Nhật định chi hơn 100 tỷ USD để kích thích kinh tế trong thời gian tới.

Nhật định chi hơn 100 tỷ USD để kích thích kinh tế trong thời gian tới.

Nhật thất bại trong kích thích tăng trưởng

(ĐTCK) Mùa xuân năm 2009, dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Lehman, Thủ tướng Nhật khi đó là Taro Aso đã phát động chiến dịch kinh tế mà ông gọi là “tên lửa 3 khoang”, gồm các biện pháp kinh tế nhằm hồi sức cho nền kinh tế đang ốm yếu của nước này. Tổng ngân khoản chi cho chiến dịch này là 15.400 tỷ yên (khoảng 165 tỷ USD).

4 năm sau và với 4 lần thay Thủ tướng, Nhật Bản vẫn suy thoái, nợ chính phủ phình lên mức 220% GDP và Thủ tướng mới nhất, ông Shinzo Abe, đang kêu gọi tái khởi động chiến dịch “tên lửa” với dung lượng “nhiên liệu” mới là 10.000 tỷ yên (113 tỷ USD).

Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của ông Abe đã động viên tinh thần cho các DN và thổi sinh khí vào TTCK. Các chương trình kích thích đã giúp nền kinh tế Nhật vượt qua được các cuộc khủng hoảng tài chính, bao gồm vụ nổ bong bóng internet năm 2000 và cú sốc Lehman năm 2008. Tuy nhiên, chúng lại hầu như không giúp được gì cho việc xử lý vấn đề tăng trưởng thấp dai dẳng của kinh tế viễn đông này.

“Thứ mà Nhật Bản cần là các chính sách dài hạn để nâng tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của nước này”, Hiroshi Shiraishi, nhà kinh tế của BNP Paribas ở Tokyo nhận định.

Nhưng các nhà phân tích tin rằng, gói kích thích mới nhất, dự đoán sẽ được ông Abe công bố cuối tuần này, cũng chẳng thể làm được nhiều hơn các chương trình trước đây trong vấn đề cải thiện tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Nhật.

Trong khi ngân sách bổ sung dành 10.000 tỷ yên cho việc kích thích kinh tế, nhiều trong số này là tiền đã sẵn sàng được bơm ra trước đó và số chi bổ sung thực sự chỉ là 5.000 tỷ yên nhờ phát hành thêm trái phiếu. Ngân khoản bổ sung này sẽ được nhắm vào các công trình công cộng, Takahiro Sekido, chiến lược gia của Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ, cho biết.

Do các chính phủ tiền nhiệm đã cắt giảm mạnh các khoản chi cho các công trình công, “nên đợt chi lần này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế”, Sekido nói. Tuy nhiên, vấn đề với các khoản chi cho cơ sở hạ tầng là chúng chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, còn một khi chúng được vận hành, tác dụng kích thích tăng trưởng lại biến mất. Hơn nữa, những khoản chi như vậy thường tốn kém mà lại ít mang lại hiệu quả (vì đó là hạ tầng bổ sung cho một hệ thống đã đầy đủ - PV).

“Mục tiêu của gói kích thích của tân Thủ tướng Abe không nhằm khôi phục nền kinh tế mà chỉ giúp nó nhích được nhanh nhất có thể. Vì vậy, ông Abe có thể vẫn duy trì sự ủng hộ công khai đối với Đảng Dân chủ tự do trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới”, Martin Schulz, nhà kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu Fujitsu bình luận.

Nhưng giới phân tích cũng cho rằng, một vài chi tiết của chương trình kích thích lần này là đúng hướng, chẳng hạn như việc cắt giảm thuế để khuyến khích đầu tư vào Nhật và để khích lệ sự chuyển dịch tài sản hộ gia đình từ thế hệ già sang các thế hệ trẻ hơn.

“Các DN đang ngồi rỗi trên tiền, còn thế hệ già thì chẳng chịu chi tiêu, vì vậy, việc giảm thuế là một bước đi đúng hướng”, ông Shiraishi nói.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế của BNP Paribas, vẫn còn phải xét xem liệu việc giảm thuế đó có đủ để khuyến khích các DN và những người đã nghỉ hưu ở nước này không. Các DN Nhật đang đối mặt với một thị trường ngày càng thu hẹp ở trong nước, còn những người đã hết tuổi lao động thì đang lo lắng về khoản lương hưu của mình.

Gói kích thích của ông Abe cũng thất bại trong việc xử lý vấn đề có nhiều DN không thể làm ăn có lãi và không có năng lực cạnh tranh đang trở thành gánh nặng của nền kinh tế Nhật, nhưng vẫn được duy trì bằng tín dụng bảo lãnh thông qua các gói kích thích trước đây.

Ông Schulz nói rằng: “Việc lớn nhất của Chính phủ Nhật trong hầu hết 20 năm qua là, bằng cách nào đó, cố giữ cho nền kinh tế không bị chìm”.

Đề làm được điều đó, Chính phủ Nhật đã cung cấp bảo lãnh tín dụng, thứ đã giúp cho các DN phi hiệu quả duy trì hoạt động kinh doanh, ông Schulz cho biết thêm.

Ở hầu hết quốc gia, các DN không có lãi trong từ 3 đến 5 năm thường bị để cho phá sản, nhưng tại Nhật Bản, 70% DN không đóng thuế thu nhập, vì họ không có lợi nhuận, Schulz nhấn mạnh: “Đối với một chiến lược tăng trưởng mà nói thì đó là một tình trạng vô hiệu”.

Cái mà Nhật Bản cần là các ý tưởng đầu tư mới mẻ và một xu thế nắm bắt các cơ hội đầu tư ở các thị trường đang tăng trưởng, như y tế và năng lượng ở trong nước và tại châu Á.

“Thật không may, thành tích của đảng LDP trong cả hai vấn đề này đều không đáng kể”, Schulz chốt lại.