Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển mảng logistics

Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển mảng logistics

Nhận diện thách thức logistics Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí logistics quá cao, nhiều hàng rào kỹ thuật… là những yếu tố hạn chế hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Thực trạng này đã được nêu ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được nhiều.

Chi phí lớn, nhiều rào cản kỹ thuật

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan và Philippines, nhưng khi đưa vào Nhật giá bán đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.

Theo Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA), chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện chiếm khoảng 17% giá trị hàng hóa, thậm chí có những mặt hàng chiếm tới 20-25%. Còn Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và gấp 3 lần Singapore. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực.

Ở khía cạnh khác, báo cáo của Vietnam Report chỉ ra 3 thách thức lớn nhất của ngành vận tải - logistics Việt Nam hiện nay gồm: Hệ thống cơ sở hạ tầng logistics như cảng biển, kho bãi… còn hạn chế; quy mô vốn, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn chưa cao; các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí cao.

Đại diện một doanh nghiệp logistics quy mô lớn ở Hà Nội cho biết, doanh nghiệp này từng có kế hoạch hợp tác cùng các tập đoàn Besix (Bỉ), Boskalis (Hà Lan) làm dự án Trung tâm logistics thông minh tại cụm cảng Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhưng sau đó phải rút lui do có quá nhiều hàng rào kỹ thuật.

“Chúng tôi đã dày công xúc tiến, nghiên cứu, nhưng thấy khó có thể đáp ứng được các yêu cầu nên đành từ bỏ”, vị đại diện này nói và cho biết thêm, việc khó tham gia phát triển các dự án logistics quy mô lớn, đồng bộ là nguyên nhân khiến tính kết nối, dịch vụ của logistics bị gián đoạn, từ đó đẩy tăng chi phí. Ngay như với dự án trên, các đối tác từ Bỉ và Hà Lan đều rất hào hứng tham gia, sẵn sàng góp vốn 10% từ nguồn vốn chính phủ mỗi nước, tạo tiền đề để hàng hóa Việt Nam sang châu Âu được đơn giản hóa về thủ tục hải quan, điều kiện nhập khẩu… vì đây là 2 quốc gia có thể mạnh về cảng biển, chiếm tới 60% tổng lượng hàng hoá lưu thông vào châu Âu. Tuy nhiên, những rào cản kỹ thuật cũng như phi kỹ thuật tại Việt Nam đã khiến chương trình hợp tác này không thể triển khai.

Chi phí logistics tại Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất khu vực. Ảnh: Dũng Minh

Chi phí logistics tại Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất khu vực. Ảnh: Dũng Minh

Hạn chế là... tiềm năng

Dù đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng theo các thành viên thị trường, chính các hạn chế cũng cho thấy dư địa lớn để ngành logistics Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2023 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility vừa công bố, Việt Nam xếp hạng 10 trên tổng số 50 thị trường logistics mới nổi, tăng 1 bậc so với năm trước.

Ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp tại Việt Nam cho biết, tại châu Á, Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng phát triển bất động sản logistics. Quốc gia đang đi theo làn sóng gia tăng hoạt động sản xuất đồng nghĩa với việc nhiều hàng hóa đang được lắp ráp, chế biến, chế tạo trong các nhà xưởng. Từ đó, nguồn cầu về vận chuyển hàng hóa cũng sẽ tăng theo, từ các nhà xưởng tới các khu hậu cần như cảng biển hay sân bay. Bởi vậy, các dự án nhà kho hiện đại đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng, giúp nâng cao sự hiệu quả trong công tác vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

“Chúng tôi khá lạc quan về thị trường logistics tại Việt Nam khi đất nước này là một trung tâm sản xuất quan trọng tại châu Á. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng địa phương cũng gia tăng, tạo động lực cho hoạt động sản xuất tăng trưởng”, ông Charles Chong nói và cho biết thêm, nhu cầu nhà kho cũng sẽ được hưởng lợi vì những dự án này đóng vai trò như các trạm trung chuyển, giúp doanh nghiệp vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào hay các thành phần sản xuất tới kho, xưởng hay các địa điểm nhập khẩu. Đây là lý do Sembcorp đánh giá thị trường logistics Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Theo ông Charles Chong, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mảng logistics, các dự án nhà kho xây sẵn cần cải thiện về chất lượng và mức độ hiện đại hóa nhằm đáp ứng nguồn cầu tương lai, trong đó có vấn đề tiết kiệm chi phí vận hành và tiêu thụ ít năng lượng hơn nhờ vào trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại. Chẳng hạn, với hạng mục sàn nâng, doanh nghiệp có thể di chuyển hàng hóa từ phương tiện vận chuyển (như xe tải) ở cùng độ cao, giúp nâng cao hiệu quả công việc, hay như việc nâng trần cao sẽ tạo điều kiện cho việc lưu trữ nhiều hàng hóa trong cùng không gian. Ngoài ra, các dự án nhà kho xây sẵn nên được phát triển trong các khu công nghiệp vốn sở hữu lợi thế về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng của các đơn vị sản xuất khi làm việc tại đây.

Còn ông Onni Rautio, Giám đốc Kinh doanh của RELEX Solutions khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá, lợi thế lớn mà Việt Nam đang có được là tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng mang đến cơ hội hơn cho các công ty chuyên về logistics, nhất là trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động và chi phí.

Phân tích cụ thể hơn, ông Onni Rautio cho biết, khi thương mại điện tử phát triển, người tiêu dùng mong đợi có nhiều lựa chọn hơn để mua sắm, chẳng hạn đặt hàng qua ứng dụng hoặc mua hàng trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng hoặc kho trung tâm, điều này gây ra rất nhiều phức tạp trong chuỗi cung ứng. Vậy làm thế nào để đảm bảo rằng người mua nhận đúng sản phẩm, tại đúng địa điểm và đúng thời điểm mong muốn? Đây là vấn đề nổi cộm, cũng là các điểm chính yếu mà ngành logistics nói chung, các doanh nghiệp hoạt động logistics nói riêng cần tập trung giải quyết.

Lấy ví dụ với ngành bán lẻ, ông Onni Rautio cho hay, mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp ngành này là làm sao có thể vận hành một cách tối ưu nhất, tiết kiệm chi phí nhất có thể. Thế nhưng, điều này là rất khó vì cùng lúc đó, hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi và chi phí hoạt động ngày càng tăng do lạm phát. Đó là lý do tại sao cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có tầm nhìn cho tương lai và lập kế hoạch cho các giải pháp giúp dự đoán trước những thay đổi và đảm bảo rằng, nhà bán lẻ cung cấp đúng sản phẩm ở đúng nơi và đúng thời điểm người mua hàng mong muốn, tránh lãng phí các nguồn lực.

“Thay đổi là bắt buộc. Nếu muốn duy trì tính cạnh tranh, chúng ta cần có công nghệ phù hợp. Nhiều số liệu thống kê cho thấy, ngành logistics tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong dài hạn và nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế. Tôi rất lạc quan về thị trường này”, ông Onni Rautio nhấn mạnh.

Tin bài liên quan