Cơ sở hạ tầng thủ đô Hà Nội ngày càng được hoàn thiện.

Cơ sở hạ tầng thủ đô Hà Nội ngày càng được hoàn thiện.

Nỗ lực vì sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành ngân hàng Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Kinh tế - xã hội Hà Nội quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới được cải thiện trong ngắn hạn nhờ khả năng phục hồi hơn dự kiến của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, dự báo kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, tăng trưởng năm 2023 ở mức thấp; hoạt động thương mại đang chậm lại, chuỗi cung ứng tiếp tục suy yếu, nhu cầu tiêu dùng giảm, xung đột Nga - Ukraine kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và xuất nhập khẩu của nhiều quốc gia.

Ở trong nước, mặc dù chịu tác động của bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng với kết quả quan trọng đạt được trong năm 2022 cùng với việc Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện, nước, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, đảm bảo cung ứng hàng hóa ra thị trường, đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế nên tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, an ninh xã hội được đảm bảo.

Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm 2023, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh phục hồi các lĩnh vực du lịch, văn hóa, an sinh xã hội trên địa bàn. Ngành ngân hàng Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/1/2023 của Ngân hàng Nhà nước và Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 1/2/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch về nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng kế hoạch kinh doanh; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen đi đôi với việc tuân thủ quy định của pháp luật.

Trong quý I/2023, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Tính đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt trên 4,97 triệu tỷ đồng, tăng 1,93% so với 31/12/2022.

Các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng chính sách lãi suất linh hoạt...

Các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 3/2023 đạt hơn 3,01 triệu tỷ đồng, tăng 2,41% so với cuối năm 2022; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 2,34%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,45%.

Đối với các chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực ưu tiên, đến hết quý I/2023, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 253.801 tỷ đồng, chiếm 9,06%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 537.296 tỷ đồng, chiếm 19,18%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 145.936 tỷ đồng, chiếm 5,21%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 66.504 tỷ đồng, chiếm 2,37%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 10.393 tỷ đồng, chiếm 0,37%; cho vay chính sách xã hội đạt 13.469 tỷ đồng, chiếm 0,48%. Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 552.990 tỷ đồng.

Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp

Cùng với toàn hệ thống, ngành ngân hàng Hà Nội tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2023/NĐ-CP. Công tác thông tin, tuyên truyền, trao đổi, tiếp nhận thông tin phản hồi từ nhân dân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách được chú trọng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội đã chủ trì, tham gia các hội nghị trực tiếp trao đổi với khách hàng về chủ trương, chính sách và hoạt động của ngành ngân hàng; phối hợp với các sở, ngành của Thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội... đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt được thông tin và cách thức tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, góp phần đưa chính sách đi vào thực tiễn và triển khai có hiệu quả.

Cùng với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng tích cực truyền thông chính sách với những hình thức khác nhau như chủ động lọc thông tin khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và phân công cho các cán bộ quản lý liên hệ đến từng khách hàng; có văn bản giới thiệu về chương trình hỗ trợ lãi suất gửi cho các khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm bắt thông tin và liên hệ khi có nhu cầu; làm việc trực tiếp với các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để nắm bắt nhu cầu của khách hàng; phối hợp với ủy ban nhân dân các phường, xã để phổ biến thông tin đến hội doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh việc đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế, công tác cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng cũng được chú trọng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; cung cấp thông tin và hướng dẫn khách hàng nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay, các chương trình tín dụng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, người dân thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý; chủ động tiết giảm chi phí và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tinh gọn quy trình thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Cùng với các gói ưu đãi, chương trình tín dụng, các ngân ứng dụng rộng rãi các giải pháp ngân hàng trên kênh điện tử, thuận tiện, an toàn và bảo mật, triển khai toàn diện các giải pháp hỗ trợ khách hàng.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chỉ đạo về chính sách tiền tệ - ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước như cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng...

(*) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hà Nội

Tin bài liên quan