Nhiều công ty tài chính báo lỗ quý III/2021

Nhiều công ty tài chính báo lỗ quý III/2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh tác động lên kết quả kinh doanh và nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng là điều khó tránh. Tuy nhiên, ngành tài chính, tiêu dùng tại Việt Nam vẫn kỳ vọng hồi phục dần kể từ quý IV/2021.

Dư nợ cho vay giảm mạnh

FE Credit mới công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với giá trị giải ngân đạt 10.300 tỷ đồng, đồng thời doanh số giảm so với cùng kỳ năm trước.

Khoản phải thu ròng giảm nhẹ xuống 62.300 tỷ đồng, theo đó thu nhập từ hoạt động kinh doanh trong quý III/2021 của FE Credit đạt 3.100 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ.

Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của FE Credit vẫn ghi nhận một số điểm tích cực khi thu nhập khác đạt 832 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động giảm từ 1.200 tỷ đồng xuống 1.100 tỷ đồng, đến từ việc tối ưu hóa chi phí nhờ đẩy mạnh đầu tư công nghệ.

Lũy kế 9 tháng, doanh số giải ngân của Công ty đạt 42.000 tỷ đồng, giảm đến 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) của FE Credit trong 9 tháng đạt 11.900 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần (NIM) đạt 24,2%.

Trong khi đó, chi phí hoạt động ở mức 3.400 tỷ đồng, giảm 13%, chi phí trên thu nhập giảm xuống 28,4%. Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 900 tỷ đồng, đóng góp 7% vào tổng lợi nhuận của ngân hàng mẹ VPBank.

Trước đó, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty này báo lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, như vậy FE Credit đã lỗ khoảng 300 tỷ đồng trong quý III/2021. Đây là lần đầu tiên, FE Credit báo lỗ sau 11 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động đến nay.

HD Saison cũng không tránh khỏi tác động của dịch bệnh khi lợi nhuận quý III/2021 đạt 205 tỷ đồng, thấp hơn mức 218 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái, khi dư nợ cho vay sụt giảm.

Tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản của HD Saison là 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 15,8 nghìn tỷ đồng cuối quý II và 16,1 nghìn tỷ hồi đầu năm nay.

Dư nợ cho vay của HD Saison cuối tháng III/2021 là 12.305 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của HD Saison đạt 795 tỷ đồng, cao hơn mức 777 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng chậm lại, song 9 tháng đầu năm nay, HD Saison tiếp tục mở rộng mạng lưới điểm giao dịch thêm 1.800 điểm lên 21.313 điểm trên toàn quốc.

Đồng thời, HD Saison tiếp tục gia tăng lợi thế ở mảng cho vay trả góp mua xe máy, với thị phần đạt 39% vào cuối quý III/2021, tăng thêm 7% so với cuối quý II/2021.

Biên lãi thuần (NIM) của Công ty cuối tháng 9/2021 đạt 29%. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập giảm từ 50,6% hồi đầu năm xuống còn 46,3%.

Còn tại MCredit, 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận doanh thu đạt 3.190 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 432 tỷ, tăng 105%.

Riêng trong quý III/2021, doanh thu của MCredit đạt 1.022 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý trước đó.

Tái cơ cấu, nợ xấu tăng

Theo thông tin từ Hiệp hội ngân hàng (VNBA), thời gian qua, thực hiện theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các công ty tài chính đã nỗ lực trong việc cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ; miễn, giảm phí, lãi suất cho vay hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, FE Credit đã có tới 400 nghìn khoản vay, trị giá khoảng 2 nghìn tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi.

Lotte Finance đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng.

Mirae Asset đã hỗ trợ miễn, giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số là 7,43 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ là 45 tỷ đồng.

SHB Finance hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng.

MCredit hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế là gần 486 tỷ đồng...

Thông tin từ buổi sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm công ty tài chính thành viên của VNBA, tổng dư nợ tín dụng của nhóm công ty này gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nhóm các công ty tài chính tiêu dùng tăng vọt từ 6% lên mức 10% trong 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng từ đợt đại dịch Covid-19.

Đây là điều đã lường trước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và liên quan đến những đặc thù của thị trường này, với các khoản vay tín chấp nhỏ và đa số đang giao dịch trực tiếp có rủi ro cao.

Thế nhưng, các công ty tài chính vẫn kỳ vọng, hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ sớm trở lại trong quý IV/2021 sau thời gian giãn cách và khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Theo nhận định của giới phân tích tài chính, mặc dù FE Credit đang trải qua giai đoạn khó khăn khi đẩy mạnh xóa nợ xấu và lợi nhuận kém tích cực trong năm 2021, nhưng khả năng phục hồi mạnh được kỳ vọng trong năm 2022.

Mới đây, ngày 28/10, SMBC đã hoàn tất mua 49% vốn của FE CREDIT từ VPBank và đã chuyển đổi hình thức pháp lý trở thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đây được xem là cơ hội giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn rẻ từ Nhật Bản, từ đó cải thiện chi phí vốn, NIM, lợi nhuận và khả năng sinh lời.

Còn với SHB, HD Saison, MCredit... vẫn triển vọng lớn trong việc khai thác hệ sinh thái của Tập đoàn và ngân hàng mẹ.

Tin bài liên quan