Tắc thoái vốn ngoài ngành vì sợ trách nhiệm

Tắc thoái vốn ngoài ngành vì sợ trách nhiệm

(ĐTCK) Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) đang chậm trễ trong triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính. Điều này, theo đại diện Bộ Tài chính, không phải do vướng mắc cơ chế, mà vì lãnh đạo các TĐ, TCT sợ trách nhiệm.

Tắc thoái vốn ngoài ngành vì sợ trách nhiệm ảnh 1Đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành

 

Quyết định đầu tư ban đầu không minh bạch

“Các TĐ, TCT đang chậm trễ trong triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Một trong những nguyên nhân họ đưa ra là không biết thực hiện theo quy định nào, nhưng lý do này không có cơ sở và không thuyết phục”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2013, do Bộ Tài chính vừa tổ chức.

Tại sao lại có tình trạng các TĐ, TCT nại ra lý do thiếu cơ chế, chính sách để làm chậm quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong khi cơ quan quản lý lại phủ nhận lý do này? Với hiện trạng thoái vốn kiểu “rùa bò” như hiện nay, mục tiêu đến năm 2015, các TĐ, TCT phải hoàn tất thoái vốn sẽ khó đạt được.

Thực tế, tình trạng này có thể đã không xảy ra nếu như hiện trạng kinh tế vĩ mô, TTCK không khó khăn kéo dài từ năm 2011 đến nay, khiến hầu hết các khoản đầu tư của các TĐ, TCT rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí lỗ nặng, nên khó thoái vốn. Với quy định hiện hành, nếu lãnh đạo các TĐ, TCT đưa ra quyết định đầu tư nói chung, các khoản đầu tư ngoài ngành nói riêng không tuân thủ quy trình chặt chẽ, minh bạch, dẫn đến làm mất vốn nhà nước, thì trách nhiệm mà lãnh đạo các TĐ, TCT phải gánh chịu không đơn thuần là rủi ro kinh doanh. Đây là điều mà lãnh đạo các TĐ, TCT rất không muốn và không dám đối mặt.

Trao đổi thêm với ĐTCK, ông Tiến lý giải, gốc rễ của câu chuyện nằm ở chỗ, không hiếm khoản đầu tư ngoài ngành nghề chính của các TĐ, TCT do lãnh đạo DN quyết định không có phương án kinh doanh cụ thể và không được các đơn vị chức năng tham gia xem xét, quyết định, trong khi theo quy định phải làm việc này. Có nghĩa là xuất phát từ quyết định đầu tư ban đầu không minh bạch, nên mặc dù hiện có hướng dẫn rõ ràng cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng nhiều TĐ, TCT luôn kêu khó, hay nói đúng hơn là rất ngại công khai việc thoái vốn, bởi họ sợ trách nhiệm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ trong thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện tại.

Việc chậm trễ trong triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, có thể làm giảm hiệu quả chung, thậm chí có thể làm DNNN kéo dài tình trạng thua lỗ, gây thất thoát nguồn lực quốc gia. Cần thay đổi quan điểm cho rằng, không nên thoái vốn và cổ phần hóa khi thị trường tài sản sụt giảm, bởi đây là cách nhìn ngắn hạn, không trên quan điểm lợi ích tổng thể của nền kinh tế.

 

Cơ chế thoái vốn đã có

Với các quy định hiện hành, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, hoàn toàn có cơ sở để các TĐ, TCT triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính, kể cả đối với trường hợp thua lỗ, mất vốn. Cách thức thoái vốn này, theo ông Tiến, đã được Chính phủ chỉ đạo cụ thể ngay sau khi xem xét phương án thoái vốn của các TĐ, TCT theo cơ chế thị trường, do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình từ giữa năm ngoái.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các TĐ, TCT phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Các TĐ, TCT phải khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn, thì các TĐ, TCT lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể... Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn của các TĐ, TCT sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính. Việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu DN đối với từng TĐ, TCT, nhất là các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Cùng với tái khẳng định với quy định hiện hành đã đủ cơ sở cho các TĐ, TCT triển khai việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính, ông Tiến cho biết thêm, nếu xét thấy cần thiết góp phần cho đẩy nhanh quá trình thoái vốn, trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này theo hướng chi tiết hóa các chỉ đạo của Chính phủ.