Quốc hội thảo luận Luật Đất đai, chuẩn bị bế mạc kỳ họp thứ tư

0:00 / 0:00
0:00
Trong hai ngày làm việc cuối cùng (14 và 15/11), Quốc hội sẽ bấm nút thông qua một số đạo luật và nhiều nội dung quan trọng khác.
Chiều 15/11, Quốc hội sẽ bế mạc kỳ họp thứ tư.

Chiều 15/11, Quốc hội sẽ bế mạc kỳ họp thứ tư.

Sau hơn ba tuần làm việc, Quốc hội khoá XV chuẩn bị bế mạc kỳ họp thứ tư.

Trong hai ngày làm việc cuối cùng (14 và 15/11) Quốc hội sẽ bấm nút thông qua các Luật: Thanh tra (sửa đổi), Dầu khí (sửa đổi), Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Các nội dung khác cũng được thông qua gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Phiên bế mạc chiều 15/11, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về kéo dài thời thời hạn thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14; quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và nội dung về bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam) là nội dung cuối cùng được thông qua.

Chỉ có 2 nội dung được thảo luận trong hai ngày làm việc cuối cùng này là dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cả hai phiên sáng và chiều ngày 14/11, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại hội trường.

Trước đó, ngày 3/11, khi thảo luận tại tổ cũng đã có 218 đại biểu với 228 lượt phát biểu thảo luận. Tổng hợp các ý kiến này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết có ý kiến đề nghị cần thể chế hóa rõ hơn nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW về bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ, đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh.

Một số ý kiến đề nghị cần thể chế rõ hơn về hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Đại biểu cũng băn khoăn về vấn đề quy hoạch, xử lý mối quan hệ, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch, quy định chuyển tiếp liên quan đến quy hoạch, sửa đổi Luật Quy hoạch năm 2017; về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thể hiện được tinh thần về áp dụng cơ chế tự thỏa thuận, về cho phép góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Có ý kiến đề nghị bổ sung danh mục rà soát từng lĩnh vực trong Luật để thấy được những nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được thể chế hóa; những tồn tại, vướng mắc đã được khắc phục; những vấn đề chưa được giải quyết; những quy định trong các luật khác có liên quan cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, một số nội dung của dự thảo Luật chưa bảo đảm được quyền lợi của người dân, có chi tiết còn chồng chéo với Hiến pháp năm 2013.

Ví dụ, tại khoản 5 Điều 74 dự thảo Luật quy định: “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”. Tuy nhiên, việc hạn chế quyền tiếp cận đất đai liên quan đến việc hạn chế quyền của công dân, theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động của quy định này, cân nhắc quy định các tiêu chí ngay trong dự thảo Luật, không nên giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu cũng cho rằng tính thống nhất, đồng bộ của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật hiện hành và việc khắc phục sự chồng chéo giữa các quy định về đất đai với các quy định khác của pháp luật là vấn đề lớn cần phải giải quyết. Sự chưa thống nhất, đồng bộ với các luật chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến quy định của Luật Đất đai gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện, là nguyên nhân gây ra tình trạng quản lý, sử dụng đất đai chưa phù hợp, bị lợi dụng để trục lợi, tham nhũng.

Do đó, việc sửa đổi Luật lần này phải đạt được mục tiêu là tháo gỡ các tồn tại, hạn chế trong quy định của pháp luật, nhất là các quy định gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Các vị đại biểu cũng góp ý vào rất nhiều nội dung cụ thể của dự thảo luật, đặc biệt là về tài chính đất đai, định giá đất.

Ngày 13/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình về dự án luật này.

Liên quan đến ý kiến nhiều đai biểu cho rằng, thành phần Hội đồng thẩm định giá đất phải có người dân vùng có đất bị thu hồi và không đưa lãnh đạo Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh vào Hội đồng; trách nhiệm, thành phần, tiêu chí của chuyên gia và các thành viên khác tham gia Hội đồng; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng thẩm định giá đất; cơ quan giải quyết khiếu nại về giá đất, Ban soạn thảo có hồi âm, nhưng khá chung chung.

Đó là, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất”. Do vậy, cơ quan soạn thảo xin được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều góp ý khác của đại biểu Ban soạn thảo cũng hồi âm chung chung là sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Dự thảo Luật Đất đai (sừa đổi ) sẽ tiếp tục được thảo luận ở kỳ họp thứ 5 và thứ 6 của Quốc hội trước khi thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Tin bài liên quan