Những ngân hàng có “sức khỏe” tốt sẽ được cấp tín dụng cao.

Những ngân hàng có “sức khỏe” tốt sẽ được cấp tín dụng cao.

Room tín dụng vẫn cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu chuyện có lẽ chưa khi nào “nguội” trong hệ thống ngân hàng hơn 10 năm qua, thậm chí còn được đại biểu Quốc hội nêu trong kỳ họp để thảo luận, đó là việc cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho các tổ chức tín dụng liệu có còn phù hợp? Diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy, mọi vấn đề đều có hai mặt, nhưng quả là không dễ dàng để chấp nhận cả hai.

Giải pháp tình thế cấp thiết

Những ngày đầu năm 2023, thị trường râm ran tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng 1/2023 với mức 10 - 12% tùy "sức khỏe" từng ngân hàng. Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các tổ chức tín dụng sớm có cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh trước khi trình đại hội cổ đông thông qua.

“Việc Ngân hàng Nhà nước sớm công bố room tín dụng và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN (quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng) là tiền đề quan trọng để các ngân hàng cân đối vốn, từ đó chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023”, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank nói.

Khi đó, Báo Đầu tư Chứng khoán đặt câu hỏi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về việc room tín dụng đã được phân hay chưa? Tỷ lệ đối với từng ngân hàng như thế nào? Câu trả lời nhận về là chưa có quyết định chính thức và đây là thông tin nội bộ chỉ chuyển đến từng ngân hàng có liên quan.

Cho đến tháng 3/2023, một báo cáo ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán VNDirect liệt kê một loạt ngân hàng thương mại vừa được cơ quan quản lý cấp room tín dụng lần đầu năm 2023. Tỷ lệ được cấp cao nhất là MSB với gần 14%, do hệ số LDR (tỷ lệ cho vay trên huy động vốn) thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cao cho các ngân hàng có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào như Vietcombank, ACB, HDBank…

Room tín dụng ngay lập tức được các ngân hàng sử dụng gần hết. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra vào trung tuần tháng 4/2023, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Ngân hàng đã “kịch trần” tín dụng ngay trong quý I/2023. Ông Linh lý giải, cuối năm 2022, áp lực tăng trưởng tín dụng đã sẵn có, nên khi được cấp room thì cần phải giải ngân ngay.

“Room tín dụng của MSB hiện tăng trưởng 13,7%, gần chạm hạn mức được giao. Trong thời gian tới, MSB sẽ tái cơ cấu danh mục, thu hồi các khoản nợ đến hạn để có thể tối đa hóa biên lãi ròng (NIM), đồng thời sẽ xin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng”, ông Linh nói.

Tình trạng này cũng diễn ra tại không ít ngân hàng thương mại khác và Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã phải lên tiếng tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào đầu tháng 5/2023 rằng, “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm”.

Áp lực lại đè lên cơ quan quản lý khi đối diện với các kiến nghị nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện để vay vốn.

Trong cuộc trao đổi với Đặc san Ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu quan điểm, việc đưa ra hạn mức tín dụng hàng năm là một biện pháp hành chính, tuy không hoàn toàn như mong muốn của các tổ chức tín dụng nhưng là cần thiết nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, vừa đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát rủi ro, kiểm soát nợ xấu và lạm phát, giữ ổn định vĩ mô.

TS. Nguyễn Minh Cường, nguyên chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 cho thấy, những ngân hàng trung ương nào sử dụng nhiều biện pháp sẽ hạn chế được các tác động tiêu cực nhiều hơn. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng 3 biện pháp là chính sách về lãi suất, tỷ giá và trần tín dụng.

“Cả 3 giải pháp trong dài hạn cần được điều hành theo cơ chế thị trường để giảm áp lực lên Ngân hàng Nhà nước và đây cũng là bài toán đặt ra cho các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, để ngân hàng điều hành theo cơ chế thị trường là việc lâu dài, còn trước mắt vẫn phải áp dụng các biện pháp hành chính”, ông Cường nói.

Thúc đẩy kinh tế không nên dựa quá nhiều vào tín dụng

TS. Nguyễn Minh Cường đặt vấn đề, ngân hàng trung ương hiện nay bên cạnh việc chống lạm phát và ổn định hệ thống còn là vấn đề tăng trưởng kinh tế, nhưng ngân hàng trung ương làm thế nào để đảm bảo tín dụng chảy vào lĩnh vực tăng năng suất lao động và tăng trưởng bền vững? Đây có phải là vai trò của ngân hàng trung ương và cơ quan này liệu có “đủ sức” để làm hay không?

“Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng nên cần chính sách tài khoá hỗ trợ kịp thời, 'chia lửa' với chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính và ngay cả Chính phủ cũng nên tham gia điều phối linh hoạt hơn”, ông Cường nêu quan điểm.

Quay trở lại câu chuyện yêu cầu nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm.

Hướng dòng tiền vào sản xuất được coi là ưu tiên chính sách.

Hướng dòng tiền vào sản xuất được coi là ưu tiên chính sách.

Thống đốc nhấn mạnh, đối với việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kỳ hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

“Với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp (đây là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để phát triển lành mạnh, bền vững)”, Thống đốc nói.

Thống đốc cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam, khi một số ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Theo đánh giá của một số nhà phân tích, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và First Republic Bank - 2 ngân hàng Mỹ có quy mô tổng tài sản trên 200 tỷ USD - không phải do thua lỗ. Hai ngân hàng này đã có lãi ít nhất trong 53 quý liên tục kể từ năm 2010 đến nay, với nợ xấu thấp (dưới 0,2%), giá trị trích lập dự phòng rủi ro gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu.

“Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chính là các ngân hàng này đầu tư vào các tài sản kỳ hạn dài, dễ mất giá trong môi trường lãi suất tăng. Bởi vậy, đối với trường hợp của Việt Nam, không nên dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là tín dụng dài hạn. Thay vào đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần đẩy mạnh đầu tư công và các nguồn vốn khác, đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tin bài liên quan