Quyền giao dịch đã “thông”, nhưng chưa “thoáng”

(ĐTCK-online) Được mua bán cổ phiếu cùng phiên, được mở nhiều tài khoản, chuẩn hóa các hợp đồng ủy quyền theo luật định đó là các quyền và nghĩa vụ mới mà các NĐT được thực hiện từ 1/8/2011. Ý kiến từ các chủ thể hàng ngày giao dịch trên TTCK cho rằng, những quy định mới vẫn còn nhiều bó buộc, chưa đủ thoáng để thúc đẩy thanh khoản thị trường.

"Nên cho phép công ty quản lý quỹ được đặt mua, bán chứng khoán cùng thời điểm"

Phó tổng giám đốc một Công ty quản lý quỹ tại Hà Nội

Đối với công ty quản lý quỹ (CTQLQ), quy định mới cho phép họ được mở nhiều tài khoản, nhưng điều này không mang lại nhiều lợi ích, bởi tuy được mở nhiều tài khoản ở các CTCK khác nhau, nhưng không được đồng thời giao dịch mua bán ngược chiều nhau khi mà lệnh mua hoặc bán trước đó chưa được khớp hết.

Trong khi đó, với CTQLQ, do quản lý nhiều danh mục đầu tư khác nhau cho các NĐT ủy thác khác nhau, nên trong nhiều trường hợp, các NĐT ủy thác khác nhau có nhu cầu giao dịch không giống nhau, chẳng hạn như đặt lệnh mua, bán ngược chiều tại cùng một thời điểm, nên CTQLQ có mở vài tài khoản đi nữa, thì cũng không thể đặt lệnh mua, bán ngược chiều để đáp ứng yêu cầu của các NĐT ủy thác khác nhau. Điều cởi mở của quy định mới là cho phép CTQLQ được đặt lệnh mua, bán cùng phiên, nhưng phải thực hiện trên một tài khoản. Tuy nhiên, quy định mới lại ràng buộc ở chỗ, lệnh bán hoặc lệnh mua phải khớp hết, thì lúc đó mới được đặt lệnh ngược chiều. Dù CTQLQ có mở 2- 3 tài khoản ở các CTCK khác nhau, thì lệnh, mua bán cũng chỉ được thực hiện trên một tài khoản và phải đáp ứng yêu cầu lệnh mua hoặc bán trước đó đã được khớp hết.

Để khắc phục tình trạng này, UBCK nên mở tiếp một bước nữa là: đối với CTQLQ quản lý nhiều danh mục cho các NĐT ủy thác khác nhau, thì được đặt cùng bán cùng mua tại một thời điểm và không nhất thiết lệnh bán khớp rồi mới được đặt lệnh mua và ngược lại trên cùng một tài khoản.

 

"Thông tư 74 vẫn chưa thúc đẩy thanh khoản"

Nhà đầu tư Lê Đại Nghĩa

Tại Thông thư 74, vấn đề giao dịch cùng phiên được giới hạn bằng việc NĐT phải kết thúc lệnh đặt trước đó rồi mới được thực hiện lệnh ngược lại, điều này dẫn tới việc giao dịch trong phiên gặp khó khăn, chưa giải quyết được mong muốn và nhu cầu giao dịch bình thường khi NĐT vừa muốn đặt bán đầu phiên (dự đoán tăng), vừa muốn đặt luôn một lệnh mua vào ở mức giá thấp hơn (dự kiến cuối phiên giảm).

Thông tư 74 còn quy định, NĐT không được thực hiện lệnh mua, bán trên nhiều tài khoản tại nhiều CTCK với cùng loại chứng khoán. Đây là điểm hạn chế trong việc hình thành các chiến lược trading của NĐT.

Từ luận giải trên, có thể thấy, Thông tư 74 chỉ đơn giản là sự thừa nhận việc một NĐT mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK trong quá khứ và không có tác động thúc đẩy rõ nét tính thanh khoản của thị trường.

Liên quan đến việc sử dụng margin, điểm mấu chốt ở đây là phương pháp xác định danh sách cổ phiếu và phương pháp xác định tỷ lệ margin. Nếu UBCK không có được phương pháp hợp lý sẽ dẫn tới những bất cập trong việc đưa các cổ phiếu vào danh sách được sử dụng margin và tương ứng tỷ lệ kỹ quỹ, nhất là khi TTCK phát triển theo chu kỳ và kết quả kinh doanh của các công ty cũng có tính chu kỳ.

"Rắc rối chủ yếu ở việc chuẩn hóa các uỷ quyền giao dịch cũ"

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc CTCK Kim Eng

UBCK ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư 74/2011 là đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, theo ý kiến chung, quy định về uỷ quyền giao dịch (UQGD) sẽ khiến NĐT và CTCK gặp không ít khó khăn, mặc dù họ nhận thức được bản chất của quy định này là tạo căn cứ pháp lý và hạn chế tình trạng tranh chấp. Tuy nhiên, thủ tục liên quan đến UQGD khá phức tạp do người uỷ quyền phải được sự đồng ý của những người liên quan như: cha mẹ, vợ chồng, con…, thì mức phí công chứng khoảng hơn 500.000 đồng/hợp đồng là khá đắt với NĐT.

Cùng với quy định NĐT phải thực hiện thủ tục UQGD qua phòng công chứng hoặc được chính quyền địa phương xác nhận, thì Công văn của UBCK cũng hướng dẫn việc NĐT được mở nhiều tài khoản. Thực tế, hoạt động UQGD trước đây xuất hiện nhiều là do NĐT không được mở nhiều tài khoản, nên họ lách luật bằng cách mượn tên của bạn bè, người thân mở nhiều tài khoản để tiện giao dịch. Với quy định mới, nhu cầu UQGD của NĐT sẽ giảm đáng kể. Trường hợp NĐT thực sự có nhu cầu UQGD, thì không có sự lựa chọn nào khác là phải đi làm thủ tục uỷ quyền. Như vậy, về cơ bản những khó khăn của câu chuyện UQGD chủ yếu phát sinh với những uỷ quyền mà CTCK và NĐT đã thực hiện trong quá khứ, nhất là các CTCK phát triển những sản phẩm phức tạp như nhóm tài khoản NĐT, thì sẽ gặp không ít khó khăn trong chấp hành quy định mới.