Ông Masataka “Sam” Yoshida

Ông Masataka “Sam” Yoshida

Ông Masataka 'Sam' Yoshida, CEO RECOF Corporation: Bất chấp biến động, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn chọn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
“Không có lực cản nào làm khó vị trí của Việt Nam trong các chiến lược kinh doanh của nhà đầu Nhật Bản và làn sóng nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tiếp diễn, tập trung vào các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), bất chấp những biến động địa chính trị toàn cầu”, ông Masataka “Sam” Yoshida nhận định.

Vị trí của địa điểm đầu tư Việt Nam

Một tập đoàn lớn của Nhật Bản với doanh thu xấp xỉ 2,2 tỷ USD vừa có chuyến thăm bất ngờ tới Việt Nam. Đích thân vị Chủ tịch Tập đoàn đã đến để làm việc với các bên liên quan. Quyết định sẽ di dời một phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam trong vòng 2 - 3 năm tới đã được đưa ra.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation chia sẻ thông tin khi câu chuyện về mối quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang xuất hiện nhân tố mới - đó là Ấn Độ.

Vài năm trở lại đây, Ấn Độ nổi lên là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI thế giới, trong đó có FDI từ Nhật Bản. Giống như Trung Quốc vào những năm 90 của thế kỷ trước, Ấn Độ được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn, chi phí sản xuất thấp.

Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Ấn Độ của nhà đầu tư Nhật Bản đang đối mặt với khá nhiều thách thức, chẳng hạn yêu cầu về giấy phép cấp tỉnh, định hướng phát triển “hướng tới phương Tây và Trung Đông”, sự đa dạng về văn hóa... đòi hỏi chiến lược tiếp cận khác biệt.

Song, theo ông Yoshida, dù dư địa đầu tư vào Ấn Độ của các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất lớn, song Việt Nam và Ấn Độ không cạnh tranh trực tiếp về chiến lược sản xuất, chế tạo, nên mỗi thị trường đều có những lợi thế riêng và phục vụ các vai trò khác nhau trong chiến lược của các công ty đa quốc gia.

“Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nhận ra sự cần thiết của một nhà máy ở Đông Nam Á. Như tập đoàn trên, họ đang duy trì mạng lưới phân phối trên hầu hết các nước Đông Nam Á và nguồn cung ứng tại Trung Quốc. Chiến lược của họ là biến nhà máy tại Việt Nam thành trung tâm sản xuất và phân phối chính cho khu vực. Đồng thời, họ đang mở rộng đầu tư vào Ấn Độ, với chiến lược Ấn Độ và Trung Đông”, ông Yoshida chia sẻ.

Với ông “Sam”, đây là ví dụ sinh động và mới mẻ nhất cho mối quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, sau khi lãnh đạo 2 nước thống nhất nâng tầm quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” vào tháng 11/2023, nhân kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

“Chúng tôi giữ quan điểm rất lạc quan về mối quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong thập kỷ tới”, ông Sam nói.

Cơ hội từ sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt

Có mặt ở Việt Nam từ năm 2011, chứng kiến sự tăng trưởng và thay đổi đáng kể trong quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa hai đất nước, ông Masataka “Sam” Yoshida tin rằng, không có lực cản nào làm khó vị trí của Việt Nam trong các chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư Nhật Bản.

Năm nay là năm con Rồng ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Con giáp này tượng trưng cho sức mạnh và sự lạc quan. Vì vậy, năm nay sẽ là năm đầy hy vọng của chúng ta về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trước đại dịch, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều đặn. Bất chấp những thách thức trong thời kỳ đại dịch, sự quan tâm từ các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục. Trong lĩnh vực M&A, số lượng các thương vụ M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản có sụt giảm, do chịu ảnh hưởng của xu hướng kinh tế toàn cầu và thách thức kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, tuy nhiên, mức giảm này ít nghiêm trọng hơn so với các nước khác.

“Gần đây, chúng tôi hỗ trợ khoảng 5 tập đoàn lớn của Nhật Bản trong hoạt động M&A tại Việt Nam”, ông Sam tiết lộ.

Song, điều ông cảm thấy hào hứng, đó là nhiều công ty Việt Nam đang quan tâm đến cơ hội mở rộng sang Nhật Bản.

“Chúng tôi nhận được nhiều hơn những đề nghị tìm kiếm nhà đầu tư Nhật Bản phù hợp từ phía các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Sam nói.

Với vị thế của Recof tại Việt Nam, việc Công ty có vị thế độc tôn trong hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện kế hoạch mở rộng sang Nhật Bản là dễ hiểu. Chính vì vậy, ông nói có cơ hội cung cấp các dịch vụ tư vấn phù hợp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản, đảm bảo mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Ông Sam bắt đầu sự nghiệp trong ngành tư vấn M&A từ cuối những năm 1980, nên hiểu rõ tầm quan trọng của công việc này trong việc kết nối các quốc gia và doanh nghiệp. Ông từng chia sẻ, là một người Nhật Bản, ông có trách nhiệm trong việc giới thiệu người mua và người bán phù hợp, vì thương vụ sẽ ảnh hưởng tới tương lai của doanh nghiệp.

Vì vậy, trong bối cảnh mới, với những những thức và diễn biến phức tạp của địa chính trị toàn cầu, ông đang nhìn thấy điểm hấp dẫn mới của Việt Nam, theo đánh giá của các nhà đầu tư toàn cầu.

“Tôi được biết, đã có doanh nghiệp Việt Nam niêm yết thành công trên Sở Giao dịch chứng khoán Nasdaq. Điều này cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng trên toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam và khả năng đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của các sàn giao dịch chứng khoán”, ông Sam nhận định.

Tất nhiên, đây chỉ là những bước đầu tiên, nhưng nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam là rất đáng khích lệ. Đặc biệt, trong con mắt của nhà đầu tư lão luyện, sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam đang tạo nên sức hấp dẫn mới.

Tin bài liên quan