Bảo hiểm được đánh giá là ngành hưởng lợi trong môi trường lãi suất cao.

Bảo hiểm được đánh giá là ngành hưởng lợi trong môi trường lãi suất cao.

Nhận diện cơ hội trong môi trường vốn đắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc chiến với lạm phát chưa thể sớm kết thúc, mặt bằng lãi suất dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao, tạo áp lực lên thị trường chứng khoán.

Tâm điểm lãi suất

Chính sách tiền tệ toàn cầu đang ở giai đoạn thắt chặt khi ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, EU đã nâng mạnh lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát và bắt đầu lộ trình giảm bảng cân đối kế toán.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu nâng lợi tức trái phiếu để kiềm chế lạm phát (đang cao nhất trong 50 năm) ở nước này.

Việc các ngân hàng trung ương giảm lãi suất chưa sớm xảy ra trước khi triển vọng việc làm xấu đi đáng kể và xuất hiện những biểu hiện rõ ràng hơn của suy thoái.

Chính vì vậy, theo SGI Capital, năm 2023, tâm điểm đầu tư sẽ xoay quanh chủ đề tác động của lãi suất cao lên kinh tế toàn cầu, trong đó các câu hỏi về khả năng xảy ra suy thoái, thời điểm và mức độ suy thoái sẽ quyết định đối sách hành động của các chính phủ và ngân hàng trung ương, qua đó sẽ tác động lên diễn biến các kênh tài sản.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, lạm phát đang có xu hướng giảm tốc nhờ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, thị trường việc làm yếu dần và chuỗi cung ứng toàn cầu dần nối lại. Dự báo kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng GDP ở mức 6%, trong khi các nền kinh tế đã phát triển có thể bước vào giai đoạn suy thoái nhẹ. Tuy nhiên, theo DSC, đây không phải là kịch bản bất ngờ với thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh để phản ánh trước bối cảnh vĩ mô phức tạp.

Cuộc chiến với lạm phát có thể chưa kết thúc ngay. Với dự báo lạm phát trung bình 3,5%, mặt bằng lãi suất điều hành còn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì vùng 6%/năm, kéo theo đó là sự thu hẹp thanh khoản hệ thống và lãi suất huy động cao. Hai yếu tố trên có thể là cản trở, nhưng mặt bằng định giá hấp dẫn vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp duy trì dòng tiền ổn định cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB cho biết, có ba dấu hiệu để nhận biết sự đảo chiều của chính sách tiền tệ: thứ nhất, chỉ báo muộn nhất là mặt bằng lãi suất giảm; thứ hai, động thái mua vào dự trữ ngoại hối của NHNN, tức mua USD vào và bán VND ra ngoài; thứ ba, chỉ báo sớm nhất và cũng mang tính rủi ro cao nhất là nhìn vào đà giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế, bởi khi đó tỷ giá sẽ hạ nhiệt và NHNN bắt đầu mua dự trữ ngoại hối.

Mặc dù vẫn còn một số yếu tố rủi ro, nhưng chưa có rủi ro nào cho thấy dòng vốn ngoại có thể rời bỏ thị trường trong thời gian tới. Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực. Vốn đắt vẫn là yếu tố tiếp tục tác động tới dòng tiền vào thị trường chứng khoán trong năm 2023, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Việc phải duy trì mặt bằng lãi suất cao (bất chấp nguy cơ gây suy thoái) dưới áp lực lạm phát sẽ còn tác động tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp toàn cầu.

Dù vậy, các nhà phân tích cũng dự báo, đỉnh lãi suất sẽ sớm tới ở trong quý I hoặc quý II/2023, khi đã có những dấu hiệu về áp lực lạm phát đang dần hạ nhiệt, từ đó sự chuyển động của dòng vốn trên thị trường chứng khoán sẽ được dần cải thiện.

