Quỹ CGIF muốn giúp DN Việt Nam tìm vốn bằng trái phiếu

Quỹ CGIF muốn giúp DN Việt Nam tìm vốn bằng trái phiếu

(ĐTCK) Huy động vốn qua kênh trái phiếu đối với DN tại Việt Nam lâu nay gần như bế tắc. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ dần được khắc phục, thông qua cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng đầu tư ASEAN+3 (CGIF).

Tình trạng “4 không”

Với các ưu thế như thời gian vay dài hạn, lãi suất ổn định…, các DN ngày càng có nhu cầu tăng tỷ trọng vốn huy động qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, mong muốn của DN gặp nhiều cản trở, bởi cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu (TTTP) doanh nghiệp đang ở trạng thái “4 không”: không tổ chức định mức tín nhiệm; không đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ; không có thông tin tập trung về hệ thống NĐT và không có thông tin về giao dịch thứ cấp.

Quỹ CGIF muốn giúp DN Việt Nam tìm vốn bằng trái phiếu ảnh 1

TTTP không dành cho các DN nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả với những DN lớn thì việc triển khai các đợt phát hành cũng không hề đơn giản, nhiều DN rất cần vốn mà không thể huy động được qua kênh phát hành trái phiếu. Theo Bộ Tài chính, năm 2012, có 4 DN xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế, thì chỉ có 3 đơn vị là Tập đoàn Masan , Tập đoàn Vingroup và Vietinbank phát hành thành công. Riêng BIDV dự kiến phát hành 500 triệu USD, nhưng không thành công do bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước bất lợi…

 

Cơ chế bảo lãnh mới

Nếu con đường huy động vốn từ trái phiếu của các DN vẫn rất mờ mịt, thì vừa hé lộ một cách đi mới, tìm vốn thông qua Quỹ CGIF, một quỹ có quy mô vốn lên tới 700 triệu USD.

Tại hội thảo giới thiệu Quỹ CGIF do Bộ Tài chính phối hợp với Quỹ CGIF tổ chức, ông Kiyoshi Nishimura, Tổng giám đốc điều hành Quỹ CGIF đánh giá, cơ chế bảo lãnh phát hành trái phiếu DN tại Việt Nam thường dành ưu ái với khối DNNN. Tuy nhiên, điều này không tồn tại trong cơ chế bảo lãnh của Quỹ CGIF. Quỹ CGIF không phân biệt DNNN hay DN tư nhân, cũng như không dành sự ưu ái nào cho các DN hoạt động trong một số ngành nghề cụ thể. Điều này tạo sự bình đẳng cho các DN trong tiếp cận cơ hội nhận được bảo lãnh từ Quỹ CGIF.

Với DN, khi muốn nhận bảo lãnh từ Quỹ CGIF, các DN sẽ trải qua quy trình nộp hồ sơ với 3 bước. Bước 1 là đánh giá sơ bộ thông tin DN: truy cập website của Quỹ CGIF tại địa chỉ www.cgif-abmi.org, để nộp gói thông tin sơ bộ cho Quỹ CGIF. DN phải đợi 3 tuần để Ủy ban bảo lãnh và đầu tư của Quỹ CGIF rà soát hồ sơ, đồng thời thông báo kết quả có được thực hiện các bước tiếp theo hay không. Bước hai, DN chính thức nộp hồ sơ. Thời gian của bước này nhanh hay chậm tùy thuộc vào DN. Sang bước cuối cùng, trên cơ sở phê duyệt nguyên tắc bảo lãnh của Ủy ban bảo lãnh và đầu tư của Quỹ CGIF, Ban giám đốc Quỹ CGIF sẽ phê duyệt chính thức cấp bảo lãnh cho DN. Thời gian để hoàn tất bước thứ ba là khoảng 6 tuần, bởi Nhóm công tác của Quỹ CGIF sẽ phải trực tiếp đến làm việc với ban lãnh đạo DN, để nắm rõ các thông tin về: quản trị rủi ro, quản trị DN, tình hình vay vốn và hiệu quả sử dụng vốn…

“Với cơ chế bão lãnh hiện hành, thường các DN Việt Nam chịu khá nhiều thiệt thòi trong quá trình xếp hạng định mức tín nhiệm, bởi kết quả này thường khó cao hơn định mức tín nhiệm quốc gia. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong cơ chế bảo lãnh của Quỹ CGIF, là trên cơ sở trực tiếp tìm hiểu và nắm rõ thông tin về DN, Quỹ CGIF có thể đưa ra định mức tín nhiệm cho DN cao hơn định mức tín nhiệm quốc gia. Nhờ đó, chi phí phát hành trái phiếu của DN sẽ được tiết kiệm đáng kể…”, ông Kiyoshi Nishimura nói. Cũng theo ông này, Quỹ CGIF hoạt động dưới hình thức Quỹ tín thác do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý và duy trì mức hệ số tín nhiệm AA+ trên toàn cầu, do Standard& Poor xếp hạng. Với số vốn sở hữu 700 triệu USD do Chính phủ 10 nước thành viên ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp ban đầu, trong khuôn khổ của Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á, Quỹ CGIF đang sẵn sàng cấp bảo lãnh cho các DN Việt Nam khi có nhu cầu phát hành trái phiếu ra thị trường ASEAN +3.

Quỹ CGIF muốn giúp DN Việt Nam tìm vốn bằng trái phiếu ảnh 2

“Việt Nam sẽ sớm có công ty định mức tín nhiệm”

TS. Đỗ Việt Dũng, Phó trưởng phòng thị trường tài chính, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Dự thảo Quyết định phê duyệt Lộ trình phát triển TTTP đến năm 2020 đã được các bộ phận chuyên môn của Bộ Tài chính rà soát và đang chờ Bộ trưởng thẩm định lần cuối. Dự kiến, văn bản này sẽ được ban hành trong quý I/2013, trên cơ sở đó tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của TTTP nói chung, TTTP doanh nghiệp nói riêng.

Nằm trong nỗ lực hỗ trợ cho sự phát triển của TTTP doanh nghiệp, trong năm 2013, thông qua Sở GDCK Hà Nội, Bộ Tài chính sẽ đưa vào vận hành đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về hoạt động của công ty định mức tín nhiệm, để trình Chính phủ ban hành trong năm nay. Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam xây dựng Trung tâm thông tin trái phiếu DN, cũng như cẩm nang tư vấn phát hành trái phiếu DN…, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của TTTP doanh nghiệp trong những năm tới. Qua đó, giúp DN thuận lợi hơn khi muốn tìm kiếm nguồn vốn qua kênh trái phiếu.

 

Việt Nam là nước nhiều tiềm năng nhất trong nhóm ngoài ASIAN 5

Ông Boo Hock Khoo, Phó chủ tịch điều hành Quỹ CGIF

Ở ASIAN có nhóm ASIAN 5 gồm 5 quốc gia phát triển nhất và trong giai đoạn đầu chúng tôi lựa chọn khách hàng thì nhóm nước này sẽ có lợi thế hơn, vì năng lực bảo lãnh của CGIF thời điểm này là có hạn. Tuy nhiên, nếu tìm được khách hàng đủ điều kiện ở các nước còn lại, chúng tôi cũng sẵn sàng phục vụ. Trong khi đó, tôi nghĩ Việt Nam là trường hợp nhiều tiềm năng nhất trong nhóm các nước ngoài ASIAN 5.

Thị trường trái phiếu ở 5 nước ASIAN 5 tương đối hoàn chỉnh, tiếp theo đó là nhóm các nước có thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam và cuối cùng là nhóm chưa có tiềm năng phát triển TTTP như Lào, Campuchia. Chúng tôi cũng đã làm việc với các thị trường đang phát triển và tôi không nghĩ rằng, Việt Nam cách quá xa so với nhóm các thị trường phát triển trên.

Ở Việt Nam , có một số DN quy mô khá lớn, nhất là các DNNN. Chúng tôi chưa nghiên cứu cụ thể có bao nhiêu DN Việt Nam có khả năng nhận bảo lãnh từ CGIF, nhưng đã có sự thảo luận với một vài ngân hàng và thấy rằng, khả năng lựa chọn ra được khách hàng ở Việt Nam là không khó. Những DN này không nhất thiết là DNNN lớn, hay phải là DN đứng đầu ngành. Họ có thể là những DN tư nhân, DN không phải đầu ngành, miễn sao đó là DN tốt, được quản trị tốt.

DN Việt Nam bị hai rào cản lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn trái phiếu quốc tế bao gồm: thiếu cơ quan xếp hạng tín nhiệm cho DN, xếp hạng tín nhiệm quốc gia thấp. Vì Việt Nam đang được xếp hạng tín nhiệm loại B, nên các DN cũng khó có thể có xếp hạng vượt qua mức này. CGIF cố gắng giúp đỡ DN vượt qua điểm vướng mắc này, bởi bản thân công ty chúng tôi có nhóm xếp hạng riêng và DN có thể được xếp hạng cao hơn mức xếp hạng quốc gia nếu DN thực sự tốt. Chúng tôi hy vọng, sẽ sớm tìm ra được DN có hệ số tín nhiệm cao ở Việt Nam .

CGIF mới chỉ bắt đầu hoạt động chưa đầy 1 năm và hiện nay chúng tôi chưa hoàn tất bất cứ một giao dịch bảo lãnh nào, kể cả tại các nước khác. Chúng tôi hy vọng rằng, có thể thực hiện được giao dịch đầu tiên trong tương lai gần.