tiền ảo hoặc cổ phiếu - song nhà đầu tư muốn rút tiền thì phải đóng thêm tiền, đóng phí chuyển đổi; muốn rút tiền lời ra thì phải đóng hàng loạt phí như: phí thuê ví của sàn, phí chuyển đổi tiền, phí rút tiền, phí giao dịch… Nghĩa là, tiền của mình bị chiếm đoạt, thậm chí còn phải đóng phí… cho người chiếm đoạt nữa.

Thứ sáu, một số sàn lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống. Theo đó, khi nhà đầu tư tham gia thì lệnh của họ sẽ bị sửa trên hệ thống, nhà đầu tư cứ tưởng đánh theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua. Hoặc có sàn không sửa lệnh, song đợi đến khi số người nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất. Thậm chí, có sàn còn nói là vỡ nợ hoặc bị công an bắt, để nạn nhân sợ không đi kiện, vì bản thân các nhà đầu tư cũng biết là đầu tư vào các sàn này không được pháp luật cho phép. 

Kiểm soát lòng tham và cần chế tài đủ mạnh

Dù biến tướng cỡ nào, bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản), việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó. Các mô hình này đều có những đặc điểm khá giống nhau: cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không. Ngoài ra, các đối tượng cũng bao lỗ, bao cháy tài khoản - dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì cháy tài khoản.

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, ngoài các mô hình truyền thống, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đa cấp, Ponzi lừa đảo 4.0 như: ủy thác bao cháy tài khoản cho các sàn FX (vàng - ngoại hối) và BO (quyền chọn nhị phân) - điều mà các sàn quốc tế lớn có giấy phép và trực thuộc các định chế tài chính hay ngân hàng không bao giờ làm.   

Các hình thức đầu tư không được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền. Giấy tờ không có hoặc có, nhưng là của nước ngoài cấp (không có hiệu lực tại Việt Nam), thậm chí là một cái giấy chẳng liên quan được tổ chức nước ngoài cấp để… bán thuốc thú y.

Chi tiết cụ thể của cách thức đầu tư đều được giữ bí mật hoặc được cố ý mô tả rất phức tạp. Người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ và hầu như không thể rút được tiền gốc.

Ngoài ra, một dấu hiệu nữa là các nhóm lừa đảo này thường khoe nhà, khoe siêu xe, khoe cuộc sống sang chảnh. Những kiểu lừa đảo này vốn không thể tồn tại lâu (thường chỉ được vài tháng tới tối đa 1-2 năm), nên họ sẽ luôn cố gắng tìm mọi cách đưa ra lợi nhuận cao nhất, với những lời lẽ hoa mỹ nhất đánh vào lòng tham, để nhiều người nộp tiền cho họ nhanh nhất có thể, với thời gian sớm nhất để dự án có thể… bùng sớm.

Tóm lại, nếu các hình thức đầu tư mà lợi nhuận mang về gấp 3 lãi suất ngân hàng, thì nhà đầu tư phải cảnh giác.

Ngoài việc mỗi người phải nâng cao nhận thức của bản thân, kiểm soát lòng tham, cảm xúc trước những mời chào hấp dẫn của những tay lừa đảo, thì hiện nay, pháp luật dù đã quy định khá nhiều về xử phạt các loại hình này, nhưng cần phải được cập nhật để thích ứng với sự biến thể với nhiều phiên bản lừa đảo ngày càng mới, nhằm ngăn chặn loại tội phạm trên.

Ngoài ra, nâng cao năng lực giám sát, phát hiện các hình thức lừa đảo ngày càng lắt léo, phức tạp dạng này. Cần mạnh tay xử lý, có chế tài mạnh mẽ góp phần răn đe và dập tắt những manh nha lợi dụng tình thế khó khăn, cũng như lòng tham của người khác để trục lợi. Hiện số lượng vụ xử lý được là khá nhỏ, nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để lại đẻ ra dự án khác, tiếp tục đi lừa.

Phan Dũng Khánh (Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Maybank Kim Eng)
Tin bài liên quan