DN dệt may đang tích cực đầu tư mở rộng sản xuất để đón đầu cơ hội từ TPP và các FTA

DN dệt may đang tích cực đầu tư mở rộng sản xuất để đón đầu cơ hội từ TPP và các FTA

Sẵn sàng cho cuộc chơi lớn

(ĐTCK) Nằm trong xu thế chung của làn sóng hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh việc đàm phán và đi đến ký kết một loạt hiệp định thương mại song phương và hiệp định thương mại thế hệ mới.

Cùng với những kỳ vọng lớn về lợi ích kinh tế xã hội mà các hiệp định này mang lại thì nhiều thách thức cũng được đặt ra, đòi hỏi nền kinh tế nói chung cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói riêng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi lớn chưa từng có này.

Lợi ích song hành thách thức

Các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, lợi ích kỳ vọng từ các FTA Việt Nam đang và sẽ tham gia cũng song hành với rất nhiều thách thức lớn, thậm chí là những thách thức lớn chưa từng có đặt ra từ các FTA thế hệ mới.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, trước hết đó là cơ hội và thách thức từ cắt giảm thuế quan. Từ góc độ xuất khẩu, các FTA mang lại những lợi thế hơn hẳn về thuế quan ưu đãi do mục tiêu của các FTA là xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU, do đó sẽ giúp tăng sức cạnh tranh về giá của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước đối tác TPP. Tuy vậy, ưu đãi thuế quan chỉ dành cho các sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ nội khối phù hợp.

Trong điều kiện công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, nhiều ngành xuất khẩu tiềm năng vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu thì yêu cầu này là một đòi hỏi rất khó đối với DN nội…

Thứ hai, việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA tăng mạnh sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn với hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Từ đó, thách thức đối với DN Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước TPP trên chính thị trường nội địa. Đó là chưa kể, sản xuất trong nước cũng phải chịu sức ép khác từ các cơ chế pháp luật - chính sách mới đối với sản xuất từ các FTA sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam. 

Doanh nghiệp lạc quan chủ động đón đầu cơ hội

Theo một cuộc điều tra gần 10.000 doanh nghiệp của VCCI về TPP thực hiện năm 2014, có tới 66% doanh nghiệp Việt Nam tin vào những lợi ích mà hiệp định này đem lại, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp FDI chỉ chưa tới 30%. Điều này cho thấy, dù sự lạc quan của các doanh nghiệp Việt Nam phần nhiều mang tính suy đoán, song thực tế các doanh nghiệp đều cảm nhận được đây là những cơ hội lớn giúp họ được “chơi” thực sự với những “người khổng lồ”, để từ đó vươn lên tầm cao mới.

Đi tiên phong trong xu thế chủ động này chính là các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung, các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng, khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc tương tự trường hợp của Bangladesh tăng trưởng mạnh vào EU kể từ khi hưởng ưu đãi về thuế GSP.

Với lực lượng đông đảo doanh nghiệp FDI Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam kể từ khi ký Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc và hiện nay vừa kết thúc đàm phán FTA song phương, thì các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này, và tới đây là kỳ vọng lớn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước đối tác TPP khi hiệp định này được hoàn thành ký kết.

Đặt mục tiêu cán mốc 550 triệu USD giá trị xuất khẩu trong năm 2015, trong đó, xuất sang EU chiếm 45%, Tổng CTCP May Nhà Bè mới đây đã đầu tư trên 300 tỷ đồng khởi công xây dựng Nhà máy may Nhà Bè - Hậu Giang, công suất 30 triệu sản phẩm/năm.

Ông Phạm Phú Cường, Chủ tịch HĐQT May Nhà Bè cho biết, EU là thị trường lớn nhất của Công ty, sau đó mới đến Mỹ và các dự án đầu tư tăng năng lực sản xuất là để phục vụ thị trường quan trọng này. Giai đoạn 1 của dự án sẽ được hoàn thành và đi vào sản xuất trong tháng 9/2015, với doanh thu 15 triệu USD. Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong năm 2016, nâng tổng doanh thu lên 30 triệu USD, tạo việc làm cho 4.000 lao động.

Đối với lĩnh vực da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam có hiệu lực, thuế suất đối với giày dép Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU. Trước thời cơ này, ngay từ đầu năm 2015, CTCP Giày Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã đầu tư nhà máy thứ ba để nâng công suất lên thành 2,7 triệu đôi giày/năm.

Giám đốc điều hành CTCP Giày Vĩnh Yên, ông Lê Thanh Thủy cho biết, thuế giảm mạnh là động lực lớn để doanh nghiệp đầu tư tăng năng lực sản xuất, đón bắt cơ hội thị trường và Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam  được ký kết cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu.

Một doanh nghiệp xuất khẩu lớn khác, có doanh thu xuất khẩu hơn 100 triệu USD/năm là Đông Hưng Group (đóng tại Bình Dương) cho biết đã tái ký hợp đồng sản xuất cho Puma sau 2 năm gián đoạn. Sở hữu 22 dây chuyền sản xuất, hơn 10.000 lao động tại các nhà máy, việc mở rộng thêm các công ty thành viên và xí nghiệp sản xuất của Đông Hưng Group đã giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thị trường để tiếp nhận đơn hàng từ các hãng giày lớn và triển vọng xuất khẩu những năm tới của doanh nghiệp này khá sáng sủa. 

Cần thông tin để DN chủ động hội nhập

Trước những thời cơ và thách thức rất lớn đang đặt ra từ việc ký kết thực hiện các FTA đã cận kề, vấn đề cấp thiết và quan trọng hàng đầu hiện nay là cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cụ thể về các cam kết hội nhập, tác động của các hiệp định cũng như những cơ hội và thách thức để doanh nghiệp có chiến lược phát triển, chủ động đón đầu và khai thác tốt cơ hội, đồng thời có đủ bản lĩnh và năng lực để có thể cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ tầm cỡ quốc tế.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đến thời điểm này, nhìn chung các doanh nghiệp vẫn rất thiếu thông tin về tiến trình hội nhập cũng như chưa thực sự chủ động quan tâm đến những thông tin này.

“Điều quan trọng là Chính phủ cần tăng cường chia sẻ thông tin về các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như nội dung của từng FTA. Quan trọng hơn, chia sẻ thông tin cần mang tính thực chất, tránh hình thức. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong quá trình chia sẻ thông tin và tham vấn về các chính sách chung cũng như các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại song phương. Các quan điểm của doanh nghiệp cũng là thông tin đầu vào cho Chính phủ và các nhà đàm phán khi đàm phán các điều ước hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Dương khuyến nghị.                 

Tin bài liên quan