Quy mô xuất khẩu cao lên, tốc độ giảm thấp xuống

Quy mô xuất khẩu cao lên, tốc độ giảm thấp xuống

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu giảm sâu là yếu tố quan trọng làm cho tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm thấp. Vì vậy, kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ cao lên khi quy mô xuất khẩu cao lên, tốc độ giảm thấp xuống.

Tăng trưởng GDP thấp

Tăng trưởng GDP quý II/2023 tuy cao hơn quý I (4,14% so với 3,28%), nhưng tính chung 6 tháng (3,72%) là thấp khi so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ nhiều năm trước và với tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cả năm.

Tăng trưởng GDP thấp chủ yếu do tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (nhóm ngành kinh tế thực lớn nhất) tăng thấp (1,13%); riêng của ngành công nghiệp còn tăng thấp hơn (0,44%); đặc biệt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tiêu chí chủ yếu của nước công nghiệp) còn tăng thấp hơn nữa (0,37%).

Sản xuất (cung) tăng thấp do “cầu” ở trong nước và “cầu” ở nước ngoài thấp. “Cầu” ở trong nước bao gồm tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng. Tích lũy tài sản có một phần là để dành, một phần để đầu tư; trong đầu tư có một phần là đầu tư trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh, một phần không nhỏ đang bị “chôn” vào các kênh tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đang có tính thanh khoản rất thấp nếu không được tháo gỡ. “Cầu” ở trong nước còn thể hiện ở nhập khẩu giảm sâu (6 tháng giảm tới 18,4%).

“Cầu” ở nước ngoài thấp thể hiện chủ yếu ở kim ngạch xuất khẩu bị giảm (6 tháng giảm 12% - tốc độ giảm sâu nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước). “Cầu” ở nước ngoài giảm chủ yếu do lãi suất cơ bản của nhiều ngân hàng trung ương tăng lên, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng giảm. Như vậy, xuất khẩu giảm sâu là yếu tố quan trọng làm cho tăng trưởng bị thấp.

Quy mô xuất khẩu cao lên, tốc độ giảm thấp xuống

Diễn biến kim ngạch xuất khẩu từ tháng 4 đến nay có một số điểm đáng lưu ý. Tổng kim ngạch xuất khẩu cao lên từ tháng 4 đến nay, với mức tăng cũng cao lên (tháng 5 tăng 0,2 triệu USD so với tháng 4, tháng 6 tăng 1,4 triệu USD so với tháng 5; tháng 6 tăng 1,6 triệu so với tháng 4, nửa đầu tháng 7 tăng 1,1 triệu USD so với nửa đầu tháng 6).

Xu hướng cao lên diễn ra ở cả 2 khu vực (khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) ở hầu hết các mặt hàng, ở nhiều tỉnh/thành phố, ở nhiều thị trường. Xu hướng phục hồi dần sẽ tiếp diễn trong những tháng còn lại và tốc độ giảm cả năm được dự đoán chỉ còn khoảng 5,7%. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 dự báo đạt khoảng 350 tỷ USD, giảm 21 tỷ USD so với năm trước.

So với cùng kỳ năm trước, tốc độ giảm xuất khẩu thấp dần: 4 tháng giảm 13%, 5 tháng giảm 12,3%, 6 tháng giảm 12%, từ đầu năm đến giữa tháng 7 giảm còn 11,4%. Tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu thấp xuống sẽ góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng GDP cao lên trong các quý còn lại. Tuy nhiên, do tốc độ của kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm, nên tốc độ tăng GDP cả năm sẽ thấp hơn năm trước và không đạt mục tiêu đề ra.

Để đà giảm xuất khẩu tiếp tục thấp xuống

Để xuất khẩu trở thành động lực thực sự của tăng trưởng kinh tế, cần có nhiều giải pháp. Đối với xuất khẩu, cần ngăn chặn sự sụt giảm của xuất khẩu từ 2 chữ số xuống còn 1 chữ số, ít ra còn giảm 5,64% (tức xuất khẩu năm 2023 đạt 350 tỷ USD, giảm 21 tỷ USD), tốt hơn còn giảm 3,66% (tức xuất khẩu đạt 358 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD); tốt nhất giảm 2,17% (tức xuất khẩu đạt 363 tỷ USD, giảm 8 tỷ USD).

Ngăn chặn sự sụt giảm trên bằng cách ngăn chặn sự sụt giảm của 2 khu vực, của các mặt hàng, của các địa bàn có thế mạnh và có quy mô lớn, của các thị trường trọng điểm, các thị trường nằm trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký (gồm khoảng 60 thị trường), sớm ký FTA với các thị trường khác (như Nam Mỹ, châu Phi, Tây Á…).

Đối với nhập khẩu, cần ngăn chặn sự sụt giảm một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, như quặng và khoáng sản khác, than, dầu thô, xăng dầu, hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, gỗ và sản phẩm gỗ, bông, điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

Tin bài liên quan