Sớm giải phóng lượng xe ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị doanh nghiệp không tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu, phấn đấu giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chiều nay, 26/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 25/12/2021, Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe bị ùn tắc tại cửa khẩu, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là mặt hàng nông sản dễ hư hỏng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh cho biết "Thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc, quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng nghìn xe trong những ngày qua.

Ông nói, đây cũng là những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta trong thời gian qua. Đó là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc…".

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo sớm giải phóng lượng xe hàng hóa ùn ứ tại các tỉnh biên giới phía Bắc.(Anhr VGP)
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo sớm giải phóng lượng xe hàng hóa ùn ứ tại các tỉnh biên giới phía Bắc.(Anhr VGP)

Mặc dù, các bộ, địa phương biên giới liên tục có các khuyến cáo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe hàng hóa qua cả 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma, trong khi cửa khẩu Tân Thanh thì chưa mở trở lại. Trung bình 1 giờ chỉ thông quan được khoảng 8 xe. Do đó, 1 tháng nay gây áp lực rất lớn về bố trí chỗ đỗ phương tiện, ăn ở, sinh hoạt cho hàng vạn người vô cùng khó khăn; bên cạnh đó là các vấn đề an ninh trật tự; rác thải, vệ sinh môi trường,...

Trong 1 tháng qua, tỉnh Lạng Sơn đã hội đàm 50 cuộc từ cấp huyện, ngành với phía lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, đề nghị tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thông quan hàng hoá.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc theo đuổi chính sách "zero Covid" nên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, khử khuẩn xe và hàng; lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc mà phải trung chuyển lái xe ở cửa khẩu... khiến tốn nhiều thời gian, gây ùn ứ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nói, "Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid”, nên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Về thời gian thông quan, phía Trung Quốc vẫn triển khai trong giờ hành chính, không có chính sách cắt giảm, tuy nhiên do triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch, khử khuẩn xe và hàng, phải trung chuyển lái xe ở cửa khẩu... khiến tốn nhiều thời gian, gây ùn ứ. "Trung bình 1 giờ chỉ thông quan được 8 xe. 1 cửa khẩu 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe".

Thời gian gần đây, đặc biệt từ tháng 12/2021 trở lại đây, các biện pháp kiểm soát nhập khẩu gắn với yêu cầu, điều kiện trong phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, dẫn tới tình trạng ùn ứ xe container. Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã kịp thời có nhiều chỉ đạo nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện và giải quyết triệt để.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu doanh nghiệp không đưa thêm hàng lên cửa khẩu, các bộ, ngành tích cực làm việc với Trung Quốc để giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ.

"Phấn đấu giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, đồng thời thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp không đưa hàng lên các cửa khẩu, vì càng tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu thì càng thiệt hại, vì vậy, cần có giải pháp, cả trước mắt và dài hơi”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Trước mắt, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ: Ngoại giao, Công Thương và các địa phương có cửa khẩu biên giới làm việc, hội đàm với phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho thông quan hàng, nhất là hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container hiện bị ùn ứ. Chẳng hạn tăng thời gian thông quan từ 8 tiếng một ngày hiện tại, lên 12 tiếng.

Về lâu dài, Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới. Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để hình thành vùng xanh, luồng xanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hoá qua cửa khẩu một cách an toàn.

Các địa phương tổ chức các hội nghị với các doanh nghiệp để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, người dân biết để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, như tổ chức tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, có phương thức bảo quản, đóng gói tại chỗ cho tốt...

Đặc biệt, các địa phương cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Tập trung mở rộng thị trường, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Hạn chế tiến tới chấm dứt hoạt động thương mại đường mòn, lối mở. Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để bảo quản, quản lý hàng hóa. Các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cần tích cực thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước..

Tin bài liên quan