Nhận diện cơ hội

SGI Capital đánh giá, thị trường chứng khoán tăng và giảm theo hai động lực lớn nhất là lãi suất và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Nửa đầu năm 2023 sẽ là đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, nhưng lại là giai đoạn tăng tốc của chu kỳ suy giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Tuy nhiên, kỳ vọng mức độ sẽ không tiêu cực như năm 2022 do kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng và sự ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới ở mức vừa phải khi tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn tốt, lạm phát được kiểm soát, lãi suất điều hành không tăng nhiều như các nước khác, đồng thời tỷ giá ở mức ổn định.

Trên thế giới, vẫn có trường hợp khi lãi suất cao, doanh nghiệp khó kinh doanh, nhu cầu tín dụng sẽ yếu đi, dòng tiền tìm tới các kênh đầu tư mạo hiểm như chứng khoán, tiền số…

Chẳng hạn, tại Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, dù lạm phát cao, nhưng thị trường chứng khoán vẫn thăng hoa. Tuy nhiên, đây là điều đáng ngại và vì thế rất cần sự can thiệp, hỗ trợ từ Chính phủ giải quyết các vướng mắc hiện tại. Còn về cơ bản, với mức lãi suất đang tăng cao như hiện nay, cộng với việc nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng trong năm qua sẽ chủ yếu gửi tiền vào kênh tiết kiệm ngân hàng. Do đó, áp lực phía trước với thị trường chứng khoán trong nước là không hề nhỏ, đặc biệt khi kết quả kinh doanh sẽ dần bộc lộ sự không tích cực.

Trong bối cảnh tiết cung, thanh khoản thấp của thị trường, các nhóm ngành phản ứng nhanh với các thông tin tích cực và thường nhanh chóng đẩy cổ phiếu về mức quá mua/mức định giá hợp lý. Với phương pháp đầu tư theo thông tin, nhà đầu tư cần phân tích nhanh chóng và đưa ra cho mình mức giá mục tiêu hợp lý cho mỗi cổ phiếu, tránh tình trạng mua đuổi giá theo đà hưng phấn.

Khuyến nghị được ông Trần Đức Anh đưa ra, để nhận diện xu hướng thị trường năm 2023, nhà đầu tư cần quan sát chính sách tài khoá của Chính phủ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với chính sách tiền tệ, lạm phát là yếu tố mang tính chất quyết định. Hiện nhiều tín hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh, lãi suất sẽ tiếp tục tăng, song khả năng cao sẽ sớm hạ nhiệt. Đó cũng là thời điểm thị trường sẽ đi lên từ đáy. Với mùa báo cáo tài chính, ngân hàng vẫn là ngành được kỳ vọng có kết quả khả quan nhất cho nửa đầu năm 2023.

Nhìn về cơ hội tổng quan với thị trường chứng khoán trong năm 2023, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace cho rằng, thời điểm một sóng tăng điểm trở lại có thể trong khoảng tháng 6, tháng 7/2023. Đó cũng sẽ là thời điểm giải ngân thích hợp. Các điều kiện cần là xu hướng lãi suất được giữ ở mức ổn định, hoặc giảm.

Tuy nhiên, để đón được cơ hội uptrend 2023, nhà đầu tư cần định lượng được mong muốn tài chính trong năm 2023. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xây dựng cho mình sức khỏe tài chính cá nhân tốt với tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng ổn định và sẵn sàng quỹ dự phòng trước khi đầu tư.

Theo FinPeace, bảo hiểm và cao su – bất động sản khu công nghiệp là hai nhóm ngành ít chịu tác động của lãi suất cao và được hưởng lợi từ hoạt động tăng trưởng bền vững. Ngành bảo hiểm sẽ hưởng lợi từ lãi suất, dư địa tăng trưởng của thị trường còn lớn, vẫn tăng trưởng tốt trong những năm thị trường xấu.

Nhất là khi Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia bảo hiểm, mục tiêu đến năm 2025 là 15% dân số. Ngoài ra, nhu cầu bảo hiểm luôn gia tăng theo thu nhập và nhận thức về sự kết hợp như món đầu tư an toàn. Trong khi đó, ngành cao su - khu công nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng như dòng vốn FDI dồi dào vẫn đổ vào thị trường Việt Nam.

Tin bài liên quan