Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ sụt giảm tổng tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù kết quả lợi nhuận vẫn khả quan khi kết thúc quý I nhưng do huy động sụt giảm nên tổng tài sản ở nhiều ngân hàng nhỏ báo cáo giảm so với cuối năm ngoái.
Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ sụt giảm tổng tài sản

Tổng tài sản giảm

Tính đến 31/03/2022, tổng tài sản của PG Bank giảm 7% so với đầu năm, chỉ còn 37.796 tỷ đồng theo báo cáo tài chính quý I/2022 của ngân hàng.

Trong đó, tiền mặt tăng 36% (252 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN giảm 48% (còn 539 tỷ đồng), cho vay khách hàng cũng giảm 8% (còn 25.362 tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn 27.357 tỷ đồng.

Nhưng điểm sáng của PG Bank là tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý I/2022 giảm 8% so với đầu năm, chỉ còn hơn 635 tỷ đồng.

Tương tự, tổng tài sản của Saigonbank đến cuối tháng 3/2022 đạt 23.433 tỷ đồng, giảm 4,8% so với đầu năm.

Trong đó, tiền mặt tăng nhẹ 2,9% (đạt 211 tỷ đồng), tiền gửi NHNN giảm hơn 11%, tiền gửi các TCTD cũng giảm mạnh hơn 21%, chỉ còn 4.427 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng tăng 0,9% trong quý này, trong khi tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,5%.

Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản VietA Bank đạt mức 91.001 tỷ đồng, giảm gần 10.032 tỷ đồng so với cuối năm trước.

Nguyên nhân của sự sụt giảm đến chủ yếu từ việc giảm tiền gửi tại NHNN (giảm khoảng 1.081 tỷ đồng); tiền, vàng gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác (giảm khoảng 7.986 tỷ đồng).

Tính đến cuối quý I/2022, tiền gửi khách hàng của nhà băng này đạt 67.560 tỷ, giảm nhẹ 0,2%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 56,822 tỷ, tăng trưởng 4,3%.

Tổng tài sản BacA Bank đến cuối quý I/2022 cũng giảm nhẹ 2% so với đầu năm nay, xuống còn 117.078 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm đến 41% (còn 600 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác giảm 32% (5.927 tỷ đồng.

Cho vay các TCTD khác tăng 36% (2.598 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng nhẹ 3% (86.980 tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 2% lên 95.031 tỷ đồng.

Nợ xấu trái chiều

Nhưng 3 tháng đầu năm nay, nợ xấu của Saigonbank đã tăng thêm 22,4% lên 398 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh nhất, với mức tăng 217% trái ngược với nhóm 4 giảm 20%.

Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,99% đầu năm lên 2,41%.

Ngoài ra, trong quý này, ngân hàng cũng tăng dự phòng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành thêm 80 tỷ đồng.

Đến cuối quý I/2022, nợ xấu bán cho VAMC giảm 27%, xuống còn hơn 242 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank quý I/2022 đạt 98,7 tỷ đồng, tăng 68,4% so với cùng kỳ.

Tổng nợ xấu của Bac A Bank tại thời điểm cuối quý I/2022 xấp xỉ đầu năm nay, nhưng có sự dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn sang nợ nghi ngờ.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 0,77% đầu năm xuống còn 0,75%. Kết quả, Bac A Bank báo lãi trước thuế gần 246 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.

Nợ xấu của ABBank đến hết quý I/2022 ghi nhận 1.701 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với đầu năm.

Nhưng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 2,34% đầu năm xuống còn 2,32%.

Nợ xấu cuối quý I/2022 của VietA Bank ở mức 1.017 tỷ đồng, tăng 11 tỷ so với cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm nhẹ từ 1,89% về mức 1,79%.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của ngân hàng này đạt hơn 339 tỷ đồng, tăng trưởng gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan