Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne gặp nhiều thách thức sau bầu cử.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne gặp nhiều thách thức sau bầu cử.

Nước Pháp đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị sau bầu cử Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Việc liên đảng ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron không giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp trong khi liên minh cánh tả và đặc biệt là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” giành số phiếu cao lịch sử đang có nguy cơ đẩy chính trường Pháp vào một cuộc khủng hoảng.

Kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 được Bộ Nội vụ Pháp công bố sáng sớm ngày 20/06 khẳng định liên minh “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chỉ có 246 ghế tại Quốc hội Pháp khoá tới, không đủ đa số tuyệt đối, đồng thời cũng sẽ trở thành liên minh ủng hộ Tổng thống có số ghế ít nhất trong lịch sử nền Cộng hoà thứ V nước Pháp.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 cũng đã đưa nền chính trị Pháp vào một cục diện chưa có tiền lệ kể từ năm 1958, đó là không có một đa số tại Quốc hội và trong 10 nhóm đảng hiện diện tại Quốc hội Pháp, có đến 7 nhóm đảng đứng về phía đối lập với Tổng thống và 3 trong số đó có trên 58 nghị sĩ, tức đủ điều kiện để đưa ra các yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ Pháp bất cứ khi nào.

Ngoài ra, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 cũng chứng kiến những chi tiết đáng chú ý khác, như lần đầu tiên đương kim Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, ông Richard Ferrand, thất cử.

Tất cả những điều này đang có nguy cơ đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn. 577 nghị sĩ của Quốc hội Pháp khoá mới sẽ chính thức bắt đầu công việc trong tuần tới, ngày 28/06 nhưng ngay trong sáng 20/06, một số nghị sĩ thuộc cánh tả đối lập đã lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne.

Nghị sĩ Eric Coquerel thuộc đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI) cho rằng với các kết quả bầu cử vừa qua, bà Elisabeth Borne không thể tiếp tục làm Thủ tướng Pháp và khẳng định phe đối lập cánh tả sẽ đệ trình đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà Borne khi Quốc hội Pháp nhóm họp trong thời gian tới.

Ý thức được các thách thức trước mắt, ngay sau khi biết kết quả chính thức, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã thừa nhận cục diện chính trị hiện nay tạo ra các nguy cơ lớn cho nước Pháp, đồng thời kêu gọi các bên đoàn kết để hành động.

“Chưa khi nào trong nền Cộng hoà thứ V, Quốc hội Pháp lại có một cục diện như hiện nay. Tình huống này là một nguy cơ với nước Pháp bởi các thách thức mà nó đặt ra ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Nhưng chúng tôi cần tôn trọng kết quả này và rút ra bài học. Chúng tôi sẽ làm việc ngay lập tức để tạo dựng một đa số hành động. Không có giải pháp thay thế cho sự tập hợp đoàn kết này nếu muốn duy trì sự ổn định cho nước Pháp và tiến hành các cải cách cần thiết”, Thủ tướng Borne nhấn mạnh.

Trước mắt, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ buộc chính phủ Pháp phải có những thay đổi nhân sự không mong muốn. Ba Bộ trưởng trong chính phủ mới nhậm chức của bà Elisabeth Borne là bà Brigitte Bourguinon, Bộ trưởng Y tế, bà Amélie de Montchalin, Bộ trưởng phụ trách việc chuyển đổi sinh thái và bà Justine Benin, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề biển, đều đã thất bại trong cuộc bầu cử và sẽ phải từ chức trong những ngày tới. Bản thân Thủ tướng Elisabeth Borne cũng chịu sức ép từ chức rất lớn dù bà đã được bầu là nghị sĩ tại tỉnh Calvados.

Giới phân tích chính trị Pháp đánh giá, thử thách lớn đầu tiên mà bà Elisabeth Borne phải vượt qua là ngày 5/7, khi bà Borne phải đọc Diễn văn trình bày chính sách chung của chính phủ Pháp trước Quốc hội mà gần như chắc chắn khi đó các đảng đối lập là liên minh cánh tả và phe cực hữu sẽ đệ trình việc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của bà Elisabeth Borne.

Tuy nhiên, dù gặp nhiều bất lợi khi không có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp nhưng giới quan sát cũng cho rằng, tình thế vẫn chưa phải quá bi đát đối với liên minh ủng hộ Tổng thống Macron bởi hai phe đối lập lớn nhất là liên minh cánh tả (Nupes) và đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen lại gần như không thể hợp tác với nhau nên cũng sẽ khó tạo thành một đa số chống quá lớn tại Quốc hội Pháp. Điều này có thể giúp liên minh Tổng thống tìm kiếm các lá phiếu hữu ích trong các cuộc bỏ phiếu riêng lẻ.

Tin bài liên quan