Lindsay Owen-Jones chính là người đã biến L'Oréal thành một đế chế sắc đẹp

Lindsay Owen-Jones chính là người đã biến L'Oréal thành một đế chế sắc đẹp

Sếp L'Oréal về vườn sau… 4 thập kỷ tại vị

(ĐTCK-online) Chủ tịch tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp L'Oréal sẽ "thoái vị" trong tuần này, chấm dứt 42 năm gắn bó cùng Công ty ở vị trí lãnh đạo cao cấp.

Danh tiếng của Lindsay Owen-Jones, hay còn gọi với tên ngắn gọn là OJ. gắn liền với việc đưa công ty 102 năm tuổi từ một DN chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc tại Paris trở thành hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới,  giá trị thị trường vào khoảng 51 tỷ Euro (69 tỷ USD), với 23 nhãn hiệu toàn cầu, trong đó có Maybelline, the Body Shop và Lancôme và hơn 64.000 nhân viên.

Theo thông tin từ Công ty, OJ sẽ về hưu nhân sinh nhật lần thứ 65 của mình, kết thúc 23 năm làm Chủ tịch và gần 2 thập kỷ làm Giám đốc điều hành L'Oréal.

"Lindsay Owen-Jones chính là người đã biến L'Oréal thành một đế chế sắc đẹp", Hermine de Brem, một nhà phân tích tại Raymond James ở Paris đánh giá.

Sau khi thoái lui khỏi các vị trí điều hành Công ty, Owen-Jones sẽ làm Chủ tịch danh dự và điều hành Quỹ L'Oréal Foundation, quản lý tài sản gia đình của Liliane Bettencourt, 88 tuổi, người phụ nữ giàu nhất nước Pháp và là cổ đông lớn nhất của Công ty với 30,9% cổ phần.

"Ai cũng biết vai trò rất quan trọng của OJ. Ông ấy là một kiến trúc sư lớn, là người tạo dựng danh tiếng quốc tế của L'Oréal", Giám đốc điều hành đương nhiệm của Công ty, người kế nhiệm OJ từ năm 2006 là Jean-Paul Agon phát biểu tại buổi báo cáo kết quả kinh doanh năm 2010 hôm thứ Sáu tuần trước.

Theo một nguồn tin thân cận, Owen-Jones có ý định về hưu từ năm ngoái, song trước tình trạng Công ty phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc khẩu chiến của các thành viên gia đình nhà Bettencourt trên báo, ban quản trị Công ty đã nhất loạt yêu cầu ông ở lại thêm một thời gian.

Owen-Jones gia nhập L'Oréal năm 1969 với chức vụ quản lý sản phẩm, hoạt động tại Italia và Hoa Kỳ trước khi trở thành Giám đốc điều hành Công ty năm 1988 ở tuổi 42. Một trong những thương vụ lớn nhất của ông là mua lại Hãng Maybeline vào năm 1996, mở ra cánh cửa vào thị trường Hoa Kỳ.

Ông cũng là người dẫn dắt Công ty tạo bước đột phá khi tấn công các thị trường non trẻ tại Mỹ Latin và tiếp đó là canh bạc - mà về sau đã giúp L'Oréal thắng đậm - vào các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan và hơn hết là Trung Quốc, nơi Công ty có thêm hàng chục triệu khách hàng mới mỗi năm.

Đến nay, chiến lược này vẫn đang sinh lời.

Theo báo cáo của L'Oréal hôm thứ Năm tuần trước, thu nhập ròng của Công ty trong năm 2010 là 2,2 tỷ Euro, tương đương 3 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2009; doanh thu 19,5 tỷ Euro, tăng 5,6% so với năm 2009. Nếu so sánh và dùng tỷ giá hối đoái của đồng Franc Pháp thời điểm hiện nay thì doanh thu của Công ty năm 1998 khi Owen-Jones trở thành Giám đốc điều hành đạt khoảng 4,1 tỷ USD, với lợi nhuận 218 triệu USD. Giá cổ phiếu của Công ty đã tăng 13 lần từ năm 1998 đến năm 2006 dưới nhiệm kỳ Giám đốc điều hành của OJ.

Tuy nhiên, Owen-Jones cũng có những thời điểm gây tranh cãi, đáng chú ý nhất là khi ông bị cuốn vào cuộc tranh đấu công khai giữa bà Bettencourt và con gái mình Françoise Bettencourt-Meyers, khởi nguồn từ việc người con gái lên án một nhiếp ảnh gia đã lợi dụng bà Bettencourt để vòi tiền. Trong khi cuộc tranh cãi đang được hòa giải thì lại xảy ra thông tin L'Oréal, dưới sự chỉ đạo của Owen-Jones, đã trả cho nhiếp ảnh gia nọ hàng trăm ngàn Euro để làm việc cho Công ty. Owen-Jones cũng nhận một món quà trị giá tới 100 triệu Euro từ bà Bettencourt.

Theo báo chí Pháp, "người khổng lồ" ngành thực phẩm Thụy Sỹ là Nestlé, công ty nắm 29,7% cổ phần L'Oréal, đã chỉ trích gay gắt sự thu xếp nói trên trong cuộc họp HĐQT hôm 25/8 năm ngoái.

Liên quan đến việc thuê nhiếp ảnh gia nọ làm việc, Owen-Jones đã biện minh và được Agon xác thực rằng, đây là công việc thực sự cần thiết cho L'Oréal. Ông cũng giải thích về món quà mà bà Bettencourt tặng cho mình rằng, không chỉ ông mới là sếp tại L'Oréal, mà còn có gia đình Bettencourts và việc tặng quà này cũng nhằm "thể hiện sự hào phóng của họ" đối với mình.

Với việc Owen-Jones rời Công ty và bà Bettencourt ngày một già đi, người ta không tránh khỏi băn khoăn về tương lai của L'Oréal.

Theo một thỏa thuận giữa Nestlé và gia đình Bettencourt, không ai trong số 2 bên được phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại L'Oréal trong vòng 6 tháng kể từ khi bà Bettencourt qua đời. Tuy nhiên, vẫn có những điều khoản cho phép công ty Thụy Sỹ thâu tóm hãng mỹ phẩm Pháp và Chủ tịch Néstle cũng không phủ nhận mong muốn này. Trong khi đó, Chính phủ Pháp cũng coi L'Oréal là một dạng tài sản quốc gia quan trọng và không dễ gì để tài sản này hoàn toàn rơi vào tay người ngoài.