Nới lỏng để doanh nghiệp FDI tại Hà Nội sớm phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các doanh nghiệp FDI đã kiến nghị nhiều nội dung, nhất là 3 nới lỏng về quy trình hành chính, vận tải hàng hóa và hoạt động bán hàng, nhằm giúp doanh nghiệp sớm phục hồi.
Các doanh nghiệp FDI đã sôi nổi kiến nghị biện pháp để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp FDI đã sôi nổi kiến nghị biện pháp để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh

Đề xuất từ doanh nghiệp Nhật Bản

Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), ông Inoue đã đưa ra 3 đề xuất trên quan điểm “Duy trì hoạt động kinh tế một cách hiệu quả và năng suất trên cơ sở thích ứng với dịch bệnh Covid-19”, “Phát triển kinh tế Hà Nội hơn nữa”, “Duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh về đầu tư với các nước láng giềng” trong trường hợp nếu đại dịch bùng phát thời gian tới.

Theo đó, trước hết ông Inoue đề xuất nới lỏng quy định về điều kiện hoạt động của nhà máy và đi lại của người lao động. Bởi, đợt dịch lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy phải tạm dừng, tỷ lệ hoạt động giảm sút do áp dụng quy định nghiêm ngặt. Trong trường hợp dịch bùng phát sau này, ông Inoue đề xuất cho phép người lao động có chứng nhận tiêm phòng vắc-xin từ 1 mũi trở lên, hoặc có chứng nhận kết quả âm tính được phép đi làm từ nhà, bất kể đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm với một số lượng người nhất định (5-10% tổng số người đi làm); gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần.

Ông Inoue kêu gọi Thành phố thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu.

Thứ 2 là về nới lỏng quy định vận tải hàng hóa. Ông Inoue đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vắc-xin và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách.

Thứ 3 là nới lỏng quy định về hoạt động bán hàng. Theo đại diện JCCI, ngành sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu trong nước không thể trở lại hoạt động trừ khi đảm bảo hoạt động bán hàng. Tránh việc thiếu đồng bộ trong xác định loại dịch vụ bán hàng được phép hoạt động giữa các khu vực đang áp dụng biện pháp chống dịch, cũng như mất thời gian thực hiện thủ tục cấp phép hoạt động trở lại sau khi gỡ bỏ Chỉ thị 16/CT-TTg. Ông Inoue đề xuất, cho phép hoạt động bán hàng thống nhất trên toàn Thành phố nếu đáp ứng tiêu chí 5K, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục hành chính khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp châu Âu không rút vốn tại Việt Nam

Chia sẻ khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cuối tháng 8/2021, Phó chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh cho biết, 91% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí gần 30% rất tồi tệ do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội từ tháng 6 đến tháng 8.

Có nhiều vấn đề trong thời gian qua mà các doanh nghiệp đã kiến nghị, ví dụ về 3 tại chỗ, giấy đi đường, về tình trạng đóng cửa gây hạn chế lưu thông hàng hóa. Khảo sát doanh nghiệp châu Âu cho thấy, 70% doanh nghiệp cho rằng, vận tải, cung ứng là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, dù trên thực tế Hà Nội là một trong những địa phương tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hóa liên tỉnh.

Vì những lý do đứt quãng chuỗi cung ứng, trong thời gian qua có đến 18% doanh nghiệp phải chuyển dịch sản xuất sang quốc gia khác, 16% đang cân nhắc chuyển dịch.

Đại diện EuroCham phân tích: “Đây không phải là chuyển dây chuyền, nhà máy, hay rút vốn, mà là chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam”.

Ông Nguyễn Hải Minh bày tỏ, EuroCham hoan nghênh Chính phủ đã ban hành quy tắc thích ứng Covid-19 mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 128/NQ-CP yêu cầu đánh giá khu vực theo cấp phường, xã, vì vậy Bộ Y tế cần có bản đồ đánh giá cấp độ dịch cho từng khu vực. Tại các địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong thực tế, trong đó Hà Nội chính thức mở cửa trở lại và có thể thấy sự nhộn nhịp của Thành phố những ngày qua.

Một vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI là thuế và hải quan. Các doanh nghiệp FDI cho rằng, trong quá trình thực thi vẫn còn một số điểm cần lưu ý về cách diễn giải các quy định thuế hoặc có một số trường hợp hồ sơ hoàn thuế bị kéo dài…

Bên cạnh đó, đề xuất không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian doanh nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để duy trì nguồn vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập.

Tin bài liên quan