Dòng tiền trên thị trường chứng khoán phụ thuộc không nhỏ vào diễn biến lãi suất.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán phụ thuộc không nhỏ vào diễn biến lãi suất.

Nội - ngoại khó đồng pha “đánh lên”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự đồng thuận của dòng tiền nội và ngoại được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường tăng điểm, nhưng sự lệch pha của hai dòng tiền này thường xuyên diễn ra.

Ngoại mua ròng, nội thận trọng

Dòng tiền từ khối nhà đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam giữ được sự cân bằng trong quý I/2023 khi mua ròng hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, các quỹ ETF như Fubon FTSE Việt Nam, VanEck Vectors, FTSE Vietnam… giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng.

Phần lớn các phiên giao dịch trong tháng 3/2023, khối nhà đầu tư trong nước có phần e dè, nhưng khối ngoại lại tích cực gom hàng. Ngược lại, có một vài phiên khối ngoại xả hàng thì khối nội lại hoạt động tích cực như phiên 30/3.

Nhìn chung, trong bối cảnh thanh khoản thị trường ở mức thấp kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm cổ phiếu được khối ngoại mua ròng thường tăng giá mạnh. Cụ thể, trong Top 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, mã HCM tăng 25%, mã VCI tăng 34%, mã IDC tăng 24%, mã POW tăng 25%..., cao hơn nhiều mức tăng 5% của VN-Index.

Theo các chuyên gia, sự lệch pha của dòng tiền nội và ngoại đến từ bản chất hai nhóm nhà đầu tư này có những mục tiêu và tiêu chí khác nhau. Đối với nhà đầu tư ngoại, họ thường đầu tư với tầm nhìn dài hạn dựa trên các yếu tố triển vọng vĩ mô của Việt Nam, vốn được đánh giá tích cực, nhất là khi mặt bằng lãi suất có diễn biến giảm.

Đối với nhà đầu tư trong nước, với khoảng 80% giá trị giao dịch đến từ các cá nhân, tâm lý thận trọng vẫn đang chi phối do lo ngại rủi ro từ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn trên thế giới…

Thị trường chứng khoán quý I/2023 được hỗ trợ bởi dòng vốn ngoại, trong bối cảnh dòng tiền nội tiếp tục suy yếu.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược thị trường và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, xuyên suốt năm nay, xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ là chủ đạo, còn nhà đầu tư trong nước sẽ phụ thuộc vào sự tác động của các yếu tố rủi ro. Khi rủi ro suy yếu, sự đồng thuận của dòng tiền nội và ngoại sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường tăng điểm.

Ông Đức Anh cho biết, khác biệt rõ rệt nhất là dòng vốn ngoại tham gia thị trường theo các đợt huy động vốn mới, cơ cấu danh mục và thời gian đầu tư để nắm giữ thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Các đợt mua bán của khối ngoại kéo dài hàng tháng và mở rộng trên một danh mục đa dạng, trong khi khối nhà đầu tư cá nhân trong nước hầu hết giao dịch ngắn hạn và “lướt sóng T+” với vòng quay vốn rất nhanh. Chính vì vậy, thời điểm tham gia thị trường của hai bên có sự khác biệt và mục đích đầu tư cũng rất khác nhau.

Hiện tại, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước cũng như tình hình thị trường chưa đủ sức thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư nội quay trở lại. Trong khi đó, thị trường chứng khoán suy giảm trong phần lớn thời gian năm 2022 và đi ngang từ đầu năm 2023 đến nay, làm bào mòn lợi nhuận trước đó, thậm chí dẫn đến thua lỗ lớn.

Lãi suất giảm sẽ kích thích dòng vốn quay lại thị trường

Theo ông Đức Anh, có nhiều yếu tố kích thích dòng tiền quay trở lại với kênh chứng khoán, nhưng yếu tố quan trọng và căn cơ, có tầm ảnh hưởng lớn là diễn biến của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế. Trên thực tế, diễn biến giảm của lãi suất trong thời gian gần đây đã phần nào hỗ trợ thanh khoản thị trường cải thiện từ mức nền thấp.

Với các yếu tố gây áp lực lên lãi suất giai đoạn cuối năm 2022 dần hạ nhiệt như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản hệ thống ngân hàng…, xu hướng giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ diễn ra xuyên suốt năm 2023. Dù lãi suất khó có thể giảm mạnh, nhưng đây vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Nhìn lại giai đoạn 2020 - 2021 và đầu năm 2022, lãi suất ở mức thấp được coi là yếu tố chính thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, giúp giao dịch sôi động, giá cổ phiếu có xu hướng tăng.

Ông Tuấn Anh, Tổng giám đốc FinPeace cho rằng, đối với những tài sản đầu tư như chứng khoán, việc thu hút dòng tiền còn phụ thuộc vào niềm tin. Kể từ tháng 4/2022 đến nay, niềm tin và sự tự tin của hầu hết nhà đầu tư giảm mạnh, do phải trải qua giai đoạn giá cổ phiếu lao dốc, VN-Index mất khoảng 40% giá trị.

Không ít nhà đầu tư cá nhân bị kẹt hàng, hoặc có trải nghiệm không tốt với thị trường, giao dịch ngắn hạn thua lỗ nên có xu hướng rút tiền ra khỏi tài khoản. Chỉ khi nào thị trường ổn định trở lại hoặc chiết khấu đủ hấp dẫn, tìm được điểm cân bằng, thì họ mới quay lại thị trường.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, dòng tiền không “neo” ở một nhóm cổ phiếu nào đủ lâu, thậm chí chưa đủ T+ đã “quay xe”, khiến nhà đầu tư trở tay không kịp. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp cho thấy sự thận trọng bao trùm, nên khó có thể kỳ vọng một ngành nào tỏa sáng, đủ hấp lực thu hút dòng tiền trong dài hạn. Điều này dẫn đến các nhịp tăng giá của các nhóm cổ phiếu nói chung, toàn thị trường nói riêng chủ yếu là sóng ngắn, sóng gãy…

Về lãi suất, ông Tuấn Anh kỳ vọng, lãi suất giảm sẽ vẽ thêm đốm sáng cho thị trường, bên cạnh động thái tích cực của dòng vốn ngoại.

“Lãi suất giảm không chỉ là tín hiệu vui với nền kinh tế, với doanh nghiệp, mà cả với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi xu hướng giảm lãi suất có bền vững và thanh khoản của thị trường được cải thiện hay không. Thời điểm hiện tại, hai yếu tố này đều chưa rõ ràng, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải”, ông Tuấn Anh khuyến nghị.

Một số ngành đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm là ngân hàng, đầu tư công, dịch vụ hàng không, dầu khí, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, dòng tiền có dấu hiệu tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu thép, với kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất đã qua và nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn là nhóm phản ứng rất nhạy với câu chuyện hạ lãi suất. Thống kê nhiều chu kỳ tăng giá mạnh của VN-Index gắn liền với chu kỳ lãi suất giảm, các ngành trên luôn có vận động tăng giá vượt trội so với VN-Index.

Tin bài liên quan