Phiên sáng 4/12: Bluechip phục hồi, ổn định lại thị trường

Phiên sáng 4/12: Bluechip phục hồi, ổn định lại thị trường

(ĐTCK) Sự hồi phục của phần lớn các cổ phiếu bluechip đã tiếp sức giúp thị trường đảo chiều tăng điểm sau khi bị đẩy xuống mốc 950 điểm. Tuy nhiên, trong số các cổ phiếu lớn thì thì MSN của Masan tiếp tục có phiên giảm sâu thứ 2 sau thông tin sáp nhập VinEco và Vincommerce.

Thị trường đã khép lại tháng 11 khi để mất tới gần 3% dù những phiên đầu tháng tăng điểm khá mạnh giúp chỉ số VN-Index liên tục phá đỉnh của năm. Bước sang những phiên đầu tháng 12, trạng thái thị trường vẫn duy trì tiêu cực do áp lực bán diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, lần lượt đẩy VN-Index thủng các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn.

Trong phiên 3/12, sau phiên lao dốc mạnh ngày đầu tuần (2/12), thị trường đã le lói niềm vui khi hồi phục nhẹ vào buổi sáng nhưng cũng đã nhanh chóng chuyển sang gam màu xám trong phiên chiều. Áp lực bán xả mạnh ngay khi bước vào phiên chiều đã đẩy VN-Index về mốc 950 điểm trước gánh nặng chính đến từ cặp đôi MSN và VNM.

Theo nhận định của TVSI, mặc dù bên bán tiếp tục chiếm ưu thế trong phiên 3/12, nhưng thị trường cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của dòng tiền bắt đáy. Diễn biến hồi phục dự báo có thể xuất hiện trong một vài phiên tới khi chỉ số đã giảm về gần vùng hỗ trợ mạnh 940-950 điểm. Tuy nhiên thị trường sẽ khó bứt phá mạnh trong bối cảnh tâm lý thận trọng đang ở mức cao.

Bước sang phiên giao dịch 3/12, sau những phút ngập ngừng đầu phiên, lực bán tiếp tục chiếm ưu thế khiến thị trường quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, ngay khi VN-Index chạm mốc 950 điểm, lực cầu bắt đáy nhen nhóm nhập cuộc đã tiếp sức giúp chỉ số này bật ngược đi lên và hồi phục thành công sau hơn 30 phút giao dịch.

Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng cao độ khiến chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip có công lớn giúp thị trường khởi sắc khi hầu hết đã phục hồi. Sau hơn 1 giờ giao dịch, trong nhóm VN30 chỉ còn 6 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu và có tới 22 mã tăng, dù biên độ tăng khá hẹp.

Đáng chú ý, cổ phiếu MSN tiếp tục có phiên lao dốc thứ 2 sau thông tin Tập đoàn này sáp nhập VinEco và Vincommerce của Tập đoàn Vingroup. Hiện MSN đang giảm 5,6% xuống mức 60.600 đồng/CP. Trong khi đó, VIC hồi nhẹ khi +0,3% lên 115.300 đồng/CP.

Thị trường diễn biến lình xình và không có nhiều biến động trong nửa thời gian còn lại của phiên sáng. Mặc dù gần cuối phiên, áp lực bán gia tăng đã đẩy VN-Index lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu nhưng nhóm cổ phiếu bluechip đã làm tốt vai trò nâng đỡ giúp chỉ số này nhanh chóng hồi nhẹ. Tuy nhiên, điều đáng nói là thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 139 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 0,45 điểm (+0,05%), lên 953,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 97 triệu đơn vị, giá trị 2.028,72 tỷ đồng, giảm 13,75% về khối lượng và 18,73% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,1 triệu đơn vị, giá trị 452,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có 7 mã giảm, trong đó MSN đã thu hẹp biên độ giảm, nhưng vẫn là mã giảm sâu nhất khi để mất 4,4% xuống 61.400 đồng/CP; BVH -1,8% xuống 65.500 đồng/CP, VHM -1% xuống 90.900 đồng/CP, NVL -0,9% xuống 55.700 đồng/CP, GAS, SBT cũng giảm nhẹ.

Đáng chú ý, thông tin ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 21 triệu cổ phiếu cũng khiến ROS tiếp tục nới rộng biên độ giảm khi để mất 2,2% xuống mức thấp nhất ngày 23.950 đồng/CP, tuy vậy thanh khoản vẫn dẫn đầu với 14,36 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, phần lớn các mã còn lại đều giữ được sắc xanh, dù biên độ tăng khá hẹp chủ yếu dưới 1%, ngoại trừ một số mã thuộc dòng bank như HDB +3,5% lên 26.450 đồng/CP sau thông tin đăng ký mua lại hơn 49 triệu cổ phiếu quỹ, VPB +2,4% lên 19.150 đồng/CP, STB +1,3% lên 9.880 đồng/CP, ngoài ra VCB cũng giao dịch tích cực với +0,9% lên 82.700 đồng/CP, MBB, CTG, EIB cũng tăng nhẹ.

Ngoài ra, các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VIC, SAB hồi hồi nhẹ với mức tăng dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HAI vẫn là điểm sáng khi tiếp tục giữ sắc tím với mức +6,6% lên 2.890 đồng/Cp và khớp hơn 4 triệu đơn vị, dư mua trần 862.660 đơn vị.

Trong khi đó, TTB -6,9% xuống mức 5.900 đồng/CP và chỉ khớp 17.590 đơn vị, với lượng dư bán sàn gần 5 triệu đơn vị, xác lập phiên giảm sàn thứ 8 liên tiếp và đã để mất tới gần 74% sau hơn 1 tháng (kể từ ngày 21/10/2019).

Trên sàn HNX, sau gần 50 phút đầu phiên giằng co quanh mốc tham chiếu, chỉ số HNX-Index đã hồi phục và duy trì đà tăng đến hết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,41%), lên 101,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 12,37 triệu đơn vị, giá trị 104,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,33 triệu đơn vị, giá trị 69,49 tỷ đồng.

Trong bộ 3 cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu SHB đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp chỉ hơn 0,7 triệu đơn vị, thì cặp đôi còn lại đều hồi phục thành công với ACB+0,4% lên 22.700 đồng/CP, NVB +1,1% lên 9.100 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng khởi sắc đã hỗ trợ thị trường như PVS, VCS, TNG, L14…

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX là cặp đôi cổ phiếu vừa và nhỏ, cụ thể, KLF khớp hơn 3,4 triệu đơn vị và chốt phiên tại mốc tham chiếu 1.400 đồng/CP; còn ART +10% lên mức giá trần 2.200 đồng/CP và khớp 1,45 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, giao dịch diễn ra khá tích cực, thậm chí trong nửa đầu phiên chỉ số UPCoM-Index đã được kéo vượt mốc 56 điểm.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,39%), lên 55,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 5,13 triệu đơn vị, giá trị 88,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,73 triệu đơn vị, giá trị 32,9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn giao dịch khởi sắc như OIL +4,4% lên 9.500 đồng/CP, BSR +1,1% lên 9.100 đồng/CP, MCH +2,3% lên 81.100 đồng/CP, GVR +0,8% lên 12.500 đồng/CP…

Trong đó, cặp đôi OIL và BSR dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM và bỏ xa các mã còn lại, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,72 triệu đơn vị và 1,48 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan