Dư địa để các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm còn tương đối nhiều

Dư địa để các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm còn tương đối nhiều

Room tín dụng không còn “chật hẹp”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khác với mọi năm khi tín dụng thường tăng mạnh trong những tháng đầu năm khiến room tín dụng nhiều ngân hàng sớm cạn, thì năm nay lại khá dôi dư do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy yếu.

Nhu cầu vốn giảm, tín dụng tăng thấp

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng tính đến cuối tháng 5/2023 tăng 2,5% so với đầu năm và dự kiến đến cuối tháng 6/2023 có thể tăng lên 5-5,5%.

“Trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ACB ở mức thấp, dư nợ tín dụng cả quý I/2023 giảm 0,6%. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 trở lại đây, tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng đã cải thiện rất nhanh. Đến cuối tháng 5, từ mốc thấp nhất của đầu năm đã tăng lên 5,5%. Trong thời gian tới, mỗi tháng có thể tăng 2-3% là chuyện trong tầm tay”, ông Phát nói và cho biết, room tín dụng ACB nhận được từ Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu năm ở mức 9,7%.

Không chỉ ACB, nhiều ngân hàng khác cũng có mức tín dụng tăng trưởng âm trong quý đầu năm nay như VietBank giảm 3,3%; VIB giảm 1,2%; Eximbank giảm 0,33%... Tại Vietbank, tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của ngân hàng này giảm 4% so với đầu năm xuống 106.932 tỷ đồng; cho vay khách hàng giảm 3% xuống 61.516 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng cũng giảm 3% xuống 74.006 tỷ đồng.

Cùng thời điểm tại ABBank, tổng tài sản tăng 3% so với đầu năm, lên gần 134.283 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 47% (xuống 1.422 tỷ đồng), tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 38% (lên 28.025 tỷ đồng), trong khi cho vay tín dụng giảm 3% xuống 79.453 tỷ đồng.

Bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm, cũng có ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này bật mạnh trong quý I/2023. Đơn cử, tại MSB, tính tới ngày 31/3/2023, tín dụng tăng tới 13,17%. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, chỉ trong quý đầu tiên của năm, Ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cả năm 2023. Theo ông Linh, từ nay tới cuối năm, MSB sẽ phải thực hiện tái cơ cấu các khoản vay, tăng nguồn thu từ phí, đồng thời tiếp tục xin Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng room tín dụng.

Ngoài MSB, một số ngân hàng khác có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gấp 3-4 lần mức tăng trưởng bình quân của toàn hệ thống có thể kể đến là Techcombank (tăng 9,3%), VPBank (tăng 7%), TPBank (tăng 7,3%), SHB (tăng 6%)…

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 5/2023 là 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,12% của cùng kỳ năm trước và chỉ cao hơn chưa tới 1% so với tăng trưởng huy động vốn. Trong đó, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức phân bổ đầu năm 2023 đối với các ngân hàng thương mại nhà nước và 50% đối với các ngân hàng thương mại cổ phần.

Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% và năm 2023 chỉ nhích nhẹ lên hơn 14% đến 15%, việc tín dụng tăng thấp một mặt thể hiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong 5 tháng qua yếu hơn đáng kể so với cùng kỳ, nhưng mặt khác cũng cho thấy dư địa để các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023 còn tương đối nhiều.

Trước đó, báo cáo ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán VNDirect liệt kê một loạt ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng lần đầu năm 2023 gồm HDBank (11%), ACB (9,8%), Vietcombank (9,6%), Techcombank và VIB (9,5%), TPBank (9,1%), VPBank và MBBank (9%), BIDV (8,3%) và LPBank (8%). Đáng chú ý, MSB nổi lên như là ngân hàng được cấp room tín dụng cao nhất ở lần xét đầu tiên này, ở mức 13,5%.

Lãi suất giảm sẽ kích tăng tín dụng

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy yếu là do đầu ra tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm. Để kích cầu tín dụng, việc giảm lãi suất được ngành ngân hàng nỗ lực thực hiện trong thời gian qua cũng như sắp tới.

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong động thái mới nhất, ngày 16/6/2023, Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục giảm lãi suất điều hành, cũng là lần giảm thứ 4 từ đầu năm tới nay (có hiệu lực từ ngày 19/6/2023). Theo đó, mặt bằng lãi vay được kéo giảm, số liệu gần đây cho thấy, lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện ở quanh mức 9,07%/năm - giảm 0,9%/năm so với cuối năm trước.

Ông Từ Tiến Phát cho biết, thời gian gần đây, ACB tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay ra. ACB không có giới hạn cho đối tượng vay, áp dụng cho cả khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng và cho vay sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, ACB có 3 mức giảm lãi vay gồm: Giảm 0,5%/năm cho khách hàng đại trà, giảm 1%/năm cho khách hàng có giao dịch chính và giảm 2%/năm cho khách hàng có giao dịch duy nhất tại Ngân hàng. ACB tự động đưa ra danh sách và khách hàng tự động được áp dụng các mức giảm lãi suất này.

“Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh triển khai theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, ACB là một trong những ngân hàng tư nhân có dư nợ hỗ trợ cao nhất (gần 700 tỷ đồng), tương đương 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối”, ông Phát thông tin thêm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, khó khăn của nền kinh tế nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành ngân hàng, khi mà tài sản để đảm bảo khoản vay tại ngân hàng chủ yếu là bất động sản. Do đó, khi thị trường bất động sản chững lại, tốc độ xử lý nợ quá hạn của ngân hàng cũng khó có thể đẩy nhanh.

“Trong những tháng đầu năm 2023, chúng ta chứng kiến khó khăn xảy ra không chỉ với thị trường bất động sản, mà còn ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác. Các ngành nghề đó cũng được ngân hàng phục vụ nhu cầu vốn, nên dễ hiểu khi khách hàng gặp khó thì ngân hàng cũng khó khăn theo. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy những chuyển biến tích cực sau quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương”, ông Tùng nói và cho biết thêm, ngành ngân hàng cũng đã chủ động kết nối với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó cho thấy sự nỗ lực, đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các thành viên thị trường có cái nhìn tích cực trong thời gian tới một phần do đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang chậm lại. Tại Việt Nam, động thái liên tục giảm lãi suất điều hành từ đầu năm tới nay của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay. Trên thực tế, việc chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay “dễ thở” hơn, từ đó doanh nghiệp giảm được chi phí vay vốn và giảm áp lực trả nợ vay.

Thực tế cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất đang giảm dần khi các nhà băng từng bước cắt giảm lãi suất đầu vào để giảm thêm lãi suất cho vay ra, với kỳ vọng kích cầu tín dụng trong nửa cuối năm. BIDV cho biết, tiếp tục giảm lãi suất cho vay dư nợ trung dài hạn thêm 0,5%/năm. Vietcombank cũng từng bước cắt giảm lãi vay và theo lãnh đạo nhà băng này, sau 2 lần cắt giảm lãi vay gần đây, Ngân hàng đã “hy sinh” hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, tăng trưởng huy động vốn và tốc độ cung tiền năm nay khả quan hơn năm trước, tăng khoảng 10%; thị trường chứng khoán cũng phục hồi trở lại với mức tăng khoảng 15%. Riêng về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng 14-15% trong năm 2023, nhưng tăng trưởng thực tế khả năng sẽ thấp hơn.

Tin bài liên quan