Lập nhiều kỷ lục
Nhóm ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng dẫn đầu là điện tử, máy tính và linh kiện, với kim ngạch đạt gần 48 tỷ USD, tăng tới 40% (tương ứng tăng 14,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Với mức thực hiện cao kỷ lục, điện tử, máy tính và linh kiện đã bỏ xa mặt hàng đứng thứ 2 là điện thoại các loại và linh kiện (26,9 tỷ USD) gần 21 tỷ USD.
Một ngành hàng khác có kim ngạch lớn, duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong nửa đầu năm nay là máy móc, thiết bị và phụ tùng. Ngành hàng này đạt kim ngạch xuất khẩu gần 27 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 trong 5 nhóm hàng kim ngạch trên 5 tỷ USD.
Dệt may và giày dép đứng thứ 3 và thứ 4, với mức tăng trưởng lần lượt là 12,3% và 10,1%, tổng doanh thu xuất khẩu xấp xỉ 30,6 tỷ USD.
Chỉ riêng 5 ngành hàng đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD tạo giá trị xuất khẩu tới 132,34 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (khoảng 219,5 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm.
Nếu nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn do tỷ trọng luôn chiếm trên 86% tổng xuất khẩu hàng năm, thì lĩnh vực nông nghiệp cũng xuất hiện thêm nhiều nhóm ngành bội thu đơn hàng và hưởng lợi giá xuất khẩu tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng vượt kỳ vọng. Trong đó, tiêu biểu nhất là mặt hàng cà phê.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 2,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt xa con số 5,4 tỷ USD của cả năm 2024. Đây là lần đầu tiên, ngành cà phê đạt được con số cao như vậy trong nửa đầu năm và hoàn thành sớm mục tiêu cả năm.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhờ có đơn hàng lớn xuất sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đạt được thành công này là nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu các dòng cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và cà phê hòa tan - những phân khúc có giá trị gia tăng cao.
Với đà này, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 7,5 tỷ USD trong năm 2025, tăng gần 37% so với năm 2024. Nếu đạt được như vậy thì đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, hạt điều cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu 20% trong nửa đầu năm, với kim ngạch đạt 2,35 tỷ USD; thủy sản tăng 15,9%, đạt 5,1 tỷ USD; hạt tiêu đạt 850 triệu USD, tăng 34%..., góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xoay chuyển tình thế, linh hoạt thích ứng
Các FTA được ký kết với các đối tác lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu..., tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2025.
- Bộ Công thương
Bất chấp những thuận lợi và khó khăn đan xen từ cả bên ngoài lẫn bên trong, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến - chế tạo do Cục Thống kê (Bộ tài chính) thực hiện vẫn cho thấy những tín hiệu khả quan. Theo đó, có 37,3% đơn vị đánh giá xu hướng sẽ tốt lên trong quý III/2025; có 43,5% doanh nghiệp được hỏi cho rằng ổn định; chỉ 19,2% doanh nghiệp dự báo khó khăn. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lạc quan nhất, với 81% nhận định tình hình sẽ ổn định và cải thiện.
Sản xuất tích cực hơn và tình hình đơn hàng xuất khẩu cũng được dự báo khả quan. Có 30,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng số lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý III/2025; có 51% số doanh nghiệp dự kiến duy trì đơn hàng ổn định và 18,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm đơn hàng.
Như vậy, kỳ vọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong quý III và chặng đường nước rút cuối năm 2025.
Một chỉ dấu tích cực được ghi nhận là trong bối cảnh kinh doanh biến động, nhiều doanh nghiệp không chỉ thích nghi, mà còn chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, chuyển đổi sản xuất xanh hơn.
Chương trình nghiên cứu “Chính sách thuế quan mới của Mỹ: Tác động và định hướng ứng phó cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam”, do Công ty PwC thực hiện mới đây cho thấy, các doanh nghiệp đang điều chỉnh mạnh mẽ ở nhiều khâu - từ chuỗi cung ứng, sản xuất đến thị trường và dịch vụ.
Cụ thể, khoảng 44% doanh nghiệp được khảo sát đã chuyển hướng tìm nguồn cung từ nhiều khu vực khác nhau; 34% đang đàm phán lại với nhà cung cấp để tối ưu chi phí.
Hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song chính sách thuế quan mới đối với một số mặt hàng đang khiến nhiều doanh nghiệp phải xoay chuyển chiến lược. Các doanh nghiệp khẩn trương mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đưa Nhật Bản, châu Âu, Australia và ASEAN thành những điểm đến tiềm năng.
Dẫn chứng, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có FTA đều duy trì đà tăng khá. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 27,3 tỷ USD, tăng 10%; xuất sang ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, tăng 4,2%; xuất sang Nhật Bản đạt 12,8 tỷ USD, tăng 11,8%...
Công ty TNHH PM Coffee (Đắk Lắk) cho biết, tận dụng ưu đãi thuế quan và cơ hội thị trường từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Công ty đã tăng cường xuất khẩu cà phê sang thị trường EU. Hiện tại, sản phẩm của PM Coffee được phân phối ở hầu khắp các nước thành viên của EU.
Để sản xuất và xuất khẩu về đích thành công, doanh nghiệp cũng cần các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, cũng như thông tin dự báo thị trường, hỗ trợ ngành hàng kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cắt giảm lãi suất, thủ tục hành chính. Khảo sát của Cục Thống kê ghi nhận, 38,7% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay; 31,8% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng…