SHB đang đẩy mạnh thay đổi tư duy chuyển đổi số từ Hội sở đến các đơn vị kinh doanh

SHB đang đẩy mạnh thay đổi tư duy chuyển đổi số từ Hội sở đến các đơn vị kinh doanh

Số hóa ngân hàng: Quan trọng là chọn hướng đi phù hợp

(ĐTCK) Ông Đỗ Quang Vinh, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có những trải lòng với Báo Đầu tư Chứng khoán khi nhìn lại hành trình số hóa trong hơn 2 năm qua của Ngân hàng.

Hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey đã đánh giá ngành ngân hàng Việt Nam có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Ông có nhận định gì về vấn đề này? Nhìn về SHB, ông sẽ chia sẻ điều gì?

Ông Đỗ Quang Vinh, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

Ông Đỗ Quang Vinh, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

Xu hướng chuyển đổi số đã “phủ sóng” tại hầu hết quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chúng ta có thể nhận thấy, hiện nay, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đang tăng tốc trên đường đua chuyển đổi số và gia tăng đáng kể mức độ tương tác số giữa khách hàng trên tất cả các nền tảng số. Việc các ngân hàng chuyển đổi số nhanh chóng đang thúc đẩy chuyển đổi số của các ngành nghề khác, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số.

Tại SHB, việc thành lập Khối Ngân hàng số nhằm thúc đẩy một nền văn hóa đổi mới hơn, nhanh nhẹn hơn và lấy khách hàng làm trung tâm. Khối này sẽ đóng góp chính vào hiệu quả và lợi nhuận của phân khúc khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ của SHB, thu hút nhiều khách hàng hơn thông qua những trải nghiệm số hàng đầu thị trường, đồng thời tạo ra sự gắn kết sâu hơn với những khách hàng hiện tại, giảm thiểu các chi phí giao dịch và dịch vụ.

Chúng tôi có khảo sát và nhận thấy điều này được phản ánh rõ nét thông qua số lượng giao dịch trên nền tảng số đã tăng đáng kể trong hơn 2 năm qua, cho thấy khách hàng cảm thấy thoải mái hơn khi giao dịch với những tổ chức tài chính thông qua các kênh số và họ sẽ còn duy trì thói quen này. Tôi tin tưởng Khối Ngân hàng số sẽ đóng vai trò tích cực và to lớn trong việc đưa SHB trở thành ngân hàng số nằm trong Top 3 tại Việt Nam vào năm 2027.

Như ông chia sẻ, có thể hiểu rằng, SHB bắt đầu khởi động guồng quay 4.0 chỉ từ hơn 2 năm trước và kế hoạch đến năm 2027 đã nằm trong Top 3 ngân hàng số tại Việt Nam. Mục tiêu này quả là tham vọng…

Quay trở lại hơn 2 năm trước, SHB bắt đầu khởi động chiến dịch ngân hàng số. Đó là khoảng thời gian chuẩn bị các nền tảng cần thiết cho cuộc bứt phá trong tương lai. Có lẽ vì thế, một số người sẽ nghĩ SHB khởi đầu chậm. Còn ở góc độ quản trị doanh nghiệp, tôi quan niệm rằng, giai đoạn chuẩn bị đó là chậm mà chắc! Chậm mà chắc thì chắc chắn hiệu quả hơn vội mà hỏng việc. Đó là chân lý bất biến, nhất là khi đứng trước một vấn đề mới.

Hơn 2 năm qua, SHB vừa triển khai, vừa chủ động tìm hiểu những thành công, thất bại của các ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế đi trước về chuyển đổi số, qua đó đúc rút cho mình những bước đi và cách làm cẩn trọng, phù hợp.

Ngay từ đầu, SHB xác định hợp tác với những tổ chức, doanh nghiệp Fintech hàng đầu trên thế giới để hỗ trợ việc chuyển đổi số ở SHB nhanh nhất, tốt nhất và phù hợp nhất. Kết qủa hiện tại cho thấy, rõ ràng khi xác định đi theo hướng công nghệ hiện đại thì nguồn vốn đầu tư là rất lớn, nhưng chúng tôi được rất nhiều, đó là đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng, gia tăng sự trải nghiệm, mang lại nhiều giá trị đặc biệt. Bên cạnh đó, SHB cũng hoạt động hiệu quả hơn, tối đa hoá lợi nhuận… Vậy nên, tại sao lại không tham vọng!

Tôi thích tự đặt cho mình áp lực để nỗ lực bứt phá. Với SHB, tôi đặt ra mục tiêu vào năm 2027 sẽ trở thành ngân hàng số được yêu thích nhất tại Việt Nam. Tôi hiểu đây là mục tiêu khó, thậm chí rất khó, bởi chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện trong một tháng hay một vài năm, mà đó là một hành trình dài đầy thách thức. Do nhu cầu mỗi ngày của khách hàng ngày một tăng cao và đòi hỏi về công nghệ ngày càng tiên tiến hơn. Song, bằng việc chọn cho mình hướng đi phù hợp, tôi tin rằng đây sẽ là điều tiên quyết của sự thành công.

