Ban soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm.

Ban soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm.

Phép thử

(ĐTCK) Ngay sau khi các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất công cụ rà soát và đánh giá chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, "phép thử" đã được thực nghiệm với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng. Điểm chấm cho dự thảo này từ phía doanh nghiệp khá thấp. Chiểu theo mức đề xuất điểm chấm của các chuyên gia CIEM, thì có lẽ văn bản này thuộc diện phải soạn thảo lại.

Cụ thể, dự thảo văn bản luật này bị cho là chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thông lệ quốc tế; chưa đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của các quy định; chưa đảm bảo hoạt động có hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng và quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như chưa đảm bảo tính hợp lý, khả thi và hiệu quả trong quá trình thực thi. Với đánh giá này, phía ban soạn thảo chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm.

Đáng nói nhất là hầu hết góp ý cho dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cho rằng, nhiều quy định của Dự thảo chưa đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, yếu tố gần như quyết định chất lượng của nội dung văn bản cũng như tính khả thi và hiệu quả của một văn bản quy phạm pháp luật. Một hệ luỵ dễ hình dung là những rối rắm trong thực hiện nếu như dự thảo này không được sửa chữa, thay đổi một cách cẩn trọng.

Trong bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, các chuyên gia VCCI đã chỉ ra nhiều thuật ngữ, trong đó có những thuật ngữ quan trọng, chưa được quy định hoặc định nghĩa rõ ràng, như thuật ngữ về các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng, nhận tiền gửi, cung ứng thanh toán, uỷ thác, uỷ thác vốn, uỷ thác đầu tư, chi phối… Trong khi đó, một số thuật ngữ hiện đang được sử dụng nhưng lại bị bỏ trống.

"Có thể đặt ra sự liên hệ rằng, khi nội dung đảo nợ không được đưa vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng thì hoạt động đảo nợ sẽ bị cấm trong dự thảo này hoặc là hoạt động có điều kiện. Câu hỏi tương tự với dịch vụ cầm đồ khi khái niệm giấy phép dịch vụ cầm đồ không được nhắc tới…", các chuyên gia VCCI đặt vấn đề trong văn bản góp ý.

Đặc biệt, các chuyên gia pháp luật của VCCI cho rằng, dự luật đã quy định rất nhiều hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hầu hết các quy định cần sự cụ thể, chi tiết này lại dừng lại ở các quy định định tính, không có định lượng, chưa thể hiện được thực chất của vấn đề. Điều này có nghĩa là các quy định trong dự thảo luật này chỉ mang tính nguyên tắc, hình thức, vì nếu cứ theo đó thì không thể hình dung điều kiện cấp phép là gì, bởi không có tiêu chí rõ ràng, không xác định được giá trị thực của giấy phép.

Cũng cần phải nói rằng, đây là một trong những điểm gây lo ngại nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này khi tới đây, theo lộ trình, cơ hội để tiếp cận và mở rộng các hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ khả thi hơn. Trong công cụ đánh giá nhanh mà các chuyên gia CIEM đề xuất, phần đánh giá về giấy phép kinh doanh được tách riêng thành một phụ lục với những thang điểm và tiêu chí riêng.

Ngay cả phạm vi được phép hoạt động của tổ chức tín dụng cũng bị nhận xét là chưa quy định rõ ràng, thiếu tính hợp lý, khả thi và hiệu quả về phạm vi được phép hoạt động của tổ chức tín dụng. Đơn cử, khoản 2, Điều 90 của Dự thảo quy định: "Tổ chức tín dụng không được phép tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng".

Hai hệ quả được nhận định là sẽ phát sinh. Thứ nhất, các hoạt động của tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động phải hoàn toàn đúng theo các nội dung hoạt động được ghi trong giấy phép. Đây là quy định khá chặt chẽ và cứng nhắc. Quy định quá cứng này sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc, nhất là sau khi Việt Nam hoàn toàn phát triển theo kinh tế thị trường. Các hoạt động của tổ chức tín dụng khá đa dạng và đáp ứng nhu cầu của thị trường, khó có thể ghi trong giấy phép đầy đủ, cụ thể, chi tiết các hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng phải xin sửa đổi, bổ sung giấy phép để giải quyết những việc sự vụ theo đòi hỏi kinh doanh hàng ngày của mình. Quy trình này sẽ gây khó khăn, lãng phí thời gian và tốn kém cho các tổ chức tín dụng. Và tất nhiên là khó tránh khỏi cơ chế "xin - cho" không cần thiết trên thực tế.

Theo các chuyên gia pháp luật của VCCI, cần đưa ra một giải pháp mới, không quy định tổ chức tín dụng được làm tất cả hay chỉ được làm những gì đã được ghi trong giấy phép, mà cần quy định theo hướng: tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động kinh doanh đã được pháp luật cho phép hoặc không cấm và phải được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp có quy định của pháp luật. Theo đó, nội dung giấy phép không nên đưa cụ thể tất cả các nội dung được phép hoạt động, mà chỉ nêu ra các đề mục lớn, ví dụ như: "hoạt động ngân hàng", "thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật". Còn hoạt động ngân hàng cụ thể như thế nào và được làm những gì, thì đã có quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, các nghị định, thông tư, cũng như các giấy phép "con".