Niêm yết quốc tế: Con đường vươn mình thành Chaebol

Niêm yết quốc tế: Con đường vươn mình thành Chaebol

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vinfast đã cắm cờ thành công trên đất Mỹ và mang đến nguồn cảm hứng không hề nhỏ, doanh nghiệp kế tiếp có thể VNG, tiếp nữa và tiếp nữa… Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE có những bình luận quanh các cuộc hải trình đã và đương sắp sửa của doanh nghiệp Việt.

Là người làm về tài chính kinh doanh, chắc hẳn bà cũng dõi theo sự kiện Vinfast niêm yết thành công trên đất Mỹ?

Vinfast (VFS) đang là cái tên vô cùng nóng của thị trường tài chính trong và ngoài nước những ngày gần đây. Sau khi niêm yết thành công trên sàn NASDAQ, cổ phiếu của hãng xe điện mang thương hiệu Việt Nam đã có một cú bứt phá ngoạn mục về mặt vốn hóa. Tính đến hết ngày 29/8, vốn hóa công ty đã vượt mức 100 tỷ USD và có những thời điểm trở thành hãng xe lớn thứ 3 thế giới chỉ đứng sau Tesla và Toyota.

Đối với hoạt động kinh doanh, việc niêm yết thành công trên thị trường Mỹ và đặc biệt giữ được mức giá cao có thể giúp Vinfast dễ dàng tiếp cận được những nguồn vốn lớn với chi phí thấp, từ đó đem lại dòng tiền giúp công ty duy trì hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, hiệu ứng từ việc nằm trong top những thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới cũng rất có giá trị giúp cho thương hiệu của công ty được biết đến rộng rãi hơn và tăng mức độ nhận diện đến với khách hàng.

Vậy với thị trường trong nước, diễn biến này có tác động thế nào?

Đối với thị trường chứng khoán trong nước, việc Vinfast niêm yết thành công tại Mỹ cũng đem lại một số hiệu ứng khá tích cực cho thị trường. Đầu tiên là nhóm cổ phiếu “cùng họ” như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom retail (VRE) đều có được đà tăng mạnh trước thời điểm Vinfast lên sàn. Dù sau đó có sự điều chỉnh, tuy nhiên trong những ngày đạt mức tăng mạnh về giá cổ phiếu, VFS đã tạo được hiệu ứng lây lan đến nhóm cổ phiếu “anh em” của mình từ đó tác động ngược trở lại đến thị trường.

Không chỉ tác động tích cực về mặt điểm số, hơn hết là việc Vinfast niêm yết thành công trên đất Mỹ đã tạo tiền đề và là cảm hứng cho các doanh nghiệp lớn khác ở Việt Nam dám vươn mình ra biển lớn.

Trường hợp khác là VNG Limited mới đây đã nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ, bà có ngạc nhiên về điều này?

Việc VNG ấp ủ kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng Mỹ không phải là chuyện mới gần đây. Từ năm 2017, công ty từng ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq, tuy nhiên, kế hoạch này kéo dài cho đến hiện tại. Cũng như Vinfast, việc niêm yết qua cửa chính (IPO) trên thị trường chứng khoán Mỹ rất khó khăn bởi những quy định ngặt nghèo của SEC (Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ). Do vậy, không ngoại trừ khả năng đợt IPO này của VNG có thể gặp nhiều trở ngại.

Nói vậy, cơ hội của VNG không lớn?

Dù có thể gặp nhiều trở ngại, tuy nhiên vẫn có 2 yếu tố chúng tôi nhận thấy ủng hộ cho khả năng VNG (thông qua VNG limited) IPO thành công trên đất Mỹ.

Thứ nhất là về yếu tố thanh khoản, VNG là một doanh nghiệp đầu ngành với quy mô vốn hóa ở thị trường Việt Nam với 1,5 tỷ đô nên không khó để công ty đáp ứng được tiêu chuẩn về thanh khoản trước niêm yết.

Thứ hai là về ngành nghề kinh doanh, công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là game và công nghệ, đây là lĩnh vực rất được các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng.

Ngoài các vấn đề nói trên, chắc hẳn VNG cũng có được những thuận lợi nhất định chứ?

Khác với Vinfast thì cơ cấu cổ đông của VNG đang có những nhà đầu tư lớn là quỹ và các tập đoàn lớn nước ngoài, những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trên thị trường quốc tế này sẽ tư vấn hiệu quả cho VNG trong quá trình niêm yết.

