Những mục tiêu nhiều tham vọng

Những mục tiêu nhiều tham vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo không ít nhà băng xây dựng mục tiêu “tham vọng” cho năm 2022, dù áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng cao.

Những mục tiêu cụ thể

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2022, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tín dụng dự kiến tăng 12%; nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Vietcombank đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng trong nhóm Big4 được chủ động trong việc quyết định quy mô tăng trưởng tín dụng.

Nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối được tăng vốn điều lệ trong bối cảnh các ngân hàng có hệ số an toàn vốn ở mức thấp, hạn chế về phát triển kinh doanh, đặc biệt hạn chế tăng trưởng tín dụng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo

Vietcombank đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đồng thời có lộ trình phù hợp tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35%.

Trong khi đó, theo Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh, Ngân hàng đặt mục tiêu năm 2022 đạt lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 31,5%; tăng trưởng tín dụng trên 20%, tùy vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước; quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng.

Chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa ngân hàng hiện hữu tiếp tục được MSB đẩy mạnh, với mục tiêu vào nhóm các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi cao nhất hệ thống.

Năm 2021, MSB đạt lợi nhuận trước thuế 5.168 tỷ đồng; tổng tài sản 203.700 tỷ đồng, tăng hơn 15%; vốn điều lệ 15.275 tỷ đồng, tăng 30%.

Trên cương vị mới, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB chia sẻ, ông sẽ cùng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng tiếp tục thực thi để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược đến năm 2025 đã được Hội đồng quản trị phê duyệt. ACB sẽ đầu tư và mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động; thay đổi mô hình kinh doanh với mũi nhọn là ngân hàng số bên cạnh việc giữ vững hiệu quả của ngân hàng truyền thống; sử dụng và phân tích dữ liệu để nâng cao trải nghiệm khách hàng, năng lực quản trị rủi ro; xây dựng môi trường làm việc cởi mở, sáng tạo, năng động để mỗi cá nhân đều có cơ hội đồng hành cùng sự phát triển của tổ chức.

“ACB kiên định thực hiện chiến lược kinh doanh đề ra, hướng đến hoàn thành 5 mục tiêu là ngân hàng có trải nghiệm khách hàng tốt nhất, khẳng định vị thế hàng đầu của ACB trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, phát triển mô hình kinh doanh năng động và hiệu quả, thu hút và phát triển nhân tài tạo nguồn nội lực mạnh, khẳng định vị thế về chuyển đổi số”, ông Phát nói.

Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của ABBank là 156%, Bản Việt là hơn 40%, MSB là 31,5%...

ACB vừa trải qua 2 năm kinh doanh dưới tác động mạnh của đại dịch Covid-19, nhưng nhà băng này vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận tốt: năm 2019 tăng 18%, năm 2020 tăng 28%, năm 2021 ghi nhận mốc cao mới với lợi nhuận trước thuế gần 12.000 tỷ đồng, tăng 25%. ROE năm 2021 đạt 24%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,7%.

Theo ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank, dựa trên những kết quả có tính bước ngoặt của năm 2021 (gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), Ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022.

Việc hoàn tất tăng vốn điều lệ lên gần 10.000 tỷ đồng sẽ là cơ sở để ABBank xây dựng các chiến lược kinh doanh thách thức hơn.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng 156%, ước đạt 3.079 tỷ đồng; doanh thu thuần trước rủi ro dự kiến tăng 142%, đạt 6.800 tỷ đồng; tổng tài sản tăng lên 138.250 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 17%; dư nợ 92.250 tỷ đồng; huy động vốn 94.081 tỷ đồng; tỷ lệ CASA là 20%.

Đối với Bản Việt Bank, Tổng giám đốc Ngô Quang Trung cho biết, tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 76.600 tỷ đồng, tăng 25%; tổng huy động vốn đạt hơn 70.000 tỷ đồng, tăng 20%; dư nợ tín dụng đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng 16%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 hoàn thành vượt 7% kế hoạch, đạt 311 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng về quy mô tài sản và tăng trưởng quy mô tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động. Trên cơ sở này, năm 2022, Bản Việt dự kiến tổng tài sản tăng hơn 20%, lợi nhuận tăng hơn 40% so với năm 2021.

Nỗ lực kiểm soát, ứng phó và xử lý nợ xấu

Nợ xấu vẫn là vấn đề được ngành ngân hàng lưu tâm và đòi hỏi các nhà băng tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Đáng chú ý, khi các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước sẽ kết thúc vào cuối tháng 6/2022, nợ xấu được nhận định sẽ gia tăng.

Vì thế, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, năm nay, Vietcombank tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng.

Tăng trưởng tín dụng theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, tập trung cơ cấu danh mục tín dụng theo định hướng an toàn, hiệu quả, đẩy mạnh tín dụng bán lẻ.

Đồng thời, Vietcombank tăng trích lập dự phòng, dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng đến cuối năm 2021 đạt 424% và đã trích lập đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu.

Tương tự, ông Ngô Quang Trung cho hay, Bản Việt Bank nỗ lực thu hồi nợ xấu cũ và kiểm soát nợ xấu mới. Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bản Việt không chỉ áp dụng một biện pháp cơ cấu nợ theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, mà áp dụng song song nhiều biện pháp khác để đồng hành cùng khách hàng, trong đó có hỗ trợ lãi suất và tiếp tục cấp tín dụng trên cơ sở dòng tiền mới của khách hàng.

“Với chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, đa phần các khách hàng đã cơ cấu nợ sẽ phục hồi được 70% hoạt động kinh doanh trong quý I/2022 và đảm bảo khả năng trả nợ trong thời gian tới khi hoạt động kinh doanh tiếp tục hồi phục. Song song đó, Ngân hàng chúng tôi duy trì các chương trình ưu đãi để hỗ trợ khách hàng phục hồi sau dịch”, ông Trung nói.

Trong khi đó, ông Lê Hải cho hay, ABBank chú trọng việc đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và khả năng, thời điểm phục hồi sản xuất - kinh doanh của khách hàng để thực hiện phương án cơ cấu nợ phù hợp cho khách hàng, đồng thời theo dõi chặt chẽ, giám sát khả năng trả nợ theo phương án tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, ABBank tăng cường công cụ cho công tác phê duyệt tín dụng thông qua việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng (bao gồm PD, EAD, LGD) cho tất cả các phân khúc khách hàng, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro nhằm ngăn ngừa và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Ngân hàng đặt mục tiêu đến quý III/2022 sẽ mua lại hết trái phiếu VAMC.

Các khoản vay của ABBank đều có tài sản bảo đảm với tính thanh khoản cao, là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng xử lý nợ trong thời gian tới. Ngoài ra, nhằm chủ động với nợ xấu có thể gia tăng từ nợ tái cơ cấu, ABBank sẽ tăng trích lập dự phòng rủi ro để làm dày thêm “bộ đệm” chống đỡ.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, năm 2022, các chương trình phục hồi kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng. Cụ thể, các gói cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi.

Theo VDSC, các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế và từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng. Gói cấp bù lãi suất sẽ mang lại sự hỗ trợ tích cực cho phía doanh nghiệp nhiều hơn và trực tiếp hơn so với các ngân hàng thương mại.

Tác động tích cực và dễ nhận thấy của gói kích thích lên kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ thông qua hai cấu phần chính bao gồm tăng trưởng bảng cân đối (tín dụng, huy động) và chi phí dự phòng rủi ro.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, năm 2022, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu. Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19; không tập trung vốn cho những lĩnh vực như bất động sản, thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan