Ông Lawrence Wolfe.

Ông Lawrence Wolfe.

Nửa cuối năm 2010: TTCK sẽ bật mạnh

(ĐTCK-online) Đó là nhận định của ông Lawrence Wolfe, Giám đốc Phát triển kinh doanh, CTCK Đông Á tại hội thảo về TTCK do Công ty tổ chức cuối tuần qua.

Ông Lawrence Wolfe cho rằng, khủng khoảng nợ công ở châu Âu tác động trực tiếp đến nền kinh tế và TTCK Việt Nam là không đáng kể. Làm rõ hơn những nhận định này, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Lawrence Wolfe bên lề hội thảo.

Trong thời gian vừa qua, TTCK Việt Nam chịu nhiều tác động từ diễn biến của TTCK thế giới, mà nguyên nhân quan trọng nhất là tác động từ thông tin liên quan đến khủng hoảng nợ công tại châu Âu, cụ thể là Hy Lạp, Tây Ban Nha và Iceland. Ông đánh giá như thế nào về tác động của cuộc khủng hoảng này đến kinh tế và TTCK Việt Nam?

Cần phải khẳng định ngay rằng, khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung EUR (eurozone) không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Theo thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu là khoảng 13%, trong đó từ Hy Lạp, Tây Ban Nha và Iceland chỉ chiếm khoảng 0,02% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Khu vực có nguồn vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là châu Á và Mỹ.

Xuất khẩu của Việt Nam sang 3 nước châu Âu trên cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1,79% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, theo ước tính của Ngân hàng HSBC, EUR vẫn được dự đoán là mạnh lên so với USD và thực tế cho thấy, dòng vốn từ khu vực châu Âu sang châu Á có xu hướng tăng hơn là giảm. Điều này có nghĩa là, tác động từ khủng hoảng nợ công của 3 nước nêu trên tới Việt Nam là rất khiêm tốn. Điều lớn nhất, theo tôi, có thể là ảnh hưởng tâm lý.

 

Ông đánh giá thế nào về tình hình thực tế nền kinh tế Việt Nam?

Tôi đánh giá nền kinh tế Việt Nam năm 2010 tốt hơn so với năm 2009 và tốt hơn rất nhiều so với năm 2008. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã tăng từ mức 3,9% lên 4,2%, trong khi dự báo mới nhất về tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng ở mức 6% đến 7,2%. Trong khi đó, thâm hụt thương mại các tháng gần đây khá ổn định, tổng thâm hụt thương mại 4 tháng đầu năm khoảng 4,6 tỷ USD, với nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ xuất khẩu. Tôi cho rằng, với việc phục hồi kinh tế trên thế giới, xuất khẩu của Việt Nam năm 2010 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2009.

Về tỷ giá, trong tháng 2, VND đã giảm giá 3,3% so với USD. Không có lý do gì để VND giảm tiếp, trừ khi phục vụ mục tiêu kích thích xuất khẩu. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 và tháng 5 ở mức rất thấp. Kỳ vọng CPI năm 2010, theo báo cáo của Barclays và Deutsch Bank, cũng chỉ ở mức xấp xỉ 9%. Với những yếu tố này, tôi cho rằng, không có bất kỳ lý do nào từ phía nền kinh tế trong nước có thể tác động xấu đến TTCK.

 

Theo ông, TTCK Việt Nam liệu có cơ hội bật mạnh trong nửa cuối năm 2010?

Thống kê cho thấy, quý I/2009, tăng trưởng chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của các DN đạt mức khá cao, dù đó là điểm đáy của khó khăn. Do đó, mức tăng thu nhập của các DN năm 2010 được dự báo khá khả quan.

Trong khi đó, so sánh diễn biến VN-Index và HNX-Index thời gian qua với diễn biến TTCK thế giới, thì suốt 14 tháng phục hồi của TTCK nói chung, TTCK Việt Nam tăng rất nhẹ so với các nước khác. Nhưng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, TTCK Việt Nam lại điều chỉnh giảm sâu hơn so với diễn biến chung. Chỉ số P/E bình quân (tính theo thu nhập năm 2009) hiện ở mức 13,7 lần, P/E dự kiến cho năm 2010 (theo tính toán của HSBC) là 11,4 lần…, cho thấy TTCK Việt Nam đang ở mức hấp dẫn và cạnh tranh hơn so với nhiều TTCK trong khu vực và trên thế giới. Tôi đồng ý với quan điểm của ông Mark Mobius (Quỹ Templeton) rằng, Việt Nam đang là một trong những TTCK rẻ nhất thế giới.

Hai yếu tố trên, kết hợp với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ngày một cải thiện, tăng trưởng tín dụng tăng dần và lãi suất hạ nhiệt thời gian vừa là tín hiệu tích cực cho việc tăng nguồn cung tiền vào TTCK, từ đó giúp thị trường tăng điểm (thống kê trong 4 năm qua, lãi suất có quan hệ tỷ lệ nghịch với diễn biến của TTCK). Thêm vào đó, động thái mua ròng liên tục của khối NĐT nước ngoài cũng cho thấy, sức cầu đang tăng lên, khả năng TTCK Việt Nam tăng mạnh thời gian tới là hoàn toàn có thể.

 

Ông đã từng dự báo, năm 2010, VN-Index  có thể chạm mức 700 - 750 điểm. Với diễn biến TTCK hiện tại, ông nghĩ như thế nào về khả năng VN-Index chạm ngưỡng trên trong năm nay?

Đầu năm, chúng tôi đã dự đoán VN-Index có khả năng đạt 700 - 750 điểm trong năm 2010, trên cơ sở đánh giá các yếu tố cơ bản và phân tích kỹ thuật theo lý thuyết sóng Fibonacci Retracement. Với việc TTCK điều giảm như vừa qua, chúng tôi cho rằng, TTCK sẽ bật mạnh trong 2 quý cuối năm nay, nhưng khả năng chạm ngưỡng trên thấp hơn, tức TTCK có thể phải mất nhiều thời gian hơn để tăng lên mức này.