Nhiều cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã có mức tăng trưởng tốt sau niêm yết tại Mỹ. Vậy nếu VNG Limited thành công, theo bà sẽ có tác động gì tới cộng đồng doanh nghiệp công nghệ trong nước?

Nếu thành công, VNG sẽ trở thành công ty công nghệ đầu tiên tại Việt Nam niêm yết thành công trên thị trường tài chính lớn nhất thế giới, giúp mở đường và tạo ra động lực lớn cho công ty cũng như cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ khác trong nước vươn tầm biển lớn.

Phải chăng đây là con đường đúng, tạo cơ hội để hình thành nên những Chaebol cho Việt Nam?

Việc niêm yết thành công trên thị trường nước ngoài giúp cho các doanh nghiệp Việt dễ dàng tiếp cận với dòng vốn nước ngoài từ đó mở rộng quy mô nhờ sự hỗ trợ của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cũng như thương hiệu được cộng đồng biết đến rộng rãi hơn.

Rõ ràng để vươn tầm trở thành doanh nghiệp “Cheabol” thì với quy mô hoạt động trong nước là chưa đủ bởi lẽ “Cheabol” là những tập đoàn lớn có thể tác động để “kéo” tăng trưởng của cả một nền kinh tế.

Các doanh nghiệp Cheabol tại Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, LG… đều là tập đoàn có quy mô hoạt động vượt qua tầm lãnh thổ đất nước cùng với hoạt động đa ngành nghề.

Doanh nghiệp nào của chúng ta có bóng dáng của các Chaebol?

Ở Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp và tập đoàn đáp ứng được các tiêu chí này như FPT, Viettel, Vinamilk… Tuy nhiên, điểm chung của những tập đoàn này đó là vẫn phụ thuộc chính vào thị trường trong nước.

Do vậy, có thể xem việc niêm yết chứng khoán trên thị trường nước ngoài là một trong những tiền đề cho các doanh nghiệp trong nước ấp ủ tham vọng trở thành một tập đoàn “Chelbol” đa quốc gia.

Tuy nhiên, trước khi vươn ra biển lớn thì các doanh nghiệp cần song song khẳng định mình ở thị trường trong nước trước và phát triển một cách mãnh mẽ phạm vi ngoài lãnh thổ.

Từ trường hợp Vinfast, các doanh nghiệp Việt muốn niêm yết trên sàn quốc tế có thể học hỏi được điều gì?

Vinfast sẽ trở thành hình mẫu đi đầu cho các doanh nghiệp Việt muốn niêm yết trên sàn quốc tế. Cả quá trình rất cần sự tập trung cũng như hoàn thiện theo chuẩn mực khắt khe của thị trường quốc tế.

Bài học đầu tiên và tiên quyết là các rào cản do đây là những thị trường phát triển rất khác với thị trường cận biên như Việt Nam hiện tại nên các tiêu chuẩn sẽ được quy định ngặt nghèo để bảo vệ nhà đầu tư. Các quy định này chủ yếu quan đến báo cáo tài chính, quản lý rủi ro, thông tin công khai và tuân thủ pháp lý và phải duy trì những tiêu chuẩn này để có thể duy trì trạng thái niêm yết. Trước Vinfast, đã từng có một doanh nghiệp Việt niêm yết trên đất Mỹ nhưng sau đó bị hủy niêm yết do vi phạm công bố thông tin.

Bên cạnh đó, quá trình niêm yết và duy trì niêm yết trên sàn Mỹ đòi hỏi khả năng tài chính lớn và nguồn lực để chi trả các khoản phí niêm yết, phí tư vấn và các loại thuế phí khác. Quá trình niêm yết còn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Vinfast đã từng ấp ủ kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong vòng hơn 2 năm trước khi chính thức được niêm yết, nhưng trước đó có thể là một quá trình tìm hiểu, tư vấn và xây dựng chiến lược trước khi bắt tay vào thực hiện.

Và cuối cùng, niêm yết trên thị trường nước ngoài phải phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty. Việc niêm yết thành công có thể giúp công ty gia tăng về nguồn lực và mở rộng quy mô hoạt động vì vậy ngành nghề kinh doanh phù hợp để tiếp cận thị trường quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng.

Tin bài liên quan