Tính đến cuối tháng 6/2018, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017

Tính đến cuối tháng 6/2018, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017

Sức ép lạm phát và rủi ro thương mại quốc tế

(ĐTCK) Mặc dù dư địa cho tăng trưởng tốt, song nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, 6 tháng cuối năm 2018, nền kinh tế vĩ mô sẽ phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro và thách thức, đặc biệt là lạm phát đang có xu hướng gia tăng và những diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 6,79%, cùng những dư địa thuận lợi trong tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các cơ hội từ bối cảnh phục hồi của thương mại toàn cầu là những cơ sở quan trọng để Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 6,5 - 6,7% là khả thi.

Tuy nhiên, báo cáo kinh tế quý II của cơ quan này cũng cảnh báo độ mở của nền kinh tế lớn ở mức trên 190% như hiện tại sẽ đặt Việt Nam trước nhiều rủi ro, thách thức nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì các cuộc chiến thương mại.

“Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, trong đó Mỹ đã vượt EU, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Trung Quốc đã thay thế Hàn Quốc trở lại thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại lớn nổ ra, các nền kinh tế mở và nhỏ như Việt Nam chắc chắn sẽ phải đón nhận cả cơ hội và rủi ro, trong đó có cả sự sụt giảm về xuất nhập khẩu và bất ổn vì sự mất giá của đồng tiền”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Theo bà Lan, dấu hiệu chững lại của tăng trưởng thương mại trong quý II khi Trung Quốc lấy lại vị thế nhập siêu lớn nhất với Việt Nam là những hiện tượng rất đáng lo ngại, có thể tác động lớn tới tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong các quý tới.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lưu ý khả năng phá giá mạnh hơn đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian từ nay tới cuối năm trong động thái đáp trả mạnh mẽ hơn của nước này đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ dẫn tới những tác động bất lợi cho Việt Nam, đặc biệt là tình trạng nhập siêu với Trung Quốc lại càng tiếp tục tăng mạnh.

“Nhân dân tệ đã mất giá 5,4% ngay sau khi Mỹ tuyên bố trừng phạt Trung Quốc, trong khi đồng Việt Nam vẫn giữ ổn định với USD nên đã lên giá so với đồng Nhân dân tệ. Hiện nay, Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phá giá đồng Nhân dân tệ nên khả năng họ tiếp tục phá giá là rất cao, do đó cần đặc biệt quan tâm xu thế này để tránh tình trạng gia tăng nhập siêu do biến động tỷ giá", TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Báo cáo của VEPR cũng khuyến cáo về tình trạng lạm phát đang có xu hướng tăng. “Nối tiếp xu hướng trong quý I, lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II/2018. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng 3 lên 4,67% vào tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến cuối tháng 6/2018, CPI đã tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017. Việc phục hồi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thực phẩm, dẫn tới lạm phát gia tăng. Nhóm này có quyền số lớn trong rổ hàng hóa CPI và tăng khá nhanh vào tháng 6, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014”. PGS.TS Nguyễn Đức Thành phân tích.

Theo nhận định của TS. Thành, trong thời gian tới, khi giá thực phẩm, nhất là thịt lợn, hồi phục thì đóng góp vào CPI của nhóm hàng ăn uống dự kiến sẽ còn lớn hơn. Ngoài ra, việc tăng giá các dịch vụ công trong quý II và quý III tiếp tục là nhân tố đóng góp quan trọng cho sự gia tăng CPI trong quý II và tiếp tục trong các quý còn lại.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thị trường thế giới còn có xu hướng tăng, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng theo cùng với việc thuế môi trường đánh trên xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít khiến nhóm hàng giao thông, đặc biệt là xăng dầu, có thể tác động đến mức tăng CPI chung, TS Thành khuyến nghị, cần có sự theo dõi chặt chẽ và nỗ lực điều hành linh hoạt của các cơ quan quản lý trong việc điều chỉnh hàng hóa dịch vụ công và kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu, điện.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước cũng được khuyến cáo để thực hiện được việc kiểm soát lạm phát ở mức bình quân năm 2018 dưới 4%.          

Tin bài liên quan