Phục hồi kinh tế trông vào đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Gần một nửa trong 350.000 tỷ đồng của gói phục hồi kinh tế dành cho phát triển kết cấu hạ tầng. Chính vì thế, để kinh tế có thể phục hồi, phải trông chờ vào giải ngân đầu tư công.
Thi công đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thi công đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Rốt ráo chuẩn bị dự án lớn

Chiều ngày làm việc cuối cùng của tuần trước (ngày 4/3), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã liên tiếp chủ trì 2 cuộc làm việc về các dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) và tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Trước đó, buổi sáng, một cuộc họp tương tự cũng đã diễn ra, nhưng với Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột.

Đây đều là các dự án hạ tầng quan trọng, nhất là tuyến cao tốc đi qua 4 địa phương Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - một trong những dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.

Dự án này trước đây được xác định đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư 10.643 tỷ đồng, nhưng gần đây, 4 địa phương nêu trên đề nghị chuyển đổi sang hình thức đầu tư công. Dẫu vậy, các địa phương lại chưa xác định được tổng mức đầu tư, trách nhiệm bố trí vốn phần ngân sách địa phương... để đảm bảo tính khả thi của Dự án.

Với Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu cũng vậy, tỉnh Hòa Bình chưa có phương án bố trí ngân sách địa phương đối với số vốn còn thiếu trong dự kiến tổng mức đầu tư để đảm bảo hoàn thành kết nối toàn tuyến vào năm 2025 và giải ngân được hết số vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023.

Cuộc họp mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì là để làm rõ những vấn đề đó, để làm sao sớm có thể triển khai dự án, nhằm thúc đẩy nền kinh tế sớm hồi phục.

Không chỉ là các dự án trên, trong hơn nửa tháng trở lại đây, liên tiếp các cuộc họp như vậy được tổ chức. Trước khi được báo cáo lên Chính phủ cách đây ít hôm, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các địa phương để xem xét, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền các dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP.HCM…

Trên thực tế, gần một nửa trong số 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (khoảng 113.000 tỷ đồng) là dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Một danh mục dài các dự án đã được xây dựng trong Chương trình.

Tuy nhiên, xây dựng danh mục thôi chưa đủ, quan trọng là phải chuẩn bị dự án và sẵn sàng các điều kiện để có thể triển khai. Đó cũng chính là lý do mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, khó nhất nằm ở phần đầu tư công.

Không để lãng phí nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi

Xác định đầu tư công sẽ là khâu “xương” nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã liên tiếp có văn bản hối thúc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án dự kiến bố trí vốn từ Chương trình.

Việc báo cáo này được thực hiện theo 2 nhóm nhiệm vụ.

Thứ nhất, dự án đã có trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được bổ sung thêm vốn và có khả năng giải ngân ngay trong năm 2022, 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư.

Thứ hai, những dự án chưa có trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên bố trí vốn cho hỗ trợ giải phóng mặt bằng, dự án quan trọng cấp thiết, có tác động lan tỏa, phù hợp với quy hoạch, có khả năng hoàn thiện nhanh thủ tục đầu tư.

Như vậy, cái khó sẽ nằm ở nhóm nhiệm vụ thứ hai, đối với các dự án chưa có trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn.

Nhưng mục tiêu của chúng ta không phải chỉ là giải ngân, mà là xây dựng các Dự án trọng điểm. Bây giờ là lúc để chuẩn bị các Dự án đó, để làm sao 1 năm sau có thể triển khai, giải ngân được.

- Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo báo cáo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ, có 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình, với tổng vốn là 121.820 tỷ đồng cho 120 nhiệm vụ, dự án. Trong đó, dự kiến vốn bố trí năm 2022 là trên 16.828 đồng và năm 2023 là trên 104.991 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa có phương án phân bổ chi tiết là 14.180 tỷ đồng.

Trong khi đó, có 47 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn trên 22.435 tỷ đồng. Nếu tính cả số vốn dự kiến bố trí năm 2022 của các dự án thuộc Chương trình, thì con số là trên 39.264 tỷ đồng.

Tất nhiên, đó là kế hoạch. Bởi việc giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài ngân khoản của Chương trình, còn trên 526.000 tỷ đồng của chương trình đầu tư công năm 2022 cần được phân bổ và đưa vào giải ngân.

Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lên Chính phủ, trong 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 44.612 tỷ đồng, bằng 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

“Về cơ bản, tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm đã có dấu hiệu tích cực, khả quan, cho thấy các giải pháp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phù hợp, cần tiếp tục phát huy trong những tháng tới, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được Quốc hội quyết định”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn còn 18% vốn kế hoạch năm 2022 chưa được phân bổ. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/3022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ hết phần vốn còn lại và nhanh chóng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nếu đến hết quý I/2022, không phân bổ hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể xem xét điều chuyển.

Chậm ngày nào là mất cơ hội phục hồi ngày đó, do vậy, chuyện quan trọng là làm sao để sử dụng hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực.

Tin bài liên quan