Diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

NIM ngân hàng chịu sức ép 2 quý cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh dư địa mở rộng tín dụng hạn chế, việc mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng nhanh hơn so với lãi suất cho vay đang gây sức ép lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận 2 quý cuối năm của các ngân hàng.

Lãi thuần tăng trong nửa đầu năm

VPBank (mã VPB) cho biết, thu nhập hoạt động hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ 2021, trong đó thu nhập từ lãi tăng ổn định nhờ mức tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần cùng kỳ. Cụ thể, dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỷ đồng, riêng Ngân hàng mẹ VPBank đạt 14,3%, cao hơn mức trung bình toàn ngành là 9,35%.

Theo VPBank, doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 của 2 phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng hơn 30% chủ yếu đến từ các sản phẩm cho vay thế chấp. Ngoài ra, thu nhập thuần từ phí tăng trưởng 34,5% khi ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng từ tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế 2 quý đầu năm 2022 tăng 70% so với cùng kỳ 2021, đạt hơn 15.300 tỷ đồng và hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Techcombank (mã TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với tổng thu nhập hoạt động tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước lên 21.100 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Trong đó, thu nhập từ lãi đạt 15.900 tỷ đồng, tăng 25,1%, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ổn định ở mức 5,6%.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức, những nguồn doanh thu cốt lõi của Techcombank vẫn đạt kết quả tích cực với nhu cầu tín dụng và biên lãi thuần đều ở mức cao, đồng thời các nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ chính đều tăng trưởng 2 con số. Techcombank đã đa dạng hóa dư nợ tín dụng, hướng tới các khách hàng cá nhân - phân khúc chiếm 46,6% dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tăng từ mức 38,8% vào cuối tháng 3/2022.

Trong quý II/2022, do biến động lãi suất, lợi suất tài sản của Techcombank giảm 12 điểm phần trăm và chi phí vốn tăng 17 điểm phần trăm so với quý trước. Dù vậy, Techcombank vẫn thu về khoản lãi trước thuế 14.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng hơn 22% cùng kỳ năm trước. Riêng quý II/2022, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 7.321 tỷ đồng, tăng 8% so với quý liền trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tại LienVietPostBank, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận ở mức 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021. Động lực tăng trưởng chính đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng mạnh, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 39,7% lên 3.045 tỷ đồng (trong quý II/2022), lãi từ dịch vụ tăng 33% lên 303 tỷ đồng...

NIM dự báo giảm trong nửa cuối năm

NHNN đã “chốt” trần tín dụng năm 2022 ở mức 14%, tức là dư địa mở rộng cho vay những tháng cuối năm không còn nhiều khi tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 6/2022 đã tăng 9,3%.

Theo giới phân tích tài chính, các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 hầu hết đều ghi nhận nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ tín dụng, qua đó NIM 2 quý đầu năm vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, trong 2 quý cuối năm, NIM ngân hàng sẽ chịu sức ép giảm trước xu hướng lãi suất huy động trong nước tăng nhanh theo áp lực lạm phát và lộ trình tăng mạnh lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), còn lãi suất cho vay tăng chậm hơn, chưa kể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “chốt” trần tín dụng năm 2022 ở mức 14%, tức là dư địa mở rộng cho vay những tháng cuối năm không còn nhiều khi tín dụng toàn ngành tính đến cuối tháng 6/2022 đã tăng 9,3%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, mặt bằng lãi suất huy động đã đi lên từ đầu năm tới nay, trong khi lãi suất cho vay chưa tăng kịp khi phải hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau dịch khiến NIM ngân hàng giảm xuống.

Thực tế, 6 tháng đầu năm 2022, NHNN đã nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất đầu ra phù hợp nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế. Trước áp lực lạm phát và tỷ giá USD/VND tăng nhanh trong quý II/2022, NHNN đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm ổn định thị trường và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi vay. Tuy nhiên, do chênh lệch tăng trưởng cho vay - huy động hiện ở mức cao, cùng với tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể sẽ không còn dồi dào khi đầu tư công được đẩy mạnh, nên lãi suất huy động khả năng sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.

Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản trong 2 quý cuối năm và cả năm 2022 tăng từ 1-1,5%/năm. Lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1-2%/năm so với năm 2021. Vì vậy, SSI cho rằng, NIM 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng có thể thấp hơn so với 6 tháng đầu năm, dù vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng như 2 năm trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, các ngân hàng “kiếm bộn” từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM tăng cao. Nhưng bước sang năm 2022, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, nhất là trước áp lực lạm phát tăng, nên để đạt được mục tiêu kỳ vọng, các ngân hàng buộc phải thắt chặt chi phí hoạt động, tăng thu từ mảng dịch vụ, đẩy nhanh chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn…

Chẳng hạn, tại Techcombank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.400 tỷ đồng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ cốt lõi, trong đó thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 844,4 tỷ đồng, tăng 45,3%. Đáng chú ý, thu phí từ dịch vụ bảo hiểm đạt 617,1 tỷ đồng, tăng 31,5%.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính đánh giá, lãi suất huy động sau giai đoạn giảm sâu sẽ tăng trở lại, nhất là khi Fed tăng lãi suất USD. Trong khi đó, lãi suất cho vay khó tăng nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp khiến NIM bị co hẹp. Một trong những giải pháp giúp các ngân hàng có NIM bị ảnh hưởng (nền chi phí tín dụng cao và cho vay rủi ro lớn...) đang áp dụng đó là quy mô nhân viên được cắt giảm nhằm tối ưu hóa tăng trưởng bảng cân đối với NIM thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn. Tuy nhiên, việc cải thiện NIM từ việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân công cũng đến giới hạn, bởi nếu không cân đối phù hợp có thể tác động xấu lên quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, các ngân hàng thường phải duy trì NIM thực tế ở mức 3% để đảm bảo lợi nhuận và khả năng chống đỡ rủi ro nợ xấu tăng. Nhưng hiện nay, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay ra khó tăng theo, cùng với dư địa mở rộng cho hay hạn chế sẽ tác động lên kết quả hoạt động trong 2 quý cuối năm 2022. Ngoài ra, theo Thông tư 08/2021/TT-NHNN, kể từ 1/10/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống mức 34% cũng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn.

“Thông thường, phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động và nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, NIM sẽ giảm cuối năm”, vị tổng giám đốc trên nói.

Tin bài liên quan