Phần lớn ngân hàng trong hệ thống đều công bố trên các phương tiện truyền thông về hành trình số hóa của mình. Một số ít ngân hàng chưa tuyên bố nhưng đều đã âm thầm thực hiện chuyển đổi số. Để tạo một lối đi riêng, sự khác biệt của SHB sẽ là gì?

Với SHB, tôi đặt ra mục tiêu vào năm 2027 sẽ trở thành ngân hàng số được yêu thích nhất tại Việt Nam.

Chuyển đổi số không phải chỉ là chuyển đổi công nghệ, mà trước tiên phải là chuyển đổi tư duy. SHB xác định “thay đổi tư duy” chính là yếu tố tiên quyết phải hoàn thành trước khi bước những bước tiếp theo trong lộ trình chuyển đổi số đầy thách thức.

Tại SHB, dự án chuyển đổi số được Hội đồng quản trị, Ban điều hành quan tâm sát sao và phê duyệt rất nhanh. Đây chính là lợi thế lớn nhất của SHB, bởi chuyển đổi số cần phải nhanh, gọn, hiệu quả. Tôi muốn nhấn mạnh lại, chuyển đổi số là chuyển đổi bắt đầu từ tư duy, nên khi các cấp lãnh đạo “bật đèn xanh” thì con đường phát triển mới rộng mở.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với các đối tác uy tín hàng đầu trên thế giới đã giúp SHB có được những chiến lược phát triển, lộ trình chuyển đổi và sản phẩm có chất lượng tốt nhất, phù hợp với tình hình triển khai và nội tại Ngân hàng. Cụ thể, việc khoanh vùng và hợp tác với các đối tác công nghệ số nằm trong tốp đầu thế giới đã, đang và sẽ giúp SHB tạo ra bước đột phá về nền tảng và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số. Bên cạnh đó, SHB cũng đã làm việc với các đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới như BCG, IBM, Ernst & Young… để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 5 năm và 10 năm.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm là hiện SHB đang đẩy mạnh thay đổi tư duy chuyển đổi số từ Hội sở đến các đơn vị kinh doanh. Tất nhiên, cùng với đó là nỗ lực củng cố bộ máy Khối Ngân hàng số với những nhân tài đến từ nhiều nơi tại Việt Nam và trên toàn cầu. Chúng tôi mong muốn xây dựng Khối Ngân hàng số trở thành trung tâm thu hút tài năng, từ đó không chỉ đóng góp vào kết quả kinh doanh chung của SHB, mà còn thúc đẩy các ngân hàng Việt Nam tham gia vào các định chế tài chính lớn xuyên quốc gia.

Đèn xanh đã bật, đường phát triển thuận lợi nên chắc hẳn đã có những kết quả bước đầu?

Đúng vậy. Bằng chứng là hơn 2 năm trải qua đại dịch Covid-19 với đầy rẫy khó khăn, nhưng chúng tôi đã nhận định và tận dụng tối đa vai trò của các công cụ kết nối, làm việc thời đại 4.0. Mọi công việc tại SHB từ họp hành nội bộ, làm việc với đối tác, cho đến kết nối giữa Ngân hàng và khách hàng đều thông qua các kênh online, khách hàng tương tác trực tiếp trên nền tảng số, trên mobile app của Ngân hàng… Các dịch vụ tài chính, tư vấn qua các kênh online hoạt động tốc lực. Khách hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhờ công nghệ thông minh hỗ trợ 24/7. Chúng tôi hiểu khách hàng của mình muốn gì để cải tiến dịch vụ.

Theo đó, tính đến nay, toàn bộ quy trình hoạt động của SHB đều được cải tiến mạnh mẽ nhờ công nghệ số, hiệu quả công việc nhờ đó nâng cao rõ rệt và quan trọng hơn, khi cùng lúc vừa hoàn thiện Ngân hàng, vừa có công cụ nắm bắt rõ nhu cầu khách hàng, SHB đã, đang và sẽ “thiết kế” nên những chương trình kinh doanh, sản phẩm phù hợp nhất với từng nhóm khách hàng, đảm bảo bám sát phương châm “lấy khách hàng làm trọng tâm và gia tăng tối đa lợi ích của khách hàng”.

Liệu chặng đường này có trải bước trên hoa hồng?

Khi bắt tay vào một lĩnh vực mới, đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin hiện đại, chắc chắn bất kỳ doanh nghiệp nào nói chung và SHB nói riêng đều sẽ đối mặt với nhiều trở ngại. Song, tính đến thời điểm hiện tại, tôi có thể tự hào chia sẻ rằng, bằng sự quyết tâm, tinh thần dám đương đầu, không ngại thay đổi, chúng tôi đã bước đầu vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu nhất định.

Tin bài liên quan