Northern Rock rơi vào tay... Nhà nước

Northern Rock rơi vào tay... Nhà nước

(ĐTCK-online) Sau hơn nửa năm (kể từ giữa tháng 9/2007 đến nay) long đong, lận đận vì bị dính vào cuộc khủng hoảng tín dụng liên quan đến vay thế chấp nhà ở đối với đối tượng thu nhập thấp ở Mỹ (subprime mortgage), cuối cùng, số phận của Ngân hàng Northern Rock (Anh) đã được định đoạt.

Vào cuối tuần qua, Northern Rock đã chính thức được Chính phủ Anh quốc hữu hoá. Đây là một động thái đặng chẳng đừng, bởi Northern Rock được rao bán, nhưng rất ít đối tượng (chỉ có 2 tập đoàn) muốn mua lại và trả giá lại quá bèo. Việc quốc hữu hoá Northern Rock được đánh giá là nước cờ thấp, là phương sách cuối cùng của Chính phủ Anh, bởi trong trường hợp tương tự, chưa hề có một nước công nghiệp phát triển nào lại chọn giải pháp quốc hữu hoá cả.

Đây cũng là vụ quốc hữu hoá một doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Anh trong vòng gần 25 năm qua (kể từ năm 1984), khi đó Chính phủ đã phải dang tay cứu giúp Ngân hàng Johnson Matthey đang trên bờ vực phá sản.

Ấy thế mà để quốc hữu hoá Northern Rock cho suôn sẻ, ngày 21/2/2008, Quốc hội Anh cũng phải thông qua một đạo luật riêng có tên gọi là The Banking (Special Provisions) Act 2008 (tạm dịch: Luật Ngân hàng 2008 - các điều khoản đặc biệt). Hôm trước Luật được thông qua thì ngay hôm sau, ngày 22/2/2008, Chính phủ tuyên bố quốc hữu hoá Northern Rock luôn.

Trước đó, vào ngày 18/2, cổ phiếu của Northern Rock đã bị ngừng giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán London, chốt lại ở mức giá 90 pence/cổ phiếu. Như vậy, thị giá của Northern Rock chỉ còn là 379 triệu bảng Anh (739 triệu USD), giảm tới hơn 10 lần so với trước khi xảy ra khủng hoảng (5,3 tỷ bảng Anh).

Chính phủ Anh đã bổ nhiệm ông Ron Sandler, nguyên Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Lloyds of London vào chức Giám đốc điều hành Northern Rock và Ann Godbehere, nguyên kế toán viên của Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re - Chi nhánh London (Thuỵ Sỹ) vào chức Kế toán trưởng.

Sắp tới, Chính phủ sẽ thuê một tổ chức độc lập đứng ra xây dựng phương án đền bù cho các cổ đông. Trước việc quốc hữu hoá Northern Rock, ông David Cameron, Chủ tịch Đảng Bảo thủ (đảng đối lập) ở Anh đã lớn tiếng phản đối bằng những lời lẽ rất nặng nề: “Đây là một thảm họa cho người đóng thuế, thảm họa cho Chính phủ và thảm họa cho đất nước Anh”. 

Phần lớn cổ đông của Northern Rock đều không muốn ngân hàng bị quốc hữu hoá, nhưng họ ở thế kẹt, không theo không được và có thể mất trắng nếu Nhà nước không can thiệp vào. 

Northern Rock là một ngân hàng thương mại loại trung bình ở Anh, riêng trong lĩnh vực chuyên cho vay thế chấp nhà ở (mortgage) là ngân hàng lớn thứ 5. Trước khi gặp nạn, kết quả kinh doanh của Northern Rock được xem là khá lành mạnh. Năm 2006, lợi nhuận trước thuế của Northern Rock là 588 triệu bảng Anh.

Được thành lập năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai tổ chức tín dụng là Northern Counties Permanent Building Society và Rock Building Society, Northern Rock có trụ sở chính ở TP. Newcastle (Anh). Năm 1997, Northern Rock chính thức lên sàn  tại Sở giao dịch chứng khoán London .

Giờ đây, Chính phủ Anh đã thâu tóm toàn bộ cổ phần của Northern Rock.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistair Darling và Thủ tướng Anh Gordon Brown (cũng từng là Bộ trưởng Tài chính) đều khẳng định, việc quốc hữu hoá Northern Rock chỉ mang tính nhất thời và Chính phủ sẽ tìm mọi cách để ngân hàng sớm trở lại khu vực tư nhân vào một thời điểm thích hợp, khi điều kiện thị trường cho phép.

Theo nhiều nhà phân tích, việc quốc hữu hoá Northern Rock chỉ là việc cực chẳng đã, bởi do Northern Rock là nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng subprime mortgage ở Anh và nhằm tránh hiện tượng đổ vỡ dây chuyền theo kiểu domino có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống ngân hàng nước này, nên Chính phủ đã phải “bơm” tổng cộng khoảng 26 tỷ bảng Anh. Nhờ vậy mà Northern Rock mới sống được cho đến thời điểm này. Thực ra, có thể coi khoản tiền trên là tiền mà Bank of England (Ngân hàng Trung ương Anh) cho Northern Rock vay với sự bảo lãnh của Chính phủ Anh. Chính phủ Anh mong muốn vực Northern Rock dậy để dần dần có thể tự đứng trên đôi chân của mình, làm ăn khấm khá mà thu xếp trả nợ, để rồi sau đó lại trở về khu vực tư nhân. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sớm nhất cũng phải sau năm 2010, may ra Northern Rock mới có thể hoàn trả được số vốn vay trên và mới có cơ được tư nhân hoá trở lại.  

Ở trong nước, dù đây đó vẫn còn có phản ứng, song nhìn chung, mọi việc liên quan đến quốc hữu hoá Northern Rock xem ra đã ổn. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên Liên minh châu Âu (EU), theo quy định chung, Anh sẽ phải giải trình đầy đủ với EU về vụ việc này bằng văn bản trước ngày 17/3/2008. Sơ bộ, một số quốc gia EU tỏ ra chưa thật đồng tình với việc Chính phủ Anh quốc hữu hoá Northern Rock.