TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Nỗ lực chuyển mình của HNX

(ĐTCK) TTCK Việt Nam bước sang tuổi 15, chứng kiến bao đổi thay theo năm tháng. Hòa mình trong dòng chảy đó, 10 năm kể từ khi được thành lập, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức,  vận hành thị trường suôn sẻ, công khai, minh bạch, không ngừng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thị trường...

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, từ những năm 1980, Đảng và Nhà nước đã đặt ra chủ trương xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam nhằm hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 11/7/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK. Trong điều kiện ban đầu, khi các yếu tố về hàng hóa, khung pháp lý, số lượng NĐT, nhất là NĐT có tổ chức, chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện, Chính phủ chủ trương thành lập 2 Trung tâm GDCK tại Hà Nội và TP. HCM, trong đó tại TP. HCM trước, sau đó dần hoàn thiện và nâng cấp dần để hình thành một Sở GDCK thống nhất trong cả nước.

Trong thời gian này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, nhân sự, công nghệ, cơ sở vật chất cho việc hình thành Trung tâm GDCK TP. HCM vào tháng 7/2000.

Nỗ lực chuyển mình của HNX ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính  Trần Xuân Hà tặng 
Bằng khen cho các 
tập thể và cá nhân có thành tích đóng góp trên thị trường TPCP  

Ba năm sau khi Trung tâm GDCK TP. HCM đi vào hoạt động, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã chỉ đạo UBCK sớm xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội. Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính (UBCK) đã triển khai tích cực các vấn đề liên quan như cơ sở vật chất, con người, hệ thống cho việc thành lập Trung tâm.

Ngày 8/3/2005, Trung tâm GDCK Hà Nội chính thức được khai trương với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, các lãnh đạo của TP. Hà Nội và các ban, ngành.

Có thể nói, việc thành lập Trung tâm GDCK Hà Nội là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với TTCK Việt Nam. Sự ra đời của Trung tâm gắn với việc Đảng và Chính phủ triển khai chương trình cổ phần hóa DNNN.

Thông qua các phiên đấu giá cổ phần của các DN cổ phần hóa qua Trung tâm GDCK đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách các DNNN nhanh hơn, đảm bảo việc bán phần vốn Nhà nước được diễn ra công khai, minh bạch và công bằng, từ đó thu hút được một lực lượng lớn NĐT tham gia TTCK, góp phần thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển.

Nỗ lực chuyển mình của HNX ảnh 2

HNX vinh danh các doanh nghiệp minh bạch thông tin  

Sau khi ra đời, Trung tâm GDCK Hà Nội đã nỗ lực phát triển và hoàn thiện hệ thống công nghệ, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch, hệ thống công bố thông tin... Ngày 14/7/2005, thị trường giao dịch thứ cấp tại Trung tâm đi vào hoạt động và phát triển tương đối nhanh.

Ban đầu có 3 phiên giao dịch một tuần và chỉ có hệ thống giao dịch thỏa thuận với 6 DN đăng ký giao dịch. Đến đầu tháng 11/2005, hệ thống giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh liên tục chính thức được đưa vào vận hành, giúp các DN có quy mô vừa và nhỏ chưa đủ điều kiện niêm yết trên Trung tâm GDCK TP. HCM tham gia niêm yết trên Trung tâm, giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn, tăng tính thanh khoản cho thị trường tập trung.

Sau khi Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006, Trung tâm GDCK TP. HCM và Trung tâm GDCK Hà Nội lần lượt được chuyển đổi mô hình hoạt động từ đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBCK thành Sở GDCK, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Ngày 24/6/2009, Sở GDCK Hà Nội (HNX) chính thức ra mắt, đồng thời khai trương thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Đến nay, thị trường UPCoM đã thu hút được 173 công ty đại chúng. 

Ngoài việc phát triển thị trường giao dịch cổ phiếu, ngay từ buổi đầu thành lập, HNX thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, từ việc cấu trúc lại thị trường, cấu trúc lại cơ sở hàng hóa, phát triển hệ thống giao dịch từ giao dịch bán tự động sang tự động, tổ chức giao dịch từ xa, xây dựng hệ thống đấu giá tự động, hệ thống công bố thông tin, xây dựng các nhà tạo lập thị trường, xây dựng đường cong lợi suất chuẩn…

Thị trường trái phiếu chính phủ những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 23 - 25%/năm và được xếp hạng trong nhóm các thị trường trái phiếu có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á.

Cùng với thị trường niêm yết cổ phiếu DN có quy mô vốn trên 120 tỷ đồng tại HOSE, với 3 trụ cột chính trên HNX (thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt, thị trường UPCoM, thị trường cổ phiếu niêm yết) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam khi hình thành 3 thị trường giao dịch: thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết của công ty lớn với vốn từ 120 tỷ đồng trở lên tại HOSE và công ty vừa và nhỏ với vốn từ 30 tỷ đồng trở lên tại HNX; thị trường UPCoM; thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ với cấu trúc thị trường, hệ thống giao dịch, thành viên ngày càng hoàn thiện.

Việc tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu trên 2 Sở có sự phân định tương đối về quy mô vốn, với phương thức giao dịch khớp lệnh tập trung và thỏa thuận đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng thị trường có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do và phát huy tính chủ động, năng động của các Sở trong việc thu hút các DN lên niêm yết, đăng ký giao dịch.

TTCK Việt Nam bước sang tuổi 15, đã chứng kiến bao sự đổi thay theo năm tháng. Hòa mình trong dòng chảy của thị trường, 10 năm qua, kể từ khi được thành lập, HNX đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức do những yếu tố khách quan trong và ngoài nước, bảo đảm vận hành thị trường suôn sẻ, công khai, minh bạch, đồng thời không ngừng nâng cấp công nghệ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của TTCK Việt Nam.

Đứng trước những yêu cầu và thách thức mới đối với sự phát triển và hoàn thiện của TTCK Việt Nam, với những kinh nghiệm dày dặn và nền tảng đã được tích lũy qua quá trình phát triển, tôi tin tưởng HNX sẽ tiếp tục chuyển mình để đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.

Tin bài liên quan