Nhóm cổ phiếu thép đảo chiều, thị trường vẫn tăng nhờ cặp đôi VCB - BID

Nhóm cổ phiếu thép đảo chiều, thị trường vẫn tăng nhờ cặp đôi VCB - BID

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái với diễn biến hạ độ cao của chỉ số chung cùng sự "trở mặt" của nhóm cổ phiếu thép, cặp đôi lớn dòng bank là VCB - BID đã tăng tốc giữ nhiệt cho thị trường.

Dòng tiền hưng phấn nhập cuộc ngay khi mở cửa đã giúp thị trường có phiên giao dịch sáng 15/11 khá đẹp. Cùng đà tăng mạnh mẽ của chỉ số chung khi tất cả các nhóm ngành trên thị trường đều khởi sắc, thanh khoản sàn HOSE cũng ấn tượng khi vượt 10.000 tỷ đồng chỉ trong phiên sáng.

Tuy nhiên, thị trường đã giảm nhiệt sau phiên sáng giao dịch bùng nổ. Áp lực bán chốt lời xuất hiện ở một số mã lớn và nhỏ trên thị trường khiến chỉ số chung hạ độ cao.

Chỉ số VN-Index đã khép lại phiên giao dịch giữa tháng 11 tăng gần 13 điểm và vượt thành công mốc 1.120 điểm với diễn biến tích cực khi số mã tăng chiếm áp đảo, gấp hơn 3 lần số mã tăng. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng sôi động trở lại với tổng giá trị giao dịch riêng trên sàn HOSE tiệm cận mức 20.000 tỷ đồng.

Điểm sáng thị trường là mã lớn VCB. Trái với sự suy yếu của thị trường chung, lực cầu mạnh mẽ đã giúp VCB đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày, tại mức 87.700 đồng/CP, tăng gần 2%. Đồng thời, VCB là trợ lực chính cho thị trường khi đóng góp gần 2,4 điểm cho chỉ số chung.

Đặc biệt hơn là thanh khoản của VCB xác lập kỷ lục trong hơn 2 năm, kể từ đầu tháng 6/2021, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4 triệu đơn vị, gấp khoảng 4 lần so với mức trung bình của 10 phiên gần đây.

Bên cạnh đó, BID cũng ấn tượng khi đóng cửa tăng 2,67% lên mức giá cao nhất trong ngày là 44.150 đồng/CP, đóng góp gần 1,5 điểm cho chỉ số chung. Tiếp theo là ACB đóng cửa tăng 2,4% lên 23.250 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt hơn 32,33 triệu đơn vị. Sắc xanh cũng phủ trên diện rộng toàn ngành, ngoại trừ bộ 3 cổ phiếu là MSB, STB và LPB lùi về mốc tham chiếu khi đóng cửa.

Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ vị trí quan trọng hỗ trợ đà tăng cho thị trường thì nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm sức nóng. Hầu hết các cổ phiếu chứng khoán chỉ còn tăng nhẹ, thậm chí giảm điểm như ORS và CTS, hay TVS lùi về mốc tham chiếu.

Cổ phiếu VIX vẫn có giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 40 triệu đơn vị khớp lệnh thành công và đóng cửa thu hẹp biên độ với mức tăng 1,2%, đứng tại mức giá 16.350 đồng/CP. Cặp đôi còn lại của ngành thuộc top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường là SSI và VND chỉ tăng nhẹ 0,5%, thanh khoản đều đạt hơn 20 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản cũng hạ nhiệt. Trong đó, các mã giao dịch mạnh như NVL, DIG, DXG, PDR chỉ còn tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Trái lại, các cổ phiếu thép lại chịu áp lực bán chốt lời và diễn biến không mấy khả quan. Bên cạnh HPG lùi về mốc tham chiếu với thanh khoản chỉ thua VIX với 34,62 triệu đơn vị giao dịch thành công, thì cặp HSG và NKG đều đảo chiều giảm hơn 0,5%, thanh khoản đạt hơn 15 triệu đơn vị.

Ngoài dòng bank, một số mã lớn tăng ấn tượng và hỗ trợ tốt cho thị trường phải kể đến MSN khi đóng cửa tăng 5,11% lên mức 65.800 đồng/CP, cùng thanh khoản bùng nổ, đạt 3,87 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần so với mức trung bình 10 phiên gần đây.

Chốt phiên, sàn HOSE có 414 mã tăng và 122 mã giảm, VN-Index tăng 12,77 điểm (+1,15%), lên 1.122,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 937,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.9655 tỷ đồng, tăng 14,08% về khối lượng và 15,42% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,68 triệu đơn vị, giá trị 1.327,79 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường trở nên phân hóa khiến HNX-Index có thời điểm lùi về mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 89 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,2%), lên 227,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 108,42 triệu đơn vị, giá trị 2.059,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,56 triệu đơn vị, giá trị 236,92 tỷ đồng.

Cùng trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu chứng khoán SHS chỉ còn tăng nhẹ 0,6%, đóng cửa tại mức giá 17.700 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn vượt trội với hơn 34 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, cổ phiếu VIG và MBS chỉ còn tăng nhẹ hơn 1%, trong khi BVS, PSI lùi về mốc tham chiếu.

Ngoài ra, các cổ phiếu khởi sắc trong rổ HNX30 cũng hạ độ cao, ngoại trừ TNG và VCS tăng hơn 2%, còn lại chỉ trên dưới 1%.

Trái lại, CEO đã đảo chiều điều chỉnh giảm nhẹ 0,4% xuống mức 22.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, đạt xấp xỉ 17 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thép, VGS cũng đảo chiều và đóng cửa giảm 1,8% xuống mức 21.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 1,55 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường may mắn đảo chiều thành công và hồi phục nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,41%), lên 87 điểm với 189 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 37,19 triệu đơn vị, giá trị 525,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,63 triệu đơn vị, giá trị 25,08 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR chỉ còn nhích nhẹ 0,5% lên mức 19.300 đồng/CP, giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 7 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là SBS với hơn 3,11 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 1,4% lên 7.400 đồng/CP. Tiếp theo là C4G và VHG đều khớp hơn 2 triệu đơn vị và đóng cửa cùng đứng giá tham chiếu.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng hơn 1%. Trong đó, VN30F23011 sẽ đáo hạn trong ngày thứ Năm tới tăng 14 điểm, tương đương +1,3% lên 1.134 điểm, khớp lệnh 269.455 đơn vị, khối lượng mở 29.055 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng phủ rộng, với CSTB2309 phiên này khớp lệnh cao nhất, đạt hơn 5 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,4% lên 430 đồng/cq, theo sau là CVPB2307 với 3,29 triệu đơn vị và tăng 25% lên 150 đồng/cq.

Tin bài liên quan