Sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP có cứu nổi thị trường trái phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
Hiện tượng tháo chạy khỏi trái phiếu vẫn chưa dừng lại, trong khi thanh khoản ngày càng cạn kiệt, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng đứt gãy dòng tiền.
Với làm sóng tháo chạy khỏi trái phiếu, không ít doanh nghiệp đang điêu đứng, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản

Với làm sóng tháo chạy khỏi trái phiếu, không ít doanh nghiệp đang điêu đứng, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản

Một số chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương sửa Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để giảm áp lực cho thị trường trái phiếu.

Nên “hoãn” thực hiện Nghị định 65 từ 6 tháng đến 1 năm

Tuần qua, thị trường lại chứng kiến thêm một tập đoàn bất động sản lớn mất khả năng thanh toán trái phiếu đúng hạn, đề nghị khách hàng lùi kỳ thanh toán sau 12 tháng kể từ ngày đến hạn hoặc chuyển sang đầu tư các sản phẩm bất động sản của chủ đầu tư cùng ưu đãi giảm giá 30-50%.

Phát hành trái phiếu mới đóng băng (trong tháng 10/2022, không có doanh nghiệp nào phát hành), trong khi nhà đầu tư ồ ạt đòi bán lại trước hạn khiến doanh nghiệp kiệt sức.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ lớn. Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế khá tốt xét về trung, dài hạn, nhưng không thể xử lý vấn đề trước mắt cho doanh nghiệp”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Cùng nhận định này, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng, dù không phải là “thủ phạm” song Nghị định 65/2022/NĐ-CP bóp nghẹt phía cầu, khiến thị trường trái phiếu càng thêm tắc.

“Nghị định 65 siết chặt điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khiến ‘chợ’ trái phiếu chỉ còn người bán, mà hầu như không có người mua. Nới lỏng Nghị định 65 tuy không thể giải quyết dứt điểm tình hình hiện nay, song sẽ là thông điệp cho thấy, cơ quan quản lý có ý định hỗ trợ thị trường”, lãnh đạo này cho biết.

Để giải bài toán bế tắc của thị trường trái phiếu, trong cuộc gặp gỡ với Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

HoREA cũng đề nghị cho phép các doanh nghiệp có quy mô lớn, có uy tín thương hiệu, công ty đại chúng, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán được xếp hạng tín nhiệm thì được phát hành riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”. Đồng thời, cho phép các nhà đầu tư cá nhân này được ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định.

Nói cách khác, HoREA gần như kiến nghị “hoãn” toàn bộ nội dung về siết chặt phía cầu trong Nghị định 65 về thị trường trái phiếu.

Trong thông cáo báo chí phát đi đầu tuần này về hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt bán lại trái phiếu trước hạn, Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai Nghị định 65 cùng các giải pháp xử lý nghiêm vi phạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh, hướng tới hoạt động hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia và doanh nghiêp cho rằng, nên hoãn thực hiện Nghị định 65, hoặc đưa ra lộ trình áp dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Thời gian hoãn ít nhất là 6 tháng đến một năm”, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Trong Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, bên cạnh tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65, cũng phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo Chính phủ để sửa đổi nếu cần thiết.

Ngăn “cháy rừng” lan rộng

Tuần qua, Hàn Quốc đã công bố gói biện pháp hỗ trợ trị giá 7,3 tỷ USD nhằm giúp thị trường bất động sản. Trong khi đó, theo nguồn tin từ Bloomberg, Trung Quốc cũng vừa đưa ra gói giải cứu bất động sản lớn chưa từng thấy.

Khủng hoảng niềm tin khiến làn sóng bán tháo trái phiếu lan rộng như cháy rừng. Thanh khoản trái phiếu bất động sản đứt gãy lan rộng ra toàn nền kinh tế. Kịch bản này đang có manh nha xảy ra tại nước ta.

Trong bối cảnh hiện nay, sửa hay hoãn thực hiện Nghị định 65 không phải là giải pháp mấu chốt để cứu thị trường trái phiếu, song sự vào cuộc của cơ quan chức năng sẽ phát đi tín hiệu tích cực cho thị trường.

“Nếu không sửa Nghị định 65, khả năng năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phá sản. Dù vậy, ngay cả Nghị định 65 được gỡ, doanh nghiệp cũng sẽ khó phát hành thành công trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân mất niềm tin như hiện nay”, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định.

Liên quan việc giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản, có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, khủng hoảng hiện nay là cơ hội để đưa bất động sản về giá trị thật, không cần phải giải cứu. Song luồng ý kiến lớn hơn lại cho rằng, gốc rễ câu chuyện hiện nay là thanh khoản vốn cho toàn bộ nền kinh tế, chứ không chỉ riêng bất động sản. Gỡ dòng tiền trái phiếu hiện nay là giải cứu dòng tiền cho toàn bộ nền kinh tế, bởi bất động sản và các ngành liên quan đóng góp tới 25% GDP, lan tỏa tới 40 ngành, nghề khác.

Hiện nay, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang chờ chực để vào săn mua tài sản giá rẻ của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Việc hành động nhanh lúc này không chỉ để ổn định thị trường trái phiếu hay thị trường bất động sản, mà còn để ngăn chặn nguy cơ bán rẻ tài sản của đất nước.

Tất nhiên, với nguồn lực trong nước hiện nay, khó có việc Chính phủ chi ra hàng tỷ USD để giải cứu thị trường trái phiếu hay bất động sản. Tuy vậy, nhìn vào thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, các giải pháp giải cứu thị trường chủ yếu nằm ở cơ chế, chứ không chỉ là bơm tiền. Trong kiến nghị mới nhất mà HoREA gửi tới Thủ tướng, vốn không phải là đề xuất duy nhất, mà rất nhiều kiến nghị liên quan đến vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho rằng, khó khăn về dòng tiền đang đặt doanh nghiệp vào những tình thế hết sức cấp bách. Hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác.

Cần có giải pháp đặc biệt cứu nguy cho doanh nghiệp

Trong báo cáo vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đề xuất Chính phủ, trong trường hợp cần thiết, phải tính tới các giải pháp đặc biệt nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Cụ thể, cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường. Bên cạnh đó, để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước.

Tin bài liên quan