Những phiên điều chỉnh ngắn
Trong xu thế phục hồi của VN-Index, theo đồ thị phân tích kỹ thuật, 3 mức được coi là ngưỡng kháng cự bao gồm: 300 - 320 điểm; 370 - 380 điểm; 420 - 450 điểm. Trong đó, hai mức có thể trở thành ngưỡng kháng cự mạnh là 370 - 380 điểm và 420 - 450 điểm. Tại hai ngưỡng này, trong quá trình lên, xuống trong quá khứ thường là mức chạm khiến VN-Index đổi chiều trong ngắn hạn. Nhưng dù là kháng cự hay hỗ trợ, nếu tính theo khối lượng giao dịch thì tại các ngưỡng này trong quá khứ không tạo ra một số lượng cổ phiếu lớn chờ trực do giá trị khớp lệnh thấp, khối lượng cổ phiếu trao tay không nhiều.
Theo diễn biến thông thường trên TTCK Việt Nam, khi VN-Index vượt các ngưỡng kháng cự một cách nhanh chóng là lúc báo hiệu một đợt rớt giá khá sâu khi chạm các mức kháng cự mới do hiện tượng "dồn cung". Điều này nhiều chuyên gia phân tích có kinh nghiệm đã từng cảnh báo. Nhưng những phiên giao dịch gần đây cho thấy, sau khi tăng mạnh, việc giá rớt trở lại diễn ra một cách dè dặt. VN-Index hoặc dừng lại hoặc lên vài ba điểm. Điều đó thể hiện lượng tiền đổ vào TTCK ngày càng nhiều. Tâm lý đầu tư theo xu thế tăng, đợi những phiên điều chỉnh để mua vào ngày một thể hiện rõ nét.
Tâm lý mua - bán
Không ít ý kiến cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào thị trường nếu VN-Index tiếp tục lên điểm. Bởi lẽ, TTCK cũng giống như thị trường bất động sản, thị trường vàng, thị trường ngoại tệ… ở đâu có sự lên giá (lợi nhuận) thì ở đó tiền sẽ đổ về. Trước đây cũng như hiện nay, khi VN-Index lên điểm là nhiều nhà đầu tư bắt đầu vào cuộc. Các điểm nhận tiền nộp vào tài khoản giao dịch chứng khoán trở nên tập nập. Khối lượng và giá trị giao dịch kể từ khi VN-Index chạm đáy 235,5 điểm vào ngày 24/2/2009 đến nay rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trên HOSE hiện đạt 1.200 - 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, với giá trị này trước đây chỉ có ở những phiên đỉnh điểm, đột biến.
Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, mỗi xu thế đều có quy luật mua - bán cổ phiếu riêng. Đối với thị trường lên giá, những phiên điều chỉnh giảm thường có khối lượng giao dịch lớn, bởi cung - cầu chính thức gặp nhau: những nhà đầu tư không mua được ở những phiên trước đó tăng mua, còn bên bán xả hàng sau một thời gian găm giữ, nhất là sau chu kỳ T+3. Nếu lượng cầu không được duy trì thì thị trường sẽ bước vào đợt sụt giảm.
Gần đây, những phiên điều chỉnh giảm không kéo dài, tỷ lệ giảm không lớn, quy luật T+3 cũng ít chi phối tâm lý nhà đầu tư. Tâm lý chờ đợi những phiên giảm giá để mua vào đang trở thành tâm lý đầu tư chủ đạo không chỉ đối với các nguồn tiền mới, mà đối với cả những nhà đầu tư đã bán ra, vì dòng tiền vẫn được lưu giữ trong TTCK. Tuy nhiên, khi tăng đến một mức nào đó thì nhiều người sẽ cho đó là đỉnh ngắn hạn và hạn chế mua vào vì ngại rủi ro, chờ đợi một đáy ngắn hạn mới. Khi đó, mức độ và số phiên giảm điểm có thể lớn hơn nếu không có sự hỗ trợ của các yếu tố cơ bản.