Quản trị công ty, những câu hỏi từ thực tế - Trường hợp 5

(ĐTCK) Công ty A là một công ty cổ phần. Năm 2007, công ty A có góp vốn với một đối tác nước ngoài để thành lập liên doanh là công ty B, trong đó công ty A nắm 35% và đối tác nước ngoài nắm 65% (công ty liên doanh này sản xuất sản phẩm giống công ty A.) Năm 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trở nên nghiêm trọng, đối tác nước ngoài gặp khó khăn nên muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty B bằng cách đề xuất bán cổ phần.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trường hợp 5: Công bố thông tin về lợi ích của các bên liên quan với thành viên HĐQT 

Tuy nhiên, HĐQT công ty A từ chối tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty B do tình hình thị trường xấu. Do đó, số cổ phần đó đã được bán cho các tổ chức, cá nhân khác, trong đó em của chủ tịch HĐQT công ty A mua lại 40% cổ phần công ty B từ đối tác nước ngoài.

Năm 2010, công ty B tăng vốn thêm 50 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu với giá bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu. HĐQT công ty A không phê duyệt cho công ty A tham gia vào đợt phát hành này vì công ty lúc đó đang đầu tư vào dây chuyền sản xuất thứ hai và chi phí hoạt động của công ty B cao hơn công ty A. Chính vì vậy, sở hữu tại công ty B thay đổi như sau: công ty A sở hữu 23,33%, đối tác nước ngoài 29,49% và em của chủ tịch công ty A là 47,18%. Ngoài ra, công ty A ký kết một số hợp đồng thuê lại công ty B sản xuất và cung cấp hàng cho công ty A.

Cổ đông của công ty A cho rằng, việc đối tác nước ngoài thoái vốn và sự hiện diện của em ông chủ tịch công ty A trong cơ cấu sở hữu của công ty B đã gây ra xung đột lợi ích tại công ty B. Sở hữu của người em này tại công ty B là rất lớn trong năm 2009 và 2010, nhưng chủ tịch công ty A chưa từng báo cáo việc này tại ĐHCĐ vào các năm 2010 và 2011.

Theo Điều 118. 1b, Luật Doanh nghiệp 2005 về công khai các lợi ích liên quan, thành viên HĐQT phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty, bao gồm thông tin về doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, hoặc phần vốn góp trên 35% vốn điều lệ.

Theo Điều 118.3, Luật Doanh nghiệp 2005, việc kê khai phải được thông báo cho ĐHCĐ thường niên và được niêm yết, lưu giữ tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Cổ đông, đại diện theo ủy quyền của cổ đông, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc có quyền xem xét nội dung kê khai bất cứ lúc nào nếu xét thấy cần thiết.

Do đó, chủ tịch công ty A đã vi phạm luật khi không thông báo cho cổ đông công ty A về sở hữu của người thân tại công ty B trong giai đoạn 2009 - 2011. Ngoài ra, các giao dịch của công ty A và công ty B là giao dịch của bên liên quan, cần phải công bố thông tin rõ ràng, minh bạch.

Trường hợp 6: Nghi vấn trong quyết định của HĐQT

TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA,Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN

Quản trị công ty, những câu hỏi từ thực tế - Trường hợp 5 ảnh 1
Chủ tịch HĐQT công ty A cần công khai các lợi ích liên quan khi có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh với các bên liên quan. Trong các cuộc họp của HĐQT về các giao dịch với các bên liên quan (công ty B) thì chủ tịch HĐQT công ty A (trong trường hợp này là người có liên quan) không được tham gia biểu quyết (theo Thông tư 121/2012/TT-BTC - Điều 23, khoản 5).

Việc chủ tịch HĐQT công ty A không công bố các lợi ích liên quan với công ty B từ khi em trai mình mua cổ phần đạt tỷ lệ 40% là không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định về quản trị công ty đại chúng.

Các quyết định của HĐQT công ty A về các giao dịch với công ty B với sự tham gia biểu quyết thông qua của chủ tịch là người có liên quan trong các giao dịch này là các quyết định cần được xem xét phân tích, đánh giá về mức độ thiệt hại nếu có cho công ty và cổ đông. Trong trường hợp các quyết định này làm thiệt hại lợi ích công ty và cổ đông thì tối thiểu là cần phải truy cứu trách nhiệm theo các qui định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 11 Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt đối với các vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng như sau:

1. Cảnh cáo đối với hành vi không xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty theo quy định pháp luật.

2. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người được ủy quyền công bố thông tin của công ty đại chúng vi phạm quy định về việc cung cấp thông tin cho cổ đông và Ban kiểm soát.

3. Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cán bộ quản lý khác của công ty đại chúng không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty theo quy định của pháp luật; vi phạm quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến công ty.

4. Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về quyền của cổ đông, về bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, về triệu tập, tổ chức họp và thông qua quyết định của ĐHCĐ, HĐQT, Ban kiểm soát.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được cho công ty đại chúng do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

Tin bài liên quan