Phần lớn doanh nghiệp du lịch mất khả năng trả nợ các khoản vay đến hạn

0:00 / 0:00
0:00
Theo đánh giá của Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội, tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các lĩnh vực du lịch, báo chí rất nặng nề.
Nhiều doanh nghiệp gần như mất khả năng trả nợ đến hạn. (Ảnh minh hoạ của Duy Linh).

Nhiều doanh nghiệp gần như mất khả năng trả nợ đến hạn. (Ảnh minh hoạ của Duy Linh).

Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đều có khoản nợ với ngân hàng, không có doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay đã đến hạn trong giai đoạn hiện tại, theo Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội.

Ủy ban này vừa gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó có du lịch, thông tin, truyền thông.

Du lịch tơi tả

Báo cáo đánh giá, do tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch sụt giảm, tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch. Năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59%.

Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 136.300 tỷ đồng, giảm 34,2 % so với cùng kỳ năm 2020. Khách du lịch nội địa trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 31,2 triệu lượt khách (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 16,1 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Công suất phòng trung bình cả nước 8 tháng đầu năm 2021 đạt dưới 10%.

Tính đến tháng 8/2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, hiện chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc.

Theo Ủy ban Văn hoá, giáo dục, dịch bệnh kéo dài đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự. Phần lớn doanh nghiệp đều có khoản nợ với ngân hàng, không có doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay đã đến hạn trong giai đoạn hiện tại. Lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại.

Doanh nghiệp vận tải du lịch gần như dừng hoạt động vì không có khách. Cơ sở lưu trú du lịch thiệt hại rất lớn. Công suất phòng trung bình cả nước 6 tháng đầu năm 2021 dưới 10%. Nhiều cơ sở sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa.

Báo chí cũng chật vật

Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo cáo của cơ quan Quốc hội nhận xét, dù bị ảnh hưởng lớn, gặp nhiều khó khăn, các cơ quan báo chí đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình dịch bệnh đến đông đảo công chúng. Phóng viên, nhà báo sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để ghi nhận tình hình, công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, khu cách ly.

Dịch bệnh cũng đã làm cho số lượng độc giả, nhất là độc giả báo điện tử, báo hình tăng lên nhanh chóng do nhiều nơi bị phong tỏa, người dân hạn chế đi lại, không được tham gia vào các hoạt động ngoài trời.

Nội dung tin bài về các lĩnh vực của đời sống xã hội bị hạn chế do phần lớn các sự kiện, hoạt động kinh tế - xã hội tạm dừng. Sự cạnh tranh mạnh mẽ của truyền thông xã hội tạo áp lực, đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải tác nghiệp nhanh, kịp thời.

Báo cáo nêu rõ, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm mạnh so với trước, nhất là đối với khối báo in và báo điện tử. Theo thống kê chưa đầy đủ, nhiều cơ quan báo chí cho biết doanh thu năm 2020 giảm 70% so với năm 2019; riêng khối truyền hình, phát thanh, doanh thu đạt gần 9.500 tỷ đồng và chủ yếu nguồn thu đến từ các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (trên 5.700 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2019) .

Báo chí truyền thống, đặc biệt là báo in và các ấn phẩm in ấn khác đang đối mặt sự suy giảm doanh số phát hành đến từ hệ quả của các biện pháp phong tỏa, cách ly do đại dịch Covid-19 và doanh thu quảng cáo giảm do hoạt động của doanh nghiệp khó khăn. Trong khi đó, các tòa soạn vẫn phải trả lương, nhuận bút cho lực lượng nhân sự tác nghiệp liên tục mỗi ngày. Nhiều tờ báo phải cắt giảm hoặc tạm ngừng việc sản xuất báo giấy. Không chỉ báo in, các thể loại khác như báo hình, báo nói, báo điện tử cũng đều chịu chung tác động, Ủy ban Văn hoá, giáo dục đánh giá.

Tin bài liên quan