Sự ra đi đột ngột của vị “cứu tinh” đồng hồ Thụy Sỹ

Sự ra đi đột ngột của vị “cứu tinh” đồng hồ Thụy Sỹ

(ĐTCK-online) Đầu tuần này, ông Nicolas Hayek, 82 tuổi, quốc tịch Thuỵ Sỹ, người gốc Lebanon, nguyên Chủ tịch Swatch Group, tập đoàn sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới của Thuỵ Sỹ (xét theo doanh thu) đã từ trần sau một cơn đau tim đột ngột ngay tại phòng làm việc ở TP. Biel (Thuỵ Sỹ).

Ông Nicolas Hayek đã được mệnh danh là vị “cứu tinh” của ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ của Thuỵ Sỹ,  một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn (bên cạnh ngành ngân hàng) của nước này.   

Trong lời chia buồn, Tổng thống Thuỵ Sỹ, bà Doris Leuthard nhấn mạnh: “Thuỵ Sỹ và nền công nghiệp quốc gia đã mất đi một trong những nhân vật ưu tú nhất”.

Ông Jean-Claude Biver, Giám đốc điều hành (CEO) Hublot, một thương hiệu đồng hồ cao cấp do Tập đoàn LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SA (Pháp) sở hữu, nhận định: “Ông Nicolas Hayek là một nhà kinh doanh xuất chúng và đã để dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử của ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ”.

Còn ông Jon Cox, nhà quản lý cao cấp của Công ty Kepler Capital Markets ở Zurich (Thuỵ Sỹ) phát biểu: “Ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ đã mất đi một huyền thoại”. 

Tập đoàn Swatch hiện sở hữu 19 thương hiệu đồng hồ từ loại rẻ bình dân như Swatch (giá vài chục USD) cho đến nổi tiếng và đắt tiền trên thế giới hiện nay như Breguet, Omega, Longines, Tissot, Blancpain... 

Đồng hồ Thuỵ Sỹ thì đã lừng danh trên thế giới từ lâu rồi, chẳng thế mọi người đều ví “tốt như đồng hồ Thuỵ Sỹ”. Thế nhưng, trong hai thập kỷ 1970 và 1980 của thế kỷ trước, ngành sản xuất đồng hồ Thuỵ Sỹ đã bị rơi vào khủng hoảng khi bị Hãng sản xuất đồng hồ Seiko của Nhật Bản lấn lướt trên hầu hết các thị trường chính trên thế giới. Đồng hồ Seiko cũng chẳng kém thua gì các loại đồng hồ của Thuỵ Sỹ về độ chính xác, mẫu mã thì rất đa dạng, còn giá cả thì ăn đứt đồng hồ đắt tiền như Omega, Longines...   

Nicolas Hayek sinh năm 1928 tại Beirut (Thủ đô Lebanon) và dời sang Thuỵ Sỹ sinh sống từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Đại học tổng hợp Lyon  (Pháp) chuyên ngành toán lý, ông đã thành lập Công ty tư vấn Hayek Engineering ở TP. Zurich (Thuỵ Sỹ) vào năm 1963.

Dù chẳng là người có dính dáng nhiều đến ngành đồng hồ, song là một công dân Thuỵ Sỹ, ông Nicolas Hayek tự cảm thấy có trách nhiệm phải ra tay cứu giúp ngành công nghiệp này khỏi bị trượt dốc. Năm 1985, ông bỏ tiền ra mua lại 2 xí nghiệp sản xuất đồng hồ lớn là Asuag và SSIH, rồi sáp nhập chúng thành một và lấy tên là SMH (nguyên văn tiếng Pháp là Société Suisse de Microélectronique et d’ Horlogerie - tạm dịch là Công ty Điện tử và Đồng hồ Thuỵ Sỹ). Sau này, 3 chữ SMH lại được mọi người nói lái thành Sa Majesté Hayek (tức là Quý ngài Hayek). Công ty này sau này được biết nhiều dưới hơn cái tên Swatch Group.

Vào cuối năm 1987, khi thị trường chứng khoán New York (Mỹ) bị lâm vào cuộc khủng hoảng nặng, thì ông lại dám tung tiền chơi sang khi dám mua trọn 1 trang của tờ The Wall Street Journal để quảng cáo trong nhiều kỳ sản phẩm đồng hồ Swatch, khi đó còn là thương hiệu hoàn toàn “vô danh tiêu tốt” với thông điệp hết sức ấn tượng là: “Đã đến lúc bạn nên đổi đồng hồ Rolex lấy Swatch”.

Đồng hồ Swatch được thiết kế trông rất trẻ trung, bằng nhựa với nhiều chủng loại rất vừa với túi tiền của từng đối tượng khách hàng. Hơn nữa, đồng hồ Swatch có nét độc đáo là hoàn toàn tự động (tức là không là phải lên dây cót), song số chi tiết của nó thì chỉ bằng một nửa so với đồng hồ điện tử.

Nhờ có sự đầu tư thích đáng và hiệu quả vào marketing, nên chẳng bao lâu sau đó, đồng hồ Swatch bán rất chạy. Swatch “lên hương”, thì các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ khác cũng được “ăn theo” và gượng dậy dần.

Ông Francois Haberstaat, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất đồng hồ đã đánh giá công lao của ông Nicolas Hayek như sau: “Vào giữa những năm 1980, khi không còn ai tin là ngành sản xuất đồng hồ của chúng ta có thể gượng dậy nổi, thì chỉ duy nhất có ông Nicolas Hayek với niềm tin mãnh liệt đã dám đương đầu với thử thách cam go và vượt qua được nó. Ngành đồng hồ Thuỵ Sỹ phải ghi nhận đầy đủ công lao đóng góp của ông”.       

Ông Nicolas Hayek từng tiết lộ với báo giới rằng, thành công trong kinh doanh của ông dưạ trên hai nền tảng là đa dạng hoá sản phẩm và mạng lưới cửa hàng tiêu thụ. Nói thì dễ vậy, nhưng làm được đâu phải đơn giản.

Tính đến nay, hơn 400 triệu đồng hồ mang nhãn hiệu Swatch đã được bán ra. Doanh thu toàn cầu năm 2009 của Swatch đạt 4,9 tỷ USD và dự kiến năm nay sẽ còn cao hơn, đạt 5,5 tỷ USD.

Năm 2002, ông đã bàn giao lại chức CEO cho con trai có cùng tên là Nicolas Hayek Jr., song trên thực tế, ông vẫn chưa hoàn toàn rút lui vào hậu trường và vẫn làm việc bình thường. Là một trong những người giàu có nhất Thuỵ Sỹ, song vì ra đi đột ngột, nên có thể ông vẫn chưa kịp viết di chúc.