Nơi anh đến là đảo xa…

Nơi anh đến là đảo xa…

(ĐTCK) “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”.

Những ngày đầu tháng 6, theo lời mời của VPBank, đoàn nhà báo chúng tôi có chuyến công tác ra đảo Trường Sa Lớn trên con tàu HQ 622. Bốn ngày lênh đênh, vượt sóng cả đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cuộc sống và tình cảm của những người lính biển đã để lại cho đoàn công tác nhiều điều không thể quên. Trong ngày lễ trọng của giới báo chí năm nay, những kỷ niệm lại ùa về...

Nơi anh đến là đảo xa… ảnh 1

Ngạc nhiên!

Đó là cảm xúc chung của tất cả các thành viên trong đoàn công tác khi đặt chân lên tàu HQ 622 vào sáng 2/6. Vẫn biết không có hành trình nào giống nhau, đặc biệt đây là chuyến vượt biển ra với Trường Sa và trước chuyến đi, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ từ đồng nghiệp đã từng ra đảo, nhưng những gì được “mục sở thị” thì đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”.

Ấn tượng đầu tiên là điều kiện sinh hoạt còn khá thiếu thốn trên tàu. Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn (Hải đội phó Hải đội 10, Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân) cho biết, HQ 622 là tàu chở hàng, chưa bao giờ chở một đoàn khách nào ra Trường Sa Lớn. Do vậy, HQ 622 chỉ phục vụ những nhu cầu tối thiểu của cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau những phút giây bỡ ngỡ ban đầu, sự chân thành và tình cảm của thiếu tá Tuấn và các đồng sự đã xua tan sự e dè của cả đoàn. Tất cả chúng tôi, không ai còn đọng lại cảm giác mình là người khách quá giang, mà đã là một phần của HQ 622 ngay từ khi chuyến hải trình còn chưa bắt đầu.

9h30’, các công việc cuối cùng để tàu rời bến đã hoàn tất. Đúng 10h5’, HQ 622 hú 3 hồi còi tạm biệt đất liền, rời cảng Vũng Tàu tiến về Trường Sa Lớn, mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió.

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”. Giữa mênh mang sóng nước, bài hát “Nơi đảo xa” qua giọng hát ấm áp của nghệ sĩ Tiến Thành như chợt ngân vang trong tôi. Cảm xúc khi nhớ về bài hát này thật đặc biệt vì rất tình cờ, trong đoàn công tác có sự góp mặt của nhạc sĩ Thế Hiển, con trai nhạc sĩ Thế Song, tác giả “Nơi đảo xa”…

 

Tàu là nhà

Ngày đầu tiên của chuyến hải trình, trời nắng, sóng nhẹ như mặt nước Hồ Tây, khiến toàn đoàn rất phấn khởi, mặc dù một số phóng viên không quen sóng nước đã nằm lịm vì những cơn say sóng. Mới 7h tối, khi cơm nước xong, hai thành viên nữ chúng tôi nhanh chân chiếm lĩnh hai cái võng mắc bên thành tàu để chống say sóng. Đang xoay xở thì một giọng nói vang lên: “Các bạn nằm ở đây, trời trở lạnh là ốm đó. Nên đắp chăn vào”. Và ngay sau lời nói là hai cái chăn mỏng được đem đến. Với phụ nữ, một cử chỉ quan tâm nho nhỏ như thế cũng khiến chúng tôi ấm lòng.

Vừa mang chăn đến cho chúng tôi, thiếu úy Đoàn Đình Bảng vừa cho biết, tháng 6 đã bắt đầu vào mùa mưa bão, nhưng rất may là trong chuyến đi này thời tiết khá ổn. Nhưng như vẫn chưa yên tâm, anh Bảng nhắn nhủ: “Các anh chị vẫn phải cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi, giữ sức khỏe, đề phòng thời tiết thay đổi bất thường. Bởi trên biển, nắng đó, nhưng mưa cũng liền đó”…

Quả vậy, đến 9h tối, mây đen bắt đầu vần vũ và 3h sáng hôm sau, mưa xối xả trút xuống. Giữa mưa bão biển cả mới thấy con người thật mỏng manh. Mũi tàu như cắm xuống, hệt một cái gầu khổng lồ múc nước lên hết đợt này đến đợt khác. Cơn sóng trước chưa kịp tan, thì các cơn sóng sau đã nhồi đến.

Hoàng Minh Trí, phóng viên Báo Công An Nhân dân mô tả: “Nằm trên giường, chỉ cố giữ nguyên cái đầu, còn cả thân người đảo lộn theo các đợt rung lắc”. Và nhóm phóng viên tiếp tục “rụng” thêm một vài người nữa vì không chịu được sóng gió. Sóng nhồi mạnh đến mức có đồng nghiệp của chúng tôi còn bật lên trần tàu, húc đầu vỡ cả bóng đèn tuýp… Nhưng có lẽ đã quá quen với sự đỏng đảnh của biển cả, từ lãnh đạo cho đến chiến sĩ trên tàu vẫn người nào việc ấy như đi trên đất bằng.

Vừa làm việc, trung úy Nguyễn Văn Thành vừa kể chuyện, rằng đây chỉ là cơn mưa giông bất chợt trên biển, chưa thấm tháp gì so với những lần tàu ra tiếp hàng cho các đảo trong quần đảo Trường Sa trong mùa mưa bão. Đặc biệt, có nhiều lần nhận được lệnh ra khơi cứu nạn khi đang bão mạnh, tàu vào đúng tâm bão nên chỉ xoay tròn mà không thể tiến cũng chẳng thể lui. Khi ấy, mỗi người lính phải là một cột trụ, chiến đấu với mưa nguồn chớp bể cũng gian nan không kém chiến đấu với quân thù.

“Không thể nấu được cơm vì sóng quá to, nên mì tôm là sự lựa chọn số 1. Ấm đun nước siêu tốc được bắc lên. Một người cầm chắc cái chậu đã được thả sẵn vài bánh mỳ tôm, một người đổ nước sôi vào. Ngồi vào bàn ăn, nhưng chân phải ngoắc vào cột bàn vì nếu không, một cơn sóng mạnh ập tới là người một nơi và bát mỳ tôm một nẻo. Ăn xong, lại lên thay ca trực lái tàu. Dù mệt nhoài vì sóng, nhưng bánh lái luôn phải giữ vững”, Trung úy Thành nhớ lại cảnh sinh hoạt trên tàu trong những chuyến đi bão táp.

“Tháng năm con tàu quen sóng cả, quen gió biển. Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép. Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi. Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em…”. Không biết nhạc sĩ Thế Song có từng là chiến sĩ hải quân mà sao ông nói đúng tâm trạng của Thành và những người lính biển khi nhớ về người yêu dấu nơi quê nhà!

 

Biển cả là quê hương

Đại úy Hồ Chiến Thắng, thuyền trưởng của HQ 622, người chỉ huy cao nhất trên con tàu, là một người rất kiệm lời. Phút ban đầu, tôi cứ nghĩ anh là người khô khan. Nhưng cái cảm giác ban đầu ấy hoàn toàn sai lầm. Thắng rất nhẹ nhàng và tình cảm. Không chỉ với khách mời mà ngay cả lúc truyền đạt mệnh lệnh cho anh em, anh cũng vẫn phong thái ấy. Anh là người chịu trách nhiệm cao nhất về sự an toàn của mọi thành viên cũng như cả con tàu. Trong mỗi chuyến tàu, người ta ví người thuyền trưởng như là bộ não, nhưng với tôi, người thuyền trưởng HQ 622 còn là trái tim gắn kết mọi người trên tàu. Có lẽ không chỉ bởi giữa biển cả mênh mông, con người thường gắn kết với nhau hơn, mà chính tình yêu mãnh liệt của những người lính hải quân như Thắng với công việc, với biển đảo Tổ quốc là sợi dây vô hình kết nối thủy thủ đoàn.

Tuổi Bính Thìn 1976, nhưng trông Thắng chững chạc và già dặn hơn nhiều so với tuổi 35. Anh kể, đã có rất nhiều lời mời về làm việc trên tàu viễn dương với mức lương cao hơn nhiều, nhưng anh đều từ chối. Lý do để Thắng gắn với nghề lính biển thật đơn giản. Đó là khi ra biển, được nghe qua bộ đàm câu hỏi của ngư dân Việt Nam rằng, có phải là tàu của Hải quân Việt Nam?; hay những lúc được san sẻ cho tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam những ca nước ngọt, chút dầu máy; Hoặc đi qua các nhà giàn hay đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa trong đêm chỉ để các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nhìn được ánh đèn tàu… Đó chính là hạnh phúc!

Trong câu chuyện, ngồi bên tôi và đại úy Thắng, đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Phương ngậm ngùi, chỉ còn khoảng 2 năm nữa thôi, anh sẽ nghỉ hưu và không còn được gắn bó với những chuyến đi vốn đã ăn vào máu thịt. Mặc dù nhận lệnh ra khơi trong mọi điều kiện thời tiết, vất vả và hiểm nguy rình rập, nhưng với anh Phương, thời gian tới, “sẽ thật khó khăn và không dễ dàng gì với anh khi phải thay đổi một thói quen đã trở thành lẽ sống”.

Nơi anh đến là đảo xa… ảnh 2Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn lưu luyến tạm biệt đoàn công tác

 

Vĩ thanh

Chỉ với bốn ngày lênh đênh trên biển trời quê hương cùng HQ 622, nhưng với chúng tôi, những điều nhận được thật nhiều ý nghĩa. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những cử chỉ chăm sóc ân cần của các anh, từ tấm chăn nhỏ khi trời tối lạnh, nhớ lời gọi ép đi ăn những lúc định bỏ bữa vì mệt, nhớ đôi dép rọ các anh nhắc nhở phải đi để đề phòng sàn tàu trơn, dễ trượt ngã. Rồi chiếc mũ các anh đưa cho để tránh trời nắng nóng, chiếc áo mưa khoác vội lúc mưa giông…

Trên boong tàu, khi tàu đang chạy chầm chậm trên cửa sông Thị Vải để cập bờ,trung úy Phạm Gia Trưởng hỏi: “Chị có sẵn sàng cho một chuyến đi Trường Sa trong năm tới?”. Tôi đáp không chần chừ: “Rất sẵn sàng, đặc biệt nếu được đi trên con tàu Happy 622”.

Đây con tàu xa khơi… Đây con tàu xa khơi… Và con tàu ấy mãi sẽ neo lại trong lòng tôi bằng những nhớ thương, cảm